Trong số ra tháng 3, Tạp chí quốc phòng nổi tiếng của Canada “Kanwa Defence Rewiev” đã có bài phân tích đánh giá tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc không so được với F/A-18 Hornet của Mỹ, đến số ra tháng 4 này họ lại tiếp tục đánh giá J-11 không phải đối thủ của F-15J Nhật.
Bài báo cho biết, kết quả so sánh máy bay chiến đấu Trung - Nhật rất khó dự đoán, nhưng về cơ bản, không quân của 1 nước mạnh yếu ra sao được đánh giá bởi các yếu tố: Trang bị, chỉ huy, huấn luyện, chiến thuật và kinh nghiệm… Trong đó, kinh nghiệm và huấn luyện là yếu tố quan trọng nhất.
Trung Quốc và Nhật Bản cùng trang bị một thế hệ máy bay. J-11 của Trung Quốc được cải tiến trên cơ sở Su-27 của Nga nhưng tính năng cũng chỉ ngang bằng thậm chí là kém hơn. Khi bắt tay vào thiết kế Su-27, các kỹ sư thiết kế Nga đã đặt ra một số chỉ tiêu kỹ thuật vượt trội F-15, chẳng hạn như tính năng cơ động và trên thực tế, máy bay của Nga và Âu – Mỹ đã từng giao chiến với nhau nhiều lần.
Trong cuộc chiến ở Kosovo, có lần 2 chiếc Mig-29 của không Nam Tư đã không chiến với 2 chiếc F-15, kết quả cả 2 chiếc Mig đều bị bắn hạ. Tuy vậy, cuộc chiến này cũng không thể coi là cuộc đấu chân chính giữa 2 loại máy bay vì F-15 được sự chi viện của dàn máy bay dự cảnh rất mạnh, còn Mig-29 thì hầu như là đơn độc tác chiến, hơn nữa, Mig-29 cũng nhỏ hơn, tính năng cơ động và hiệu quả quan sát của radar cũng kém xa Su-27.
Một thực tế là cả không quân Trung Quốc và Nhật Bản đều đã trải qua thời gian 50 năm chưa giao đấu với ai, kinh nghiệm tác chiến của cả 2 bên đều là con số 0 tròn trĩnh. Về mặt huấn luyện, lực lượng không quân Nhật Bản theo chuẩn của NATO, mỗi tháng bay huấn luyện ít nhất là 15h, còn J-11 của Trung Quốc được ưu tiên huấn luyện gấp đôi các loại máy bay khác, thời gian huấn luyện không kém gì F-15.
Thế nhưng, mỗi năm Nhật - Mỹ đều triển khai diễn tập quân sự liên hợp nên không quân Nhật hơn đứt Trung Quốc về kinh nghiệm diễn tập và chuẩn bị thực chiến. Hơn nữa, Trung Quốc còn kém xa về hệ thống truyền dẫn số liệu và năng lực tác chiến hiệp đồng/liên hợp giữa các biên đội J-11 với nhau và giữa các biên đội máy bay tác chiến khác nhau, dẫn đến khả năng tác chiến quy mô lớn, hiệp đồng nhiều loại phương tiện tác chiến kém.
Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đã cải tiến F-15 và J-11, đặc biệt là về hệ thống vũ khí. J-11A có thể sử dụng tên lửa đối không tầm trung RVV-AE, 1 bộ phận máy bay này cũng có thể sử dụng được loại tên lửa không đối không hiện đại nhất của Trung Quốc là PL-12.
F-15 cải tiến sử dụng radar APG-63 nên có thể trang bị tên lửa đối không tầm trung AAM-4B do Nhật tự sản xuất, F-15 phiên bản mới nhất còn có thể sử dụng tên lửa đối không tầm ngắn quốc nội AAM-5 có tính năng cơ động ngang ngửa với AIM-9X Sidewinder của Mỹ.
Tuy nhiên, các loại tên lửa này của Nhật và Trung đều chưa từng được kiểm nghiệm trên chiến trường và máy bay mẹ J-11 và F-15 cũng chưa từng giao chiến với nhau bao giờ cho nên những so sánh chỉ là trên giấy tờ.
Cả 2 loại máy bay này đều là máy bay tiêm kích hạng nặng thế hệ thứ 3, J-11 nhỉnh hơn 1 chút về lượng bom đạn mang theo với 8 tấn, trong khi F-15 chỉ có 7,3 tấn nhưng máy bay Nhật lại vượt trội về tính năng tàng hình.
Các chỉ số về thời gian lưu không cũng là yếu tố so sánh quan trọng, thể hiện khả năng tác chiến bền bỉ. Su-27SK mang được 9 tấn nhiên liệu, còn F-15J chỉ có 6,1 tấn vì vậy, về thời gian lưu không thì Su-27/J-11 chiếm ưu thế hơn.
Su-27 vượt trội F-15, thậm chí dẫn đầu thế giới về khả năng tăng tốc đoạn ngắn và leo độ cao. Lợi thế này giúp nó có khả năng nhanh chóng tiếp cận/thoát ly khu vực tác chiến và truy đuổi kẻ địch nên chiếm ưu thế hơn F-15 về lĩnh vực này.
Trong không chiến, yếu tố quyết định thành bại là radar, về phương diện này Nga, Trung thường lạc hậu hơn so với châu Âu. Radar APG-63 trên F-15J có khả năng cùng lúc phát hiện, theo dõi 14 mục tiêu và tấn công đồng loạt 6 mục tiêu cùng 1 thời điểm. Trong khi đó, với cùng 1 phạm vi bao quát là 100km, radar H001 hiện đại nhất trên Su-27SK chỉ đạt hiệu suất 10/2.
Về máy bay cảnh báo sớm, radar mảng pha trên KJ-2000/200 của Trung Quốc có khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu cao hơn so với máy bay dự cảnh E-2C của Nhật, điều này có thể bù đắp cho sự yếu kém của radar Su-27/J-11, thế nhưng khả năng truyền dẫn và xử lý số liệu từ máy bay dự cảnh về Trung tâm chỉ huy tác chiến của Trung Quốc lại kém, độ trễ chuyển tiếp đến máy bay chiến đấu cao nên làm giảm hiệu quả tác chiến.
Góc độ quét của radar trên 2 loại máy bay Trung Quốc cũng không so được với E-2C, có thể xuất hiện những vùng câm sóng radar, hơn nữa cả 2 loại máy bay dự cảnh vừa ra đời của Trung Quốc mới chỉ được sử dụng mang tính thực nghiệm trong khi Nhật đã có kinh nghiệm dự cảnh khi triển khai E-2C từ thập niên 80 của thế kỷ trước.
Vấn đề tiếp theo là hệ thống vũ khí không đối không của J-11 kém hơn rất nhiều so với F-15J đặc biệt là tên lửa không đối không tầm trung. Nhật chỉ phóng có 44 quả AIM-120B, chủ yếu để thử nghiệm, còn trên thực tế họ sử dụng toàn bộ tên lửa không đối không tầm trung Type 99 (AAM-4) trong nước sản xuất, có tính năng cơ động và khả năng chống nhiễu cao hơn rất nhiều so với các loại tên lửa thế hệ PL của Trung Quốc.
Còn tên lửa không đối không tầm ngắn Type 04 (AAM-5) của Nhật ra đời vào năm 2000, được đánh giá ngang với các loại tên lửa cùng thế hệ của Mỹ, trong khi PL-8 của Trung Quốc là phiên bản nhái của tên lửa đối không tầm ngắn Python-3 sản xuất đầu thập niên 80 của Israel. Loại tên lửa này sử dụng công nghệ lạc hậu, dẫn đường bằng radar hồng ngoại bị động kiểu cổ điển.
Kanwa kết luận, tuy mỗi loại có sở trường và sở đoản riêng nhưng xét về tổng thể, J-11 chỉ có mỗi ưu điểm về thời gian tác chiến dài và khả năng cơ động. Đây chỉ là 1 phần nhỏ trong yếu tố “Trang bị”, còn lại 4 yếu tố quyết định khác là: Chỉ huy, huấn luyện, chiến thuật và kinh nghiệm thì J-11 còn rất nhiều nhược điểm. Vì vậy, máy bay của Trung Quốc không phải là đối thủ của F-15J.