Hồi tháng 5/2015 vừa qua, trong cuộc diễn tập chung với Israel, Hy Lạp đã kích hoạt hệ thống tên lửa phòng không S-300.
Theo nhận định của giới quân sự Nga, hành động này có thể đã bị Tel Aviv bí mật nghiên cứu biện pháp đánh bại các hệ thống tên lửa phòng không tương tự của Moscow.
Theo nhận định này, Israel có thể đã theo dõi hệ thống radar bám nắm mục tiêu của S-300 hoạt động như thế nào và làm thế nào để có thể lẩn trốn, đánh lừa được hệ thống radar đó.
Nguồn tin này còn cho biết thêm, Israel đang bí mật nghiên cứu biện pháp đánh bại hệ thống tên lửa phòng không hiện đại của Nga bố trí ở Trung Đông, lý do là nước này lo ngại rằng các hệ thống tên lửa này của Nga sẽ hạn chế khả năng tấn công của mình đối với Syria hay Iran.
Tuy nhiên Israel đã không còn phản ứng quyết liệt như trước đây mỗi khi Nga nhắc đến việc chuyển giao hệ thống S-300 cho Iran và Syria.
Lý giải điều này, tờ Jerusalem Post dẫn nguồn tin quân sự Israel cho biết, Tel Aviv đã có cách để triệt hạ hệ thống S-300 này.
Theo nguồn tin này, ngay sau khi Nga đồng ý nối lại hợp đồng bán hệ thống phòng không S-300 cho Iran, chính phủ Israel đang thảo luận về việc nối lại các hợp đồng quân sự bị đình trệ trước đó do Israel "nể" Nga.
Ngoài ra, nội các nước này còn thảo luận về biện phát triệt hạ hệ thống S-300 của Iran trong trường hợp hệ thống này là một mối đe dọa thực sự với nhà nước Do thái này.
Dù nguồn tin không cho biết vũ khí nào sẽ nhận nhiệm vụ này trong trường hợp cần thiết, nhưng theo đánh giá của Tạp chí quốc phòng Jane's, rất có thể vũ khí khiến Israel tự tin trước hệ thống S-300 của Iran là bom lượn thế hệ mới Spice 250 - loại bom này lần đầu được giới thiệu tại triển lãm hàng không Paris 2013.
Bom lượn Spice 250 có thể tấn công mục tiêu ở tầm xa trên 100km với việc trang bị thêm đôi cánh nhỏ cho phép nó có thể bay một quãng đường xa từ máy bay phóng tới mục tiêu. Với khả năng này, nó cho phép máy bay nằm ngoài tầm phòng không đối phương.
Phương thức dẫn đường của Spice 250 tương tự bom Spice 1000 và Spice 2000. Theo đó, nó sử dụng dầu tự dẫn 2 chế độ: truyền hình (CCD) và ảnh hồng ngoại (IIR). Ngoài ra, trong chiến đấu còn có sự kết hợp với hệ dẫn đường quán tính INS, định vị toàn cầu GPS.
Khi chiến đấu, bom sẽ được lắp lên giá treo của máy bay. Mỗi giá treo có thiết bị kết nối truyền dẫn dữ liệu từ buồng lái máy bay tới bom. Một khi quả bom được thả, nó bắt đầu tìm kiếm mục tiêu và điều này có thể được thực hiện bằng nhiều cách:
- Đầu tiên, đó là dẫn đường quang truyền hình CCD hoặc dẫn hồng ngoại IIR (khi điều kiện ánh sáng thấp) kết hợp hình ảnh, các thuật toán sẽ kiểm tra xem hình ảnh mục tiêu trong bộ nhớ của bom với hình ảnh đầu dẫn thu được có khớp không.
Bộ nhớ của bom có thể nạp đến 100 mục tiêu khác nhau, gồm hình ảnh về mục tiêu do tình báo cung cấp và tọa độ địa lý mục tiêu.
- Thứ 2, nếu đầu dẫn CCD/IIR không thể tìm được mục tiêu vì bị che khuất, quả bom có thể tự động chuyển sang dẫn đường vệ tinh GPS và quán tính INS.
Quả bom nhận dữ liệu về vị trí hiện tại của nó từ vệ tinh GPS, hoặc từ một hệ thống dẫn đường quán tính của máy bay mang phóng. Do đó có thể tính toán tọa độ của bom, của mục tiêu và dẫn đường cho bom đánh chính xác.
- Thứ 3, nếu không tin tưởng vào hai phương pháp trên, sĩ quan điều khiển có thể tự điều khiển bom, qua đường truyền dữ liệu.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ cho phép điều khiển được một quả bom. Với phương thức dẫn đường như vậy, Spice 250 được đánh giá có độ chính xác cực cao với bán kính lệch mục tiêu khoảng 3m.
“Spice 250 có thể tấn công mục tiêu trong vòng trên 150km, nó có kích thước nhỏ hơn so với bom Spice 1000 và 2000 nên tín hiệu phản xạ sóng radar rất thấp. Vì thế, nó gây khó khăn cho hệ thống radar tìm kiếm mục tiêu đường không của đối phương.
Chiến đấu cơ có thể mang số lượng lớn bom cho phép phóng nhiều quả đạn cùng lúc về mục tiêu.
Những khả năng như vậy khiến hệ thống phòng không S-300 và nhiều hệ thống khác rất khó nếu không muốn nói là không thể đối phó”, tờ Jerusalem Post dẫn nguồn tin quân sự cho biết.