Trang bị hiện nay không đáp ứng nhu cầu...
Sau hơn bốn thập kỷ bị áp đặt lệnh cấm vận, tiềm lực quân sự của Iran đã yếu đi rất nhiều do hầu hết các loại vũ khí, trang bị chủ lực của quân đội quốc gia Cận Đông này là đồ nhập khẩu từ nước ngoài.
Do lệnh cấm vận, nhiều trang bị quân sự của Iran đang ở tình trạng xuống cấp và chỉ được sử dụng hạn chế.
Có thể kể ra đây như các đơn vị máy bay chiến đấu F-14 Tomcat mua từ Mỹ trong thập kỷ 1970 do thiếu phụ tùng nên chỉ được bay rất hạn chế; hay tàu ngầm lớp Kilo nhập khẩu từ Nga do không được đại tu, bảo dưỡng hợp chuẩn nên rất hay phát sinh trục trặc kỹ thuật và nhiều trang bị quân sự phức tạp khác cũng trong tình trạng tương tự…
Mặc dù Iran có cố gắng tự chủ một phần bằng các trang bị tự phát triển và sản xuất trong nước, nhưng những loại vũ khí nội địa này thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu của Tehran.
Thậm chí, nhiều chuyên gia quân sự đánh giá, những loại vũ khí nội địa của Iran chỉ là “bình mới, rượu cũ” sử dụng vũ khí cũ được sơn phết để nhìn như mới; cóp nhặt, chắp nối các tổ hợp vũ khí cũ với nhau hay chỉ là các mô hình không hề có bất kỳ hình ảnh thử nghiệm thực chiến nào.
Động thái trên của Tehran được cho là nhằm mục đích “thổi phồng” sức mạnh quân sự của nước này để ngăn ngừa khả năng bị can thiệp quân sự trong giai đoạn quan hệ căng thẳng với Mỹ, phương Tây và Israel.
Sau khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử được thông qua, giới chuyên gia quân sự đánh giá, Iran trong thập niên tới có thể chi từ hàng tỷ tới hàng chục tỷ USD cho việc hiện đại hóa quân đội.
Trước hết, Tehran hướng tới việc mua sắm các tổ hợp vũ khí hiện đại để có thể ngay lập tức lấp khoảng trống sức mạnh và thay thế dần vũ khí lỗi thời.
Trong tương lai gần, Iran sẽ hướng tới mục tiêu sử dụng các hợp đồng quân sự lớn để được chuyển giao công nghệ, dây chuyền sản xuất trang bị quân sự tại nội địa để đáp ứng không chỉ nhu cầu trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu sang các quốc gia khác trong vùng Cận Đông.
“Kho vàng” không thể bỏ qua!
Ngay từ đầu năm 2015, trước thời điểm thỏa thuận hạt nhân P5+1 vẫn trong giai đoạn đàm phán, Nga và Iran đã nối lại đàm phán về khả năng cung cấp tổ hợp S-300 ký từ năm 2007 vốn đang bị đóng băng vì lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc.
Phía Nga thậm chí còn đề xuất cung cấp các phiên bản S-300 hiện đại bậc nhất cho Iran như S-300 PMU-2 Favorit hay S-300VM Antey-2500 có khả năng phòng thủ tên lửa. Đây mới chỉ là bước đầu tiên khởi động lại hợp tác quân sự giữa hai bên.
Ngày 14-7, thỏa thuận hạt nhân Iran được ký chỉ một ngày sau đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố, Tehran muốn hợp tác với Moscow về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện hợp đồng cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không S-300 và hy vọng tiếp tục mở rộng hợp tác sâu rộng với Nga trong lĩnh vực quốc phòng.
Đây là những tín hiệu đầu tiên của việc Tehran quay trở lại thị trường vũ khí quốc tế với “hầu bao rủng rỉnh”. Iran mong muốn hợp tác với Nga trước tiên vì không vướng mắc các rào cản về chính trị như đối với Mỹ và phương Tây.
Ngoài ra, phần lớn vũ khí, trang bị của Iran có nguồn gốc Liên Xô trước đây. Nhu cầu duy trì hoạt động, nâng cấp đối với chúng là rất lớn.
Theo quy định của thỏa thuận hạt nhân P5+1 đã được thông qua, lệnh cấm vận vũ khí thông thường đối với Iran sẽ được dỡ bỏ sau 5 năm, còn việc xuất, nhập khẩu công nghệ đạn đạo là 8 năm.
Nhưng liệu Mỹ và phương Tây có thể ngồi yên để Nga độc chiếm “kho vàng” Iran và tự ràng buộc mình để trở thành “trâu chậm, uống nước đục”.
Sức mạnh của hàng tỷ USD là rất lớn và nhiều khả năng việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran có thể được thực hiện sớm hơn so với các mốc thời gian đề ra nếu Tehran đưa ra "những miếng bánh” đủ lớn đối với các nhà thầu quân sự phương Tây…