Huyền thoại về xe tăng “Con Báo” của người Đức (Phần 1)

Quang Minh |

(Soha.vn)-Panther (Con Báo) là loại xe tăng nhanh nhẹn nhưng nguy hiểm và khó bị đánh bại của Đức trong CTTG 2, tuy vậy ít ai biết về sự ra đời cũng như phát triển thần kỳ của nó.

Thông số kỹ thuật xe tăng SdKfz 171 Panzerkampfwagen V Panther Ausf G (PzKpfW V)

Nhà sản xuất: MAN / Daimler-Benz / Henschel / MNH

Năm biên chế: 1943

Số lượng: 6.000 chiếc

Dài: 8,86 m

Rộng: 3,4 m

Cao: 2,98 m

Khối lượng: 45,5 tấn

Động cơ: Maybach HL 230 P 30 V-12 công suất 700 mã lực

Tốc độ tối đa: 46 km/h

Tầm hoạt động: 177 km

Vũ khí

1 pháo chính 75 mm KwK 42 L/70 với 82 viên đạn

3 súng máy 7,92 mm MG34 với 9.000 viên đạn

Ra đời nhờ những kinh nghiệm thu được từ Liên Xô

Panzerkampfwagen V Panther cùng với Tiger là hai loại xe tăng nổi tiếng nhất của Đức quốc xã trong Thế chiến thứ 2, trên khía cạnh kỹ thuật Panther cùng với T-34 của Liên Xô (phiên bản gắn pháo 76 mm và 85 mm) là hai loại xe tăng tốt nhất trong cuộc chiến, chúng được coi như những xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên của thế giới.

Khi Đức xâm lược Liên Xô tháng 6/1941, lần đầu tiên họ chạm trán xe tăng hạng nặng KV và xe tăng hạng trung T-34/76, chúng thực sự khiến người Đức bị “sốc” vì dù thua kém về thiết bị thông tin liên lạc nhưng hỏa lực và giáp của hai loại xe tăng này lại vượt trội so với Panzer (Đức).

Ở giai đoạn đầu của chiến dịch Barbarossa, quân Đức chỉ phải đối đầu những nhóm nhỏ xe tăng KV, T-34/76 và có thể tiêu diệt chúng nhờ vào tình trạng rối loạn, không có tổ chức của Hồng quân lúc đó cũng như sự thiếu kinh nghiệm của kíp lái tăng. Nhưng càng về sau thì tình thế càng khó khăn cho quân Đức khi Hồng quân sản xuất thêm nhiều T-34, hơn nữa họ đã tái tổ chức và phối hợp phòng thủ chủ động, xen vào đó là các cuộc phản kích.

Panther Ausf D1

Đầu tháng 11/1941, sau khi có những báo cáo liên tiếp từ chiến trường, một Uỷ ban đặc biệt đã đến quân đoàn xe tăng số 2 của Guderian (nằm trong Tập đoàn quân Trung tâm) để xem xét xe tăng T-34 và thiết kế thiên tài với suy nghĩ “đi trước thời đại” của các kỹ sư Liên Xô đã khiến người Đức phải thán phục.

Người Đức quyết định thiết kế một loại xe tăng hạng trung mới mạnh mẽ hơn và có thể nhanh chóng đi vào sản xuất. Vào ngày 25/11/1941, Adolf Hitler ra lệnh cho Wa Pruef bắt đầu công việc phát triển xe tăng hạng trung vượt trội T-34. Đến tháng 12 cùng năm, Wa Pruef chỉ thị cho hai hãng Daimler-Benz và MAN (Maschinenfabrik Augsburg Nuernberg) thiết kế loại xe tăng có trọng lượng khoảng 30 tấn trang bị pháo 75 mm KwK L/70 để đối đầu với T-34/76, Rheinmetall-Borsig tham gia vào quá trình phát triển tháp pháo mới.

Tháng 3/1942, Daimler-Benz lần đầu tiên sản xuất mẫu VK3002 dựa trên thiết kế bị loại bỏ là VK3001 (sao chép hoàn toàn T-34/76), loại xe tăng này thực sự giống như là T-34 phiên bản Đức với một vài chỉnh sửa, thật hài hước khi thiết kế VK3002 của hãng MAN ra mắt mùa xuân 1941 cũng không có gì khác biệt nhiều so với T-34/76. Mặc dù vậy thì các mẫu thử nghiệm cũng được giới thiệu với Hitler, người ra lệnh sản xuất 200 chiếc tăng mới trong thời gian nhanh nhất có thể.

Ngày 11/5/1942, đề án VK3002 nhận định danh “Panther”. Ngày 14/5/1942, sau khi chương trình thử nghiệm mở rộng các thiết kế hoàn tất, Hitler chọn thiết kế của hãng MAN để đưa vào sản xuất, mẫu thử của Daimler-Benz bị loại bỏ vì “ ngoại hình quá giống Liên Xô” cũng như còn nhiều sai sót kỹ thuật, thiết kế này sau đó bị Liên Xô thu được vào tháng 5/1945. Ngoài ra còn có thiết kế T-25 của Skoda dựa trên T-34 cũng bị loại bỏ, T-25 có điểm thú vị là được trang bị pháo 75 mm với hệ thống nạp đạn bán tự động theo băng.

Mẫu thiết kế VK3002(DB)

Liên tục được cải tiến, nâng cấp sức mạnh

Khoảng tháng 6/1942, mẫu Panther của MAN được chấp nhận đi vào sản xuất hàng loạt, dự kiến công việc bắt đầu vào tháng 12. Hitler lúc đầu đòi sử dụng pháo 75 mm KwK 42 L/100, nhưng loại pháo mới này chưa sẵn sàng đi vào sản xuất nên pháo 75 mm KwK 42 L/70 được chọn thay thế. Pháo KwK 42 L/70 có thể xuyên giáp dày 150 mm ở khoảng cách 1.000 m và để so sánh, khả năng xuyên giáp của nó chỉ thua pháo 88 mm trên xe tăng Tiger một chút.

Về tổng thể hình dáng của Panther có nhiều nét giống T-34, đó là dải xích tiết diện rộng để di chuyển trên các địa hình bùn lầy và bám đường tốt hơn, động cơ mạnh mẽ (Panther sử dụng động cơ xăng còn T-34 dùng dầu diesel), một pháo nòng dài cỡ 75 mm và thiết kế giáp nghiêng tăng khả năng bảo vệ. Một điều quan trọng đó là Panther là chiếc xe tăng đầu tiên của Đức có thiết kế giáp nghiêng và khớp vào nhau.

Tuy khá giống T-34 nhưng Panther tinh vi và phức tạp hơn, cũng như to hơn, nặng hơn và nhiều chi tiết kỹ thuật khác biệt. Panther có bánh chịu lực lớn và hệ thống treo tốt giúp nó di chuyển qua các địa hình gồ ghề với tốc độ cao.

Xe tăng hạng trung Panther của Đức quốc xã

Từ tháng 7 đến tháng 9/1942, MAN sản xuất hai mẫu thử với chỉ một mẫu có tháp pháo, chúng đều được tiếp tục mở rộng thử nghiệm và đã phát sinh thêm nhiều lỗi kỹ thuật, trong khi đó đã có lệnh sản xuất 1.000 chiếc xe tăng mới với thời điểm phải ra lò chiếc đầu tiên là vào năm 1943.

Cuối năm 1942, lô tăng 20 chiếc “tiền sản xuất” được đặt hàng, chúng được định danh là Panzerkampfwagen V Panther Ausfuehrung A, lô xe tăng này có đặc điểm kỹ thuật khác với phiên bản Ausf A sản xuất hàng loạt sau này khi được bọc giáp mỏng hơn (giáp trước dày 60 mm) và trang bị phiên bản đầu của pháo tăng 75 mm KwK 42 L/70, động cơ là loại Maybach HL 210 P 45 công suất 650 mã lực. Khá thú vị là nhiều chiếc Panther Ausf D1 (Ausf A) được gắn tháp pháo của PzKpfw IV Ausf H (tháp pháo này không xoay được) để chuyển thành xe tăng chỉ huy trên mặt trận phía Đông đầu năm 1944.

Sang tháng 12/1942, một phiên bản mới hiện đại hơn là Ausf D ra mắt, còn 20 chiếc tăng Ausf A lô đầu được đặt tên lại thành Ausf D1 và sử dụng cho mục đích thử nghiệm, huấn luyện. Lúc này quân Đức đang chuẩn bị cho chiến dịch “Citadel” do đó họ ra lệnh phải có 250 chiếc Panther sẵn sàng chiến đấu trước ngày 12/5/1943, 750 chiếc còn lại thì cố gắng sản xuất nhanh nhất có thể. Do đó mẫu Ausf D đã nhanh chóng được đưa vào sản xuất, giáp dĩ nhiên là mạnh hơn Ausf D1 còn pháo chính cũng là loại 75 mm KwK 42 L/70 nâng cấp đặt trên tháp pháo có trợ lực thủy lực bên cạnh động cơ Maybach HL 210 P 30, động cơ này về sau bị quá tải dẫn đến hay hỏng hóc.

Panther Ausf D1 với tháp pháo Panzer IV

Xe tăng Panther được phục hồi và chạy thử vào thời điểm năm 2009

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại