Hun Sen: Tôi đã khóc khi quân Việt Nam rút đi

"...Có lẽ tôi cần 300h, 300 ngày để nói hết những gì đã xảy ra từ quá khứ cho đến nay" - Thủ tướng Campuchia Hun Sen mở đầu cuộc nói chuyện mà sau đó kéo dài hơn dự kiến.

700 cựu quân nhân, chuyên gia Việt Nam ngồi chật kín căn phòng trung tâm hội nghị nơi diễn ra cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Hun Sen sáng nay (27/12), đông hơn 200 người so với giấy mời ban tổ chức phát đi.

Hun Sen, Campuchia
 

Thủ tướng Hun Sen nói chuyện bằng tiếng Việt trước 700 cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia Việt Nam từng tham gia tình nguyện ở chiến trường Campuchia rằng, dù bất cứ đổi thay nào diễn ra, quan hệ Campuchia và Việt Nam sẽ mãi không thay đổi. Và lịch sử xác thực rằng, nếu không có sự hỗ trợ tình nguyện của Việt Nam, Campuchia sẽ không được giải phóng và hồi sinh.

Hun Sen, Campuchia
 

"Tôi chỉ được sắp xếp gần 1h để nói. Tôi không biết bắt đầu từ chỗ nào. Có lẽ tôi cần 300h, 300 ngày để nói hết những gì đã xảy ra từ quá khứ cho đến nay" - Thủ tướng Campuchia mở đầu cuộc nói chuyện mà sau đó kéo dài hơn dự kiến.

Tuổi 25 và đường đến Việt Nam

Thủ tướng Campuchia kể lại thời tuổi trẻ 25 tuổi và con đường tham gia cách mạng với đường tìm đến Việt Nam. Một ngày tháng 6/1977, chàng sĩ quan trẻ tuổi "chạy sang" Việt Nam để tìm kiếm sự ủng hộ cách mạng.

Ông kể có những thời điểm đã từng khóc như khi Việt Nam đánh vào từ tháng 10/1977 nhưng lại rút đi vào tháng 1/1978. "Tôi đã khóc và tự hỏi vì sao Việt Nam đánh vào và rút về vậy. Đó thực sự là khó khăn đối với tôi, tôi đã rất buồn". Sau này ông hiểu rằng, thời điểm đó lực lượng chiến đấu cách mạng ở Campuchia còn ít trong khi chưa có ngọn cờ chính trị. Đó là cơ sở để thúc đẩy chuẩn bị lực lượng chính trị cách mạng chống lại Pol Pot.

Hun Sen, Campuchia
 

Từ khởi đầu chỉ có 28 tiểu đoàn so với 23 sư đoàn của Pol Pot, ông Hun Sen nói rằng, để dùng lực lượng ít ỏi của Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng sẽ phải tốn nhiều thời gian, 5 năm, hay hơn và khi đó cũng chẳng còn người dân Campuchia nào có thể sống sót. Nếu không có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam thì không thể giải phóng đất nước nhanh.

"Việt Nam đã hy sinh quân tình nguyện ở Campuchia hàng vạn người, bị thương không biết bao nhiêu. Việt Nam đã phải trả một cái giá rất cao khi giúp đỡ Campuchia. Vừa hy sinh tính mạng của dân, quân, vừa hy sinh tài sản, vừa hy sinh chính trị, ngoại giao. Vấn đề này không quên được. Hồi đó Việt Nam bị cấm vận từ bên ngoài do giải phóng giúp Campuchia, vì nhân dân, đất nước Campuchia chịu hy sinh và hơn 30 năm người ta mới công nhận" - ông nói.

Ông cũng kể khi bị sốt rét, đã được cách mạng Việt Nam đưa đi khám, nằm ở một bệnh viện TP.HCM, được đặt một cái tên Việt Nam là "Mai Phúc", hoạt động cách mạng ở quân khu X.

Không chỉ giúp nhân dân Campuchia giải phóng, Việt Nam cũng đã sát cánh bên Campuchia trong những ngày đầu xây dựng đất nước, thời mà cả hai cùng khó khăn "có gì ăn đó" - ông kể.

Ông Hun Sen nhớ lại, thời đó chế độ cán bộ cấp ông được nhận 16 cân, trong đó có 10 cân gạo, 6 cân ngô. Từ một nước nghèo 100% (1979), ngày nay, Campuchia đã phát triển sắp đạt ngưỡng quốc gia thu nhập trung bình với mức GDP 1360 USD/người, tỉ lệ nghèo còn 19%. Kinh tế từng đạt tăng trưởng 13%, nay dù trong bối cảnh chung khó khăn vẫn đạt mức 7,6%.

"Nhưng có phương tiện gì tốt hơn thì bản chất của Hun Sen không thay đổi. Như hiện nay quan hệ chúng ta tiếp tục tốt" - ông nói.

Hun Sen, Campuchia
 

Ông cũng nhấn mạnh sau chiến tranh, Campuchia đi tìm những con đường phát triển đất nước, đặc biệt về kinh tế dù con đường có khác biệt giai đoạn đầu với Việt Nam, nhưng Việt Nam khi đó đã "tôn trọng độc lập, chủ quyền" của Campuchia trong việc tự quyết con đường phát triển của mình.

"Tôi thấy rất may vì điều đó. Anh Lê Đức Anh (nguyên Chủ tịch nước) đã khẳng định đồng chí Hun Sen làm kinh tế làm gì cứ làm. Đó điều tôi cảm thấy rất vinh dự" - ông nói.

Thúc đẩy kinh tế

Thủ tướng Hun Sen khẳng định sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ đoàn kết truyền thống với Việt Nam.

"Nhắc lại những lúc khó khăn, tôi vẫn khẳng định với các đồng chí, dù thế giới có chuyển biến, tình hình có chuyển biến, ASEAN đã có 10 nước nhưng tình đoàn kết Việt Nam và Campuchia, Lào vẫn tiếp tục. Không có ngày hôm qua thì không có ngày hôm nay. Không có ngày hôm nay thì không có ngày mai. Khách quan lịch sử như vậy" - ông nói.

Thủ tướng Hun Sen mong muốn thúc đẩy 10 văn kiện ký kết sau hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong đó trọng tâm đưa kim ngạch thương mại đạt 5 tỷ USD vào năm 2015, thúc đẩy đầu tư của Việt Nam sang Campuchia.

Hun Sen, Campuchia
 

Ông cũng đề xuất tổ chức một chương trình trao đổi, giao lưu, đưa con cháu thế hệ những người Việt Nam từng tham gia tình nguyện chiến đấu ở chiến trường Campuchia đến thăm Campuchia.

"Qua các đồng chí quân tình nguyện, cho tôi gửi lời hỏi thăm gia đình của các đồng chí. Chúng tôi sẽ tìm hài cốt những người đã hy sinh đưa trở về Việt Nam" - ông nói.

Cuối buổi gặp, Thủ tướng Campuchia bày tỏ mong muốn được tặng quà cho các quân nhân tình nguyện tham dự giao lưu. Ông gửi tặng mỗi người 200 USD thay cho món quà bằng hiện vật mà trước khi đến Việt Nam ông đã mong muốn thu xếp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại