Hợp tác quốc phòng - quân sự ASEAN và triển vọng những năm tới

Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng - Viện trưởng Viện QHQT về quốc phòng |

Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành. Diện mạo địa chính trị của khu vực Đông Nam Á có sự thay đổi to lớn khi các nhà lãnh đạo 10 quốc gia thành viên ASEAN ký Tuyên bố Cu-a-la Lăm-pơ (ngày 22-11-2015) về “Thành lập Cộng đồng ASEAN”, văn kiện lịch sử đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của hiệp hội.

Nhìn lại tiến trình hiện thực hóa cộng đồng, những ai quan tâm sẽ dễ dàng nhận thấy sự đóng góp quan trọng, tích cực của kênh hợp tác quốc phòng-quân sự trong việc xây dựng thành công Cộng đồng Chính trị-An ninh, một trong ba trụ cột cấu thành Cộng đồng ASEAN.

Phía trước của hợp tác quốc phòng-quân sự ASEAN tuy còn tồn tại không ít khó khăn và thách thức, song cũng chứa đựng nhiều cơ hội, triển vọng to lớn.

Những điểm nhấn quan trọng

Song hành cùng đối thoại quốc phòng trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, các hội nghị quốc phòng-quân sự ASEAN đã từng bước được thiết lập, tạo thành mạng lưới các khuôn khổ hợp tác rộng rãi với nội dung phong phú, hình thức đa dạng và dưới nhiều cấp độ khác nhau.

Việc hình thành các cơ chế đối thoại này đã tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác về quốc phòng-quân sự trong ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác, đối thoại.

Những tiến triển to lớn trong các cơ chế tiêu biểu như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM+), Hội nghị Không chính thức Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN (ACDFIM)..., minh chứng cho những bước phát triển quan trọng của hợp tác quốc phòng-quân sự trong khuôn khổ ASEAN, là cơ sở để thúc đẩy và mở rộng hợp tác hướng vào các lĩnh vực cụ thể, vì hòa bình, ổn định, phát triển, thịnh vượng cho khu vực.


Đối thoại quốc phòng lần thứ nhất Việt Nam - Cam-pu-chia diễn ra tại thủ đô Phnôm Pênh của Cam-pu-chia trong năm 2015. Ảnh: Yên Ba

Đối thoại quốc phòng lần thứ nhất Việt Nam - Cam-pu-chia diễn ra tại thủ đô Phnôm Pênh của Cam-pu-chia trong năm 2015. Ảnh: Yên Ba

Ra đời trên cơ sở sáng kiến được Nhóm công tác về hợp tác an ninh ASEAN đưa ra tại cuộc họp ngày 9-5-2004 và được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 10 (12-2004), đến nay ADMM đã bước sang năm thứ 10 và được xác định là kênh hợp tác chính thức cấp cao nhất về quốc phòng giữa các nước trong khu vực.

Trải qua 9 kỳ hội nghị, những kết quả đạt được của ADMM đã phản ánh rõ nét sự hợp tác ngày càng sâu rộng và thực chất trong lĩnh vực quốc phòng giữa các quốc gia thành viên ASEAN.

Trong bối cảnh khu vực đang phát triển năng động với nhiều lợi ích và xung đột đan xen, sân chơi quốc tế ngày càng chuyển dịch về châu Á-Thái Bình Dương, lợi ích của nhiều nước lớn nhỏ trên thế giới không tách rời khu vực, thì việc ra đời một cấu trúc an ninh mà từ trao đổi, bàn bạc, xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa đi đến hợp tác thiết thực trên thực tế như ADMM+ đã bổ sung những xung lực mới cho các cơ chế hợp tác quốc phòng sẵn có của ASEAN.

Đồng thời, mở ra cho hợp tác quốc phòng-quân sự ASEAN những khả năng để trao đổi nguồn lực với bên ngoài vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.

ADMM+ với cơ chế Cộng 8, trong đó có các cường quốc quân sự trên thế giới, đã tạo cơ hội để các sáng kiến của ADMM có thể tranh thủ và kết hợp được các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài, đưa ADMM+ trở thành một trong những cơ chế đa phương hiệu quả và thực chất nhất hiện nay tại khu vực.

Sự hình thành và phát triển của ACDFIM qua 12 kỳ hội nghị cho thấy, “lực lượng quân đội của mỗi quốc gia luôn đóng một vai trò tích cực, chủ động trong việc duy trì an ninh và ổn định. Trong mọi tình huống khẩn cấp, đâu cần, đâu khó đều có quân đội”.

Trên cơ sở Hội nghị ACDFIM, các hoạt động hợp tác quân sự đang được triển khai một cách toàn diện ở tất cả quân, binh chủng của Quân đội các nước ASEAN.

Hàng loạt hội nghị được tổ chức thường niên gồm Hội nghị Những người đứng đầu Tình báo quân đội các nước, Hội nghị Tư lệnh Lục quân, Tư lệnh Hải quân, Tư lệnh Không quân, Hội nghị Cục trưởng Tác chiến, Cục trưởng Quân y...

Cùng với đó là giao lưu giữa sĩ quan trẻ của các quân, binh chủng như: Giao lưu Bác sĩ Quân y trẻ ASEAN; Giao lưu sĩ quan trẻ Hải quân, Không quân ASEAN; Giao lưu bắn súng quân dụng Lục quân các nước ASEAN.

Sự phát triển, mở rộng giao lưu và hợp tác trên lĩnh vực quân sự đã góp phần tăng cường xây dựng lòng tin, sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và tình đoàn kết hữu nghị giữa lực lượng vũ trang các nước ASEAN.

Như vậy, hợp tác quốc phòng-quân sự trong ASEAN và giữa ASEAN với các bên đối tác những năm qua đã được triển khai một cách đồng đều với các hình thức thiết thực, cụ thể, phù hợp nhu cầu chung của khu vực cũng như điều kiện và năng lực của mỗi quốc gia thành viên.

Những phát triển này đã góp phần đáp ứng nhu cầu bảo đảm an ninh khu vực, vì hòa bình, ổn định và phát triển, đồng thời đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng thành công Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN nói riêng và Cộng đồng ASEAN nói chung.

Bài toán lớn đặt ra trong quan hệ hiện nay

Sau gần nửa thế kỷ không ngừng xây dựng và lớn mạnh, ASEAN đang chuyển mình mạnh mẽ và bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều thời cơ, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách.

Việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 khẳng định vị thế quan trọng của hiệp hội ở cả khu vực và quốc tế, tạo xung lực để ASEAN tiến tới các mục tiêu liên kết cao hơn cũng như tạo cơ sở để tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác.

Thành công trong xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 đòi hỏi hợp tác của ASEAN nói chung, hợp tác quốc phòng-quân sự nói riêng, phải đi vào thực chất theo tiêu chí do dân, vì dân, hướng tới người dân.

Cùng với bước phát triển mới của ASEAN, tình hình khu vực và quốc tế tiếp tục chứng kiến những diễn biến mới, phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề mà ASEAN và các đối tác cần thảo luận, tìm giải pháp xử lý.

Cấu trúc khu vực đang tiếp tục vận động và chịu ảnh hưởng lớn từ cạnh tranh địa chiến lược giữa các cường quốc; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trực tiếp tác động đến môi trường, an ninh khu vực, hoạt động kinh tế của người dân.

Những thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt, phức tạp hơn, trong đó nổi lên vấn đề khủng bố quốc tế, cướp biển, an ninh năng lượng, an ninh công nghệ thông tin, thảm họa thiên tai...

Xu hướng vận động tiếp theo của tiến trình hợp tác đòi hỏi ASEAN phải trên cơ sở của sự hợp tác đã được hình thành, tiếp tục phát triển mạnh mẽ hợp tác về quốc phòng-quân sự theo hướng thiết thực và hiệu quả, trong đó đối thoại chiến lược là nền tảng xuyên suốt cho các khuôn khổ hợp tác.

ASEAN sẽ không dừng lại ở trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hiểu biết, mà còn đi vào triển khai trên thực tế các sáng kiến, lĩnh vực chuyên môn cụ thể với sự phát triển mới.

Cùng chung tay khơi nguồn hợp tác

Đi tìm lời giải cho bài toán tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng-quân sự ASEAN, mỗi quốc gia thành viên cần đề cao sự chân thành và trách nhiệm trong bảo đảm, duy trì hoà bình, ổn định, an ninh ở khu vực; coi an ninh của Cộng đồng ASEAN cũng như an ninh của quốc gia mình; củng cố lập trường chung của ASEAN về kiềm chế, không sử dụng vũ lực trước, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và theo đúng Hiến chương Liên hợp quốc, bảo đảm tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982), thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC, ủng hộ các nhà ngoại giao đàm phán thực chất để sớm đạt được COC.

Xác định những định hướng chiến lược tiếp theo của ADMM và ADMM+ trên nền tảng giữ vững vai trò trung tâm, động lực dẫn dắt của ADMM đối với tất cả cơ chế hợp tác quốc phòng-quân sự hiện có trong ASEAN nói riêng, giữa ASEAN với các đối tác nói chung; đồng thời củng cố các cơ chế, sáng kiến này theo hướng nâng cao tính hiệu quả và thực chất của hoạt động hợp tác.

Tiếp tục ưu tiên củng cố quan hệ quốc phòng song phương để nhân rộng hợp tác trong ASEAN và ra ngoài khu vực, trong đó tránh không làm phương hại đến an ninh của các quốc gia khác, không để xảy ra hiểu lầm trong quan hệ với các cường quốc, chú trọng triển khai hiệu quả biện pháp xây dựng lòng tin, ngăn ngừa và quản lý nguy cơ có thể dẫn đến va chạm, xung đột thông qua biện pháp tham vấn, trao đổi thông tin, sử dụng đường dây liên lạc trực tiếp, tiếp xúc cấp cao và thúc đẩy hoạt động chung giữa các lực lượng quân đội cũng như tăng cường phối hợp quân-dân sự, đó là những hướng chính trong hợp tác quân sự-quốc phòng ASEAN trong thời gian tới, với tư cách là một cộng đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại