Việt Nam trang bị Kh-59MK cho Su-30MK2, cơ hội của Klub-A đã hết?

Hải Dương |

Tên lửa Kh-59MK tỏ ra là một vũ khí chống hạm tầm xa phù hợp với tiêm kích đa năng Su-30MK2 hơn là 3M-54AE (Klub-A).

Tính năng của tên lửa 3M-54AE và Kh-59MK

Trong bài viết đăng ngày 28/12 trên trang Sputnik tiếng Việt cho biết, Nga sẵn sàng trang bị phiên bản xuất khẩu Klub-NK cho các tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 đang đóng cho Việt Nam.

Ngoài ra, tên lửa Klub còn có khả năng triển khai trên các chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2 mà Việt Nam đang sở hữu, thậm chí là cả tiêm kích MiG-35 - một ứng viên nặng ký để thay thế cho MiG-21 vừa mới nghỉ hưu.

Nếu Việt Nam quyết định lựa chọn tên lửa Klub làm vũ khí chống hạm chủ lực cho không quân thì đó sẽ là phiên bản 3M-54AE Klub-A.


Tên lửa chống hạm siêu âm 3M-54AE

Tên lửa chống hạm siêu âm 3M-54AE

3M-54AE là phiên bản chống hạm phóng từ trên không của gia đình tên lửa Klub, nó có các tính năng tương tự như biến thể phóng từ tàu chiến 3M-54E.

Cụ thể, tên lửa có hai giai đoạn hành trình: giai đoạn 1 bay cận âm bám biển với tốc độ Mach 0,8 và bất ngờ tăng vọt lên Mach 2,9 khi tiếp cận mục tiêu, khiến hệ thống phòng vệ của chiến hạm đối phương có rất ít cơ hội đánh chặn.

Klub-A mang đầu đạn bán xuyên giáp nặng 200 kg, trong khi trọng lượng của tên lửa được giảm xuống chỉ còn 1.950 kg cho phù hợp với phương tiện mang vác, tầm bắn tối đa đạt tới 300 km.

Trong khi đó vào giữa năm nay, cũng trên Sputnik tiếng Việt, Nga tiết lộ thông tin rằng Việt Nam đã có trong biên chế tên lửa chống hạm Kh-59MK để trang bị cho các tiêm kích đa năng Su-30MK2.


Tên lửa chống hạm Kh-59MK trên cường kích Su-24

Tên lửa chống hạm Kh-59MK trên cường kích Su-24

Kh-59MK là biến thể chống hạm sửa đổi từ tên lửa hành trình đối đất Kh-59 Ovod (AS-13 Kingbolt), được dùng để tiêu diệt các loại mục tiêu mặt nước có diện tích phản xạ radar nhỏ bất kể ngày đêm, trong mọi thời tiết khi có sóng biển đến cấp 6.

Điểm đặc biệt của Kh-59MK là nó mang 2 động cơ gồm: động cơ rocket nhiên liệu rắn đặt ở đuôi và động cơ turbine phản lực cánh quạt đẩy (turbofan) lắp dưới thân, cho tốc độ cận âm Mach 0,88.

Tên lửa có trọng lượng 900 kg, mang đầu đạn nặng 320 kg, đủ sức vô hiệu hóa tàu chiến cỡ lớn. Kh-59MK tấn công chiến hạm có diện tích phản xạ radar (RCS) 5.000 m² từ cự ly 285 km; tiêu diệt tàu xuồng cỡ nhỏ (RCS 300 m²) cách 145 km; tầm bắn nhỏ nhất 5 - 25 km.

Theo nhà sản xuất, đầu tự dẫn ARGS-59E phát hiện được tàu khu trục (RCS > 5.000 m²) cách 25 km, chiến hạm nhỏ (RCS 300 m²) từ cự ly 15 km. Tên lửa sau khi phóng sẽ bay cách mặt nước 10 - 15 m, khi tiếp cận mục tiêu hạ xuống 4 - 7 m.


Tên lửa Kh-59MK được phóng đi từ tiêm kích đa năng Su-30MK2

Tên lửa Kh-59MK được phóng đi từ tiêm kích đa năng Su-30MK2

3M-54AE và Kh-59MK - Tên lửa nào phù hợp với Việt Nam?

Như vậy, nếu so sánh các thông số cơ bản thì 3M-54AE tỏ ra vượt trội hoàn toàn Kh-59MK từ tầm bắn cho đến khả năng bay hành trình linh hoạt, mặc dù Klub-A mang theo đầu đạn nhỏ hơn nhưng vẫn thừa sức loại khỏi vòng chiến một chiếc khu trục hạm chỉ với 1 phát bắn.

Tuy nhiên 3M-54AE lại có nhược điểm "chết người" đó là trọng lượng quá nặng lên tới 1.950 kg, trong khi các mấu cứng hạng nặng chính giữa thân Su-30MK2 chỉ chịu được tối đa 1.500 kg.

Nếu muốn mang Klub-A, Su-30MK2 sẽ phải trải qua quá trình gia cường khung thân rất phức tạp, tương tự như việc Ấn Độ đang làm trên Su-30MKI để mang được tên lửa BrahMos.

Trong khi đó, do Kh-59MK có khối lượng tương đối nhỏ nên Su-30MK2 có thể mang cùng lúc tới 5 quả tên lửa loại này. Khả năng tích hợp lên Su-30MK2 mà không cần yêu cầu đặc biệt nào đã khiến cho Kh-59MK có được lợi thế cực lớn.

Do vậy, sau khi xuất hiện thông tin cho rằng Việt Nam đã trang bị tên lửa Kh-59MK cho Su-30MK2 thì gần như chắc chắn 3M-54AE đã không còn cơ hội.

3M-54AE sẽ chỉ được mua nếu trong tương lai Không quân Việt Nam có trong biên chế phiên bản Su-30SM với khung thân đã được gia cường đủ sức chịu trọng lượng của quả tên lửa này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại