Học trò của đặc nhiệm "Mũ nồi xanh" Mỹ ở Tây Âu

Nhật Huy |

(Soha.vn) - Chiến tích được biết đến nhiều nhất của đặc nhiệm KSK là truy tìm và bắt giữ Abdul Razeq, chỉ huy lực lượng phiến quân Taliban.

Khi cuộc nội chiến tại Rwanda nổ ra vào năm 1994, vẫn còn 11 người Đức bị kẹt lại tại quốc gia này. Nước Đức khi đó phải nhờ tới các đơn vị lính dù của Pháp và Bỉ để sơ tán những người dân bị mắc kẹt bởi họ không có lực lượng nào thích hợp cho loại nhiệm vụ này. Họ có đơn vị đặc nhiệm GSG-9, tuy nhiên nó lại thuộc lực lượng cảnh sát và không thể tham chiến ở nước ngoài.

Do đó, KSK được thành lập, với tư cách là một đơn vị đặc nhiệm thuộc lục quân Đức và có thể thực hiện nhiều loại nhiệm vụ khác nhau ở nước ngoài. KSK ra đời vào ngày 1/4/1996, với quân số ban đầu gồm 20 người, được tuyển chọn từ các đại đội biệt kích và trinh sát thuộc 3 lữ đoàn dù của quân đội Đức. Đơn vị chính thức đi vào hoạt động 1 năm sau đó.

Tổ chức

Tổng quân số của KSK khoảng 1.000 người, bao gồm 1 đại đội chỉ huy, 1 đại đội trinh sát, 1 đại đội hậu cần, 4 đại đội tác chiến, và 1 trung đội huấn luyện. Mỗi đại đội tác chiến gồm 5 trung đội, mỗi trung đội chuyên trách 1 loại nhiệm vụ riêng: xâm nhập trên bộ, xâm nhập bằng đường không, xâm nhập bằng đường biển, tác chiến vùng núi và các khu vực băng giá, và bắn tỉa/chống bắn tỉa.

Mỗi trung đội gồm 4 tổ chiến đấu 4 người. Ngoài việc chiến đấu, 4 người này phụ trách 4 chức năng chuyên biệt khác: 1 người phụ trách liên lạc, 1 chuyên gia chất nổ, 1 quân y, và 1 chuyên gia tình báo. KSK chịu sự chỉ huy trực tiếp từ Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của quân đội Đức, đặt tại Postdam.

Tuyển chọn và huấn luyện

KSK được xây dựng theo mô hình của đặc nhiệm SAS (Anh) và Mũ nồi xanh (Mỹ), do đó quá trình tuyển chọn và huấn luyện cũng được 2 đơn vị này hỗ trợ thiết lập. Ứng viên tham gia KSK có thể đến từ mọi đơn vị trong lục quân Đức, có ít nhất 3 năm trong quân ngũ. Và phải cam kết phục vụ trong KSK ít nhất 6 năm nếu được chọn.

Quá trình tuyển chọn gồm 2 giai đoạn chính. Giai đoạn 1 kéo dài 3 tuần, nhằm kiểm tra tình trạng thể lực và tâm lý. Giai đoạn 2 kéo dài 3 tháng chủ yếu để kiểm tra sức bền và khả năng chịu đựng.

Những ai vượt qua sẽ chính thức được tham gia chương trình huấn luyện của KSK, kéo dài từ 2 đến 3 năm. Trong thời gian này, người lính sẽ trải qua hơn 20 khoá huấn luyện tại nhiều quốc gia khác nhau như huấn luyện tác chiến trong điều kiện băng giá tại Na Uy, huấn luyện tác chiến trong sa mạc tại Israel, huấn luyện tác chiến trong rừng nhiệt đới tại Belize, huấn luyện đổ bộ tại San Diego (Mỹ)…

Đặc nhiệm KSK tham gia huấn luyện
Đặc nhiệm KSK tham gia huấn luyện

Nhiệm vụ

KSK được giao trách nhiệm bảo vệ lợi ích của nước Đức bên trong quốc gia và tại lãnh thổ nước ngoài. Các loại nhiệm vụ có thể bao gồm tìm kiếm và tiêu diệt các mục tiêu giá trị cao bên trong lãnh thổ đối phương, trinh sát tầm xa, di tản công dân Đức khỏi vùng chiến sự, giải cứu con tin…

KSK là một đơn vị có lịch sử tương đối ngắn, tuy vậy, nó cũng đã tham gia trong nhiều hoạt động quân sự lớn. KSK được triển khai tại khu vực Balkan và tham gia việc truy tìm các tội phạm chiến tranh ở Nam Tư cũ và giao cho Toà án công lý quốc tế.

Chiến dịch lớn nhất của KSK cho đến nay là tại Afghanistan. Đức gửi 120 lính KSK đến đây từ năm 2001. Lực lượng này ít khi tác chiến độc lập mà thường phối hợp với đặc nhiệm Mỹ. Thông tin về các hoạt động của KSK cũng rất ít khi được công bố. Lý do là vì nước Đức sau Chiến tranh thế giới thứ 2 vẫn còn rất nhạy cảm về việc gửi quân tham chiến ở nước ngoài.

Chiến tích được biết đến nhiều nhất của KSK là vụ truy tìm và bắt giữ Abdul Razeq, chỉ huy lực lượng Taliban tại tỉnh Badakshan. Đây cũng là một trong những chiến dịch hiếm hoi mà KSK thực hiện độc lập.

Abdul Razeq được xem là kẻ chịu trách nhiệm cho nhiều cuộc tấn công vào các đơn vị quân đội Đức trong khu vực. BND, cục tình báo hải ngoại của Đức, đã theo dõi và thu thập thông tin về Razeq trong nhiều tháng, trước khi một chiến dịch đột kích để bắt sống được "bật đèn xanh". Thuộc hạ của Razeq phát hiện các trực thăng của KSK trên đường bay đến và báo động cho tên này. Razeq bỏ chạy và đặc nhiệm KSK phải truy đuổi trong hơn 1 giờ đồng hồ trong vùng núi trước khi bắt được tên này. Razeq sau đó được chở thẳng đến thủ đô Kabul và giao cho nhà chức trách Afghanistan cùng với tập hồ sơ chứa các bằng chứng liên quan đến Razeq.

Đặc nhiệm KSK tham chiến tại Afghanistan
Đặc nhiệm KSK tham chiến tại Afghanistan

Trang bị

Là 1 đơn vị của Đức, hiển nhiên phần lớn vũ khí của KSK do Đức sản xuất. Đặc biệt thông dụng là các loại súng do hãng Heckler & Koch sản xuất, như súng ngắn USP, súng ngắn bắn dưới nước P11, súng trường tự động G36 và HK416, tiểu liên MP5 và MP7, súng bắn tỉa PSG-1, súng máy HK21. Về vũ khí hạng nặng, KSK được trang bị tên lửa chống tăng Milan.

Súng trường tự động G36, được gắn thêm súng phóng lựu AG36

Về phương tiện di chuyển, KSK sử dụng xe cơ giới AGF, phiên bản quân sự của dòng xe vượt địa hình G-class nổi tiếng của hãng Mercedes. Ngoài ra, họ còn sử dụng môtô 4 bánh vượt địa hình, môtô trượt tuyết, xuồng kayak 2 người…

Xe cơ giới hạng nhẹ AGF
Xe cơ giới hạng nhẹ AGF

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại