Ngày 20-3, báo chí Nhật Bản đưa tin chính phủ hai nước Nhật Bản và Mỹ sẽ đề ra kế hoạch phòng ngự chung để đối phó với cuộc khủng hoảng trên đảo Điếu Ngư (Senkaku) trước mùa hè năm nay.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản, Mỹ đưa ra kế hoạch phòng ngự cụ thể nhằm vào khu vực đặc biệt thuộc lãnh thổ Nhật Bản, Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.
Hoàn Cầu cho rằng, trước hàng loạt hành vi quân sự và phi quân sự cứng rắn của Nhật Bản xung quanh vấn đề đảo Điếu Ngư (Senkaku), chính phủ Trung Quốc ngoài hoạt động giám sát thông thường và sẵn sàng trực chiến chuẩn bị cho cuộc đối đầu quân sự, có thể áp dụng 5 biện pháp phi quân sự dưới đây:
Một là ủng hộ người Hoa trên toàn thế giới triển khai phong trào bảo vệ đảo Điếu Ngư (Senkaku), yêu cầu chính quyền Đài Loan gánh vách chủ yếu trách nhiệm bảo vệ đảo Điếu Ngư (Senkaku). Sau khi chiến tranh chống Nhật kết thúc, về mặt phân định hành chính, đảo Điếu Ngư (Senkaku) trực thuộc sự quản lý của huyện Nghi Lan, Đài Loan, là hòn đảo của Đại lục nằm ở Đài Loan, là một bộ phận của tỉnh Đài Loan (Trung Quốc).
Do mối quan hệ đặc biệt giữa Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản, nếu Đài Loan chủ động áp dụng các biện pháp hiệu quả bảo vệ đảo Điếu Ngư (Senkaku) (bao gồm biện pháp quân sự) thì Nhật Bản và Mỹ sẽ khó ra tay, chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng đến chiến lược châu Á Thái Bình Dương của Mỹ - Nhật Bản thông qua việc bá chiếm đảo Điếu Ngư (Senkaku).
Trung Quốc đại lục cần công khai trả lời vấn đề liên minh bảo vệ đảo Điếu Ngư (Senkaku) và thông qua một kênh phù hợp, ủng dộ dân chúng Đài Loan coi thái độ bảo vệ đảo Điếu Ngư (Senkaku) và những hành động có hiệu quả của các chính đảng ở Đài Loan là một điều kiện quan trọng để tham gia tranh cử.
Hoàn toàn có thể thông qua một kênh nhất định cam kết ủng hộ hành động bảo vệ đảo Điếu Ngư (Senkaku) tích cực của chính quyền Đài Loan, không để Đài Loan bị thiệt hai trong cuộc đấu tranh bảo vệ đảo Điếu Ngư (Senkaku) với Nhật Bản. Cần ủng hộ người Hoa trên toàn thế giới đốc thúc chính quyền Đài Loan đi đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ đảo Điếu Ngư (Senkaku), tạo làn sóng dư luận lớn trong lực lượng người Hoa trên toàn cầu, buộc chính quyền Đài Loan trở thành người có trách nhiệm đầu tiên trong vấn đề bảo vệ đảo Điếu Ngư (Senkaku).
Thứ hai, Hoàn Cầu nhấn mạnh chính phủ Trung Quốc trực tiếp hoặc thông qua kênh thứ ba, gây sức ép trong vấn đề Nhật Bản mong muốn trở thành thành viên thường trực trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Hoàn Cầu cho rằng, trở thành ủy viên thường trực trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là mục tiêu “vĩ đại” mà các đảng phái và sự vụ ngoại giao Nhật Bản nỗ lực trong nhiều năm qua.
Rõ ràng Nhật Bản cũng rất hiểu, lá phiếu của Trung Quốc sẽ quyết định việc Nhật Bản có thực hiện được giấc mơ này hay không. So với trọng trách lịch sử yêu cầu Nhật Bản giải quyết vấn đề đảo Điếu Ngư (Senkaku) theo chủ trương của Trung Quốc thì việc lấy “con bài” ủng hộ Nhật Bản gia nhập ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để trao đổi vẫn khá “kinh tế”.
Vì việc Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc không gây thiệt hại gì cho Trung Quốc, lợi ích của các nước thành viên thường trực khác vẫn được bảo toàn. Nếu Trung Quốc cần bỏ phiếu chống trong những vấn đề then chốt, kể cả phe Mỹ có thêm một phiếu của Nhật Bản, cũng không thể hình thành nên nghị quyết chung của Hội đồng bảo an.
Hoàn Cầu đánh giá, đối với Nhật Bản – quốc gia một lòng muốn trở thành nước lớn có quyền quyết sách, lại có sức hấp dẫn lớn. Điều này thực tế là tạo cho Nhật Bản một cơ hội xuống nước có thể diện và là sự lựa chọn để cân nhắc thiệt hơn. Đối với quốc gia mà giữa các đảng phái đang tồn tại nhiều ý kiến bất đồng xung quanh vấn đề đảo Điếu Ngư (Senkaku) như Nhật Bản thì đây là cơ hội để trong tương lai, các chính trị gia Nhật Bản có thể triển khai các cuộc đàm phán hòa bình trong vấn đề đảo Điếu Ngư (Senkaku) và vấn đề trên đảo Hoa Đông.
Thứ ba, Hoàn Cầu nhận định việc cắt giảm một cách phù hợp hoạt động trao đổi thương mại với Nhật Bản sẽ có lợi nhiều hơn hại. Hoàn toàn có thể lợi dụng việc Nhật Bản lệ thuộc lớn và các tài nguyên mang tính chiến lược quan trọng như đất hiếm và một số mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Trung Quốc để cắt giảm một cách có lựa chọn, phù hợp; Đồng thời từng bước cắt giảm lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản, tìm thị trường ở nước thứ ba để thay thế. Điều này ảnh hưởng khá ít đến kinh tế Trung Quốc, trong khi lại ảnh hưởng lớn đến kinh tế Nhật Bản.
Thứ tư, Hoàn cầu cho rằng, cần có sự bày tỏ thái độ xung quanh vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Nga, Hàn Quốc với Nhật Bản, gây sức ép với Nhật Bản. Theo các văn kiện quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chính phủ Trung Quốc có thể trực tiếp hoặc thông qua bên thứ ba cảnh cáo Nhật Bản: Nếu Nhật Bản nhất quyết làm theo ý mình trong vấn đề đảo Điếu Ngư (Senkaku), Trung Quốc sẽ ủng hộ lập trường của Nga, Hàn Quốc trong vấn đề quần đảo Kuril (Nhật Bản gọi là quần đảo Chishima) và đảo Tokto ( Nhật Bản gọi là đảo Take-shima), gây sức ép cho Nhật Bản.
Ví dụ, cho phép các công ty Đại lục tham gia vào hoạt động khai thác trên quần đảo Kuril (Chishima) do Nga tổ chức, khuyến khích công dân Trung Quốc tham quan, du lịch trên đảo Kuril (Chishima); Cử học giả Trung Quốc tham gia các hoạt động học thuật liên quan đến quần đảo Kuril (Chishima) hoặc đảo Tokto (Take-shima) do Nga, Hàn Quốc tổ chức…
Thứ năm, Hoàn Cầu vạch rõ cần tiếp tục thông qua các biện pháp, ủng hộ các nhân sĩ Nhật Bản có thiện cảm với Trung Quốc tích cực phát huy vai trò. Vài tháng trở lại đây, Trung Quốc đã làm được khá nhiều việc, hiện tại vẫn phải đẩy mạnh công tác. Các nhân sĩ, trí thức Nhật Bản đã nhận thấy được tầm quan trọng của Trung Quốc đối với Nhật Bản. Thông qua họ làm công tác xã hội đối với Nhật Bản, ngăn cản và phân hóa thế lực khuynh hữu hiếu chiến, làm suy yếu khả năng cổ súy và phá hoại của họ.