Máy bay không người lái (UAV) tấn công X-47B của Mỹ vừa thực hiện lần cất cánh thành công đầu tiên từ tàu sân bay của lực lượng Hải quân Mỹ, với tầm bay lên đến 4.000 km nó chính thức mở ra một kỷ nguyên mới cho việc sử dụng các UAV tấn công và trinh thám trên toàn thế giới mà không cần có các căn cứ trên đất liền.
Dự án phát triển và sản xuất UAV cho Hải quân Hoa Kỳ được bắt đầu từ giữa năm 2000. Tham gia vào dự án gồm có hai hãng, năm 2002 hãng Boeing đã trình làng UAV X-45 còn hãng Northrop Grummam thì cho ra mắt UAV X-47A Pegasus.
Từ dự án UCAS-D
Sau năm 2002, Bộ tư lệnh Hải quân Hoa Kỳ đã ký với Công ty Northrop Grummam một hợp đồng để chế tạo thiết bị bay thử nghiệm kỹ thuật với tên gọi X-47B UCAS-D (Unmanned Combat Air System Carrier Demonstration- hệ thống phương tiện bay chiến đấu không người lái thử nghiệm).
Thông qua dự án này, Quân đội Hoa Kỳ sẽ có kế hoạch để đánh giá khả năng chế tạo ra một UAV có khả năng hoạt động trên boong song song với các máy bay có người lái và có các đặc tính giống như các loại máy bay có người lái cùng mục đích.
Trong quá trình thực hiện dự án X-47B, Hải quân Mỹ yêu cầu phát triển một UAV tấn công trên bong và dự kiến đến năm 2018 chiếc UAV đầu tiên sẽ được đưa vào biên chế trong Hải quân. Hợp đồng chính thức cho việc phát triển UAV được ký vào tháng 3/2010.
Theo yêu cầu của Hải quân Mỹ, UAV trên boong này phải có khả năng bay liên tục trên không không ít hơn 11-14 giờ, mang được toàn bộ các dạng cảm biến, vũ khí khác nhau hoặc nhiên liệu để có thể thực hiện việc tiếp nhiên liệu trên không cho các thiết bị bay khác. Mặt khác, trong máy bay cũng nên áp dụng một số công nghệ tàng hình. Trong đó, một số yêu cầu đặc biệt về bố cục không được tiết lộ.
Các phương tiện bay tương lai có nhiệm vụ chính là trinh thám, tình báo và giám sát cũng như thực hiện các cuộc tấn công mục tiêu trên mặt đất với độ chính xác cao. Tuy nhiên, khả năng của chúng có thể được mở rộng thông qua các thiết kế mô đun. Do đó, nếu cần thiết, phương tiện bay mới có thể được bổ sung các thiết bị chiến tranh điện tử, hệ thống truyền tín hiệu hoặc các trang thiết bị thông minh đặc biệt khác.
Vào tháng 3/2012, Hải quân Mỹ thông báo rằng, UAV mới phải sử dụng được công nghệ phóng, hạ cánh, kiểm soát và hệ thống trao đổi thông tin hiện có trên tàu sân bay và người chiến thắng trong cuộc thi sẽ được công bố trước năm 2016.
Thực tế, rất khó có thể khẳng định được điều gì đối với các thiết bị bay tương lai, bởi vì các công ty Boeing, General Atomics, Lockheed Martin và Northrop Grummam, những nhà tham gia đấu thầu của Hải quân Mỹ, không tiết lộ chi tiết của các dự án.
Đến X-47B
X-47B được thiết kế kiểu mô hình “cánh bay” có sử dụng công nghệ tàng hình. Trên UAV X-47B được trang bị động cơ Pratt & Whotney F100-220 U, có thể tạo ra lực kéo tới 79,1 kN. Sải cánh của X-47B là 18,93 m, chiều dài 11,63 m, cao 3,1 m. So với các thông số tương ứng của máy bay chiến đấu trên tàu sân bay F/A-18E/F Super Hornet là 13,62 m, 18,31 m và 4,88 m.
X-47B được thiết kế kiểu cánh gấp, có hai khoang chứa bom có thể mang đến 2 tấn vũ khí. UAV này có khẳ năng đạt tốc độ lên đến 1.035 km/h và tầm bay lên đến 4.000 km.
Hiện nay, X-47B được trang bị hệ thống điều khiển, hệ thống trao đổi thông tin cũng như các thiết bị cần thiết cho việc di chuyển, chịu tải trên boong tàu sân bay. Hệ thống vũ khí hiện chưa được trang bị trên UAV X-47B.
Đến giờ, dự án X-47B đã nhận được 1,4 tỷ USD từ Hải quân Mỹ, chuyến bay trình làng đầu tiên được thực hiện vào ngày 4/2/2011.
Một thời gian ngắn sau chuyến bay đầu tiên, X-47B đã bắt đầu chương trình thử nghiệm trên tàu sân bay. Trong tháng 11/2012, Công ty Northrop Grummam cùng với các chuyên gia Hải quân Mỹ đã tiến hành thử nghiệm hệ thống kiểm soát UAV trên tàu sân bay. Nó đã hoàn tất bài kiểm tra lực kéo động cơ và cơ cấu lái của X-47B khi nó di chuyển trên boong tàu.
Sau đó thiết bị bay không người lái được chuyển lên tàu sân bay USS Harry Truman và tiến hành thử nghiệm khả năng cơ động trên sàn cất cánh của UAV. Các thử nghiệm này được hoàn thành vào tháng 12/2012. Thế nhưng vào tháng 11/2012 X-47 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên bằng máy phóng trên bãi thử nghiệm ở mặt đất.
Vào mùa xuân 2013, UAV X-47B được đưa lên tàu sân bay George Bush và ngày 14/5/2013, X-47B đã thực hiện thành công chuyến cất cánh đầu tiên bằng máy phóng của tàu sân bay trên bờ biển Virginia.
Theo người chỉ huy chương trình UCAS của Hải quân Mỹ Carl Johnson, sự kiện này trở thành sự kiện quan trọng thứ hai trong lịch sử Hải quân Mỹ sau lần cất cánh đầu tiên của máy bay có người lái từ boong tàu sân bay năm 1915.
Trong chuyến bay đầu tiên này, X-47B đã ở trên không 65 phút, trong thời gian này những người thử nghiệm đã thực hiện một vài lần chuyến bay thông boong và tiếp cận đường hạ cánh.
Cuộc thử nghiệm được kết thúc khi X-47B hạ cánh an toàn xuống đường băng căn cứ Hải quân Patuxent-River ở Maryland cách vị trí cất cánh 287 km. Trong suốt chuyến bay, UAV đã hoàn thành một số bài kiểm tra.
Thứ nhất, các nhà phát triển kiểm tra khả năng hoạt động và cơ động của X-47B trên khoảng không xung quanh tàu sân bay. Tiếp theo, kiểm tra khả năng chuyển giao tín hiệu điều khiển của những người điều khiển UAV trên boong tàu sân bay George Bush cho các nhà điều khiển ở căn cứ Patuxent-River và cuối cùng là thử nghiệm khả năng tương tác của UAV với các hệ thống trên tàu sân bay.
Trong vài tháng tới, X-47B sẽ tham gia một số thử nghiệm khác nhau, đặc biệt là sẽ cất cánh từ boong tàu đang di chuyển.
UAV sẽ thực hiện một loạt chuyến hạ cánh có sử dụng hệ thống móc hãm trên căn cứ Hải quân Patuxent-River. Theo lời ông Don Blottenberger, phó giám đốc đầu tiên của chương trình UCAS, theo kế hoạch X-47B phải thực hiện không ít hơn 10 lần hạ cánh trên mặt đất với hệ thống móc hãm.
Tiếp theo là chương trình thử nghiệm quan trọng nhất, hạ cánh trên boong tàu sân bay khi tàu ở trạng thái đứng yên, chuyển động, khi biển tĩnh và biển động cũng như trong điều kiện thời tiết khác nhau và sau đó mới thử nghiệm các chương trình mở rộng.
Tương lai UAV trên boong
Cho đến thời điểm hiện tại, các bài thử nghiệm X-47B sắp kết thúc, theo lời ông Blottenberger, nó sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2013.
Trong năm 2014, Hải quân Mỹ sẽ phân tích đánh giá kết quả thực hiện dự án UCAS-D và dựa trên những đánh giá này sẽ đưa ra những yêu cầu cuối cùng cho máy bay không người lái trên boong tương lai.
Trong năm 2014, Hải quân Hoa Kỳ có ý định ký hợp đồng để phát triển các phương tiện bay không người lái trên boong đối với tất cả bốn nhà thầu tham gia, nhưng thỏa thuận về việc sản xuất và cung cấp các UAV chỉ ký với một trong số họ.
Công ty Northrop Grummam dự kiến sẽ cung cấp cho quân đội Mỹ loại UAV X-47B, Boeing là UAV dựa trên nền tảng Phantom Ray, Lockheed Martin là Sea Ghost và công ty General Atomics cung cấp Sea Avnger. Trong tất cả các UAV “ứng cử viên”, đến thời điểm này chỉ có X-47B và Phantom Ray là đã thực hiện được các chuyến bay thử nghiệm.
Trong 30 năm tới, Nhà Trắng có kế hoạch tăng số lượng UAV phục vụ trong lực lượng vũ trang lên 4 lần với 26.000 UAV các loại. Tất nhiên số lượng này không chỉ là số UAV được sản xuất mà có cả một số được chuyển đổi từ máy bay có người lái sang phiên bản máy bay không người lái cũng như việc phát triển máy bay chiến đấu có người lái tùy chọn.
Với đà phát triển chóng mặt của công nghệ, có thể trong một tương lai không xa, các UAV sẽ cất cánh từ các tàu sân bay không có thủ thủy đoàn.