Hé lộ về "Chúa tể trên biển" của Hải quân Nga

Công Thuận |

Tàu khu trục tương lai mới của Hải quân Nga sẽ bắt đầu được thiết kế vào năm 2015. Chiếc tàu này, với mục đích chính là chiếm ưu thế trên các vùng biển mở, sẽ được đưa vào phục vụ sau năm 2025. Nó có thể được trang bị những loại tên lửa tối tân nhất của Nga như hệ thống tên lửa hành trình Caliber và tên lửa chống máy bay Prometheus ZRK.

Theo một báo cáo mới đây của hãng thông tấn Itar-Tass, Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận những thông tin kỹ thuật trên đối với thiết kế tàu khu trục mới. Chương trình chế tạo chiếc tàu này đã được thông qua với mật danh “Thủ lĩnh” hay “Chúa tể trên biển”.

Nga có kế hoạch phát triển 12 tàu khu trục thế hệ mới bắt đầu từ năm 2015.

Chương trình được giao cho Văn phòng Thiết kế phương Bắc, một đơn vị chế tạo hầu như tất cả các tàu chiến nổi của Hải quân Nga. Việc thiết kế “Chúa tể trên biển” sẽ được bắt đầu vào năm 2015, nhưng việc xây dựng chiếc đầu tiên trong tổng số 12 chiếc (6 chiếc cho Hạm đội biển Bắc và 6 chiếc cho Hạm đội Thái Bình Dương) được cho là không thể hoàn tất trước giai đoạn 2013-2025.

Một thực tế đáng lưu ý nữa là chương trình phát triển “Thủ lĩnh” không nằm trong kế hoạch vũ trang cấp nhà nước của Nga giai đoạn cho đến 2020 và ngân sách để phát triển những chiếc tàu đó chỉ nằm trong khuôn khổ một chương trình xây dựng tàu cho đến năm 2050.

“Quyết định thay đổi thời gian chế tạo các tàu khu trục mới này là hoàn toàn hợp lý. Thứ nhất, ngành công nghiệp đóng tàu của Nga đơn giản là không thể xây dựng được những tàu khu trục như vậy trong lúc này. Thứ hai, chương trình đó cần một số tiền rất lớn để thực hiện, nhưng số tiền này phải sử dụng vào những lĩnh vực khác ưu tiên hơn. Ba là, một số loại vũ khí trang bị cho ‘Thủ lĩnh' vẫn chưa được hoàn tất, chúng chỉ tồn tại trên giấy”, chuyên gia Hải quân và nhà phân tích quân sự độc lập Alexander Mozgovoi nói.

Trang bị vũ khí

Các chuyên gia quân sự cũng cho rằng phương thức tấn công chủ yếu của “Thủ lĩnh” sẽ là sự kết hợp giữa Celiber với các tên lửa khác như “Klub” và các tên lửa hành trình, chống tàu 3M-14. Những tên lửa này được thiết kế để tiêu diệt những mục tiêu quan trọng ở sâu bên trong lãnh thổ đối phương và được gọi là “các vũ khí tầm xa” của tàu khu trục.

Bên cạnh đó, hệ thống Caliber cũng có những tên lửa chống ngầm có khả năng phá hủy hàng loạt các tàu ngầm của đối phương với hiệu quả rất cao, bao gồm cả những tàu ngầm phi hạt nhân có độ ồn thấp.

Tên lửa chống tàu đa năng Onyx của Nga.

Một loại vũ khí tầm xa nữa của tàu khu trục mới này có thể là hệ thống tấn công Onyx với các tên lửa hành trình siêu thanh. Hơn nữa cả Caliber và Onyx có thể sử dụng chung một đơn vị phóng. Điều này cho phép “Chúa tể trên biển” (cũng như một số tàu chiến khác của Nga) có sự linh hoạt cao và thực hiện được nhiều nhiệm vụ. Thêm nữa, một phiên bản của hệ thống phòng không S-500 Prometheus sẽ giúp cho các tàu này được bảo vệ trước các cuộc tấn công từ trên không. Hệ thống này cũng có thể phá hủy các mục tiêu trong không gian.

Đồng thời, pháo và mìn, ngư lôi cùng các loại radar, hệ thống cảm biến hiện đại sẽ được tích hợp cho “Thủ lĩnh” để chống lại trực thăng, máy bay không người lái và những “kẻ phá hoại khác” ở cả trên và trong trong lòng biển, thậm chí có diện tích nhỏ và ở cách xa hàng trăm km.

Tuy nhiên, vẫn chưa thực sự biết chính xác là “Chúa tể trên biển” sẽ được trang bị những loại vũ khí gì và một số loại vũ khí kể trên vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Đặc biệt, Thứ trưởng Quốc phòng Thứ nhất Nga Vladimir Porovkin từng cho biết là nước này đang phát triển loại tên lửa siêu thanh triển khai trên tàu chiến Zircon-S.

Vấn đề tranh cãi lớn nhất về chương trình “Chúa tể trên biển” liên quan đến sự lựa chọn nguồn năng lượng chủ yếu cho những chiếc tàu này. Theo một thông tin mới được công bố, Bộ Quốc phòng Nga đã đặt hàng về những dự thảo để lựa chọn giữa 2 nguồn cung năng lượng chính: động cơ khí đốt hoặc hạt nhân.

“Bộ Quốc phòng Nga sẽ quyết định chọn nguồn năng lượng nào sẽ phù hợp hơn như: Tàu khu trục năng lượng hạt nhân, truyền thống, hay sẽ là cả hai”, hãng tin Itar-tass dẫn một nguồn tin trong Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng Nga cho biết.

Tuy nhiên, một vấn đề nữa đặt ra là nguồn tài chính để phát triển. Nếu xem xét khả năng của ngành đóng tàu trong nước, tình hình kinh tế và tài chính hiện nay của Nga thì có một sự thật là sức mạnh các hạm đội tàu nổi của nước này đang cần một sự nâng cấp nhanh chóng với quy mô lớn. Liệu Bộ Quốc phòng Nga có cho phép phát triển loại tàu khu trục mà có thể vận hành được với hai loại nhiên liệu như đã đề cập ở trên? Như Oleg Vadykin, biên tập viên của tờ Independent Military Review chia sẻ: “Khôi phục lại một sự hiện diện lâu dài trên các vùng biển của thế giới sẽ tạo ra một lỗ hổng trong ngân sách của Nga”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại