Tháng 9/2014, những cuộc thử nghiệm cuối cùng về loại tên lửa mới nhất này, do Văn phòng Thiết kế tên lửa NPO Mashinostroyenia, một chi nhánh của Công ty Tên lửa Chiến thuật của Nga phát triển, đã được thực hiện. Ông Alexander Leonov, người đứng đầu NPO Mashinostroyenia cho biết loại tên lửa mới này được thiết kế cho Hải quân Nga và đã hoàn thành công tác thử nghiệm cấp nhà nước cho 2 phiên bản: triển khai trên bộ và trên biển. Hiện vẫn chưa rõ về tên, chỉ số cũng như bất kỳ đặc điểm kỹ, chiến thuật hay công nghệ nào của loại tên lửa mới này.
Nhiều chuyên gia quân sự dự đoán tên lửa mới của Nga được phát triển trên cơ sở tên lửa diệt hạm Yakhont.
Theo ông Dmitry Kornev, Tổng biên tập của Dự án Quân sự Nga trên Internet, mặc dù tất cả vẫn còn là điều bí mật về tên lửa mới được thử nghiệm này, nhưng cũng có thể đưa ra một số dự đoán về sản phẩm đó. Đây có thể là một loại tên lửa về cơ bản là mới, siêu thanh. Mọi người đều biết rằng NPO Mashinostroyenia đang tích cực làm việc trong lĩnh vực này và nó có lẽ sẽ không quá khác so với những mô hình của tên lửa siêu thanh BrahMos-2 do Nga và Ấn Độ cùng phát triển.
Ngoài ra, ông Kornev cũng cho rằng, đây có thể là một sự hiện đại hóa các tên lửa đang trong biên chế. Trong trường hợp này, có thể là một hệ thống điều khiển mới, chính xác hơn được chế tạo. Nếu chúng ta đang nói về một sản phẩm nâng cấp, thì rất có thể đây là tên lửa P-800 Onyx được biết đến trên thị trường xuất khẩu là Yakhont, loại tên lửa siêu thanh nổi tiếng nhất được sản xuất bởi NPO trên thị trường thế giới. Hệ thống tên lửa siêu âm BrahMos và hệ thống tên lửa bờ biển Bastion được phát triển trên cơ sở loại tên lửa này.
"Cái gọi là khái niệm tác chiến lực lượng đa dạng, nghĩa là các hoạt động của hạm đội được hỗ trợ không chỉ bởi lực lượng trên không mà còn bởi một nhóm các lực lượng trên bộ, hiện đang được phát triển bởi Hải quân Nga. Những hệ thống tên lửa triển khai trên bộ và trên biển đang đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động này. Chúng không chỉ tấn công các tàu chiến của đối phương một cách chính xác mà còn phá hủy các mục tiêu trên bộ", Dmitry Boltenkov, một chuyên gia quân sự độc lập nói.
Theo chuyên gia Boltenkov, việc đưa hệ thống tên lửa vũ trụ mới vào phục vụ quân đội Nga sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh của Hải quân Nga. Đồng thời, ông và các chuyên gia trên cũng lưu ý rằng mặc dù sự thật về sản phẩm mới vẫn chưa được tiết lộ, nhưng tên lửa mới này có khả năng sẽ được xuất khẩu. Một số quốc gia, chẳng hạn như Việt Nam và Indonesia, đã mua các hệ thống tên lửa của Nga, cả trên biển và trên đất liền. Ông Boltenkov chỉ ra rằng hệ thống tên lửa bờ biển Sopka và Rubezh của Liên Xô đã được cung cấp cho hơn 10 nước trên thế giới và thậm chí còn sử dụng nhiều lần trong các cuộc xung đột quân sự, ví dụ, trong cuộc xung đột Arập-Israel.
Trong khi đó, Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Michael Connor mới đây đã bày tỏ lo ngại về tiềm năng phát triển của hạm đội tàu ngầm Nga. Lý do ở đây là vì Nga đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava vào tháng 9 năm nay. Khi được phóng từ trung tâm huấn luyện ở Biển Bắc Cực, tên lửa này đã tấn công chính xác mục tiêu trong bãi thử Kurra tại vùng Viễn Đông, cách xa vị trí phóng hàng nghìn km.