Hàn Quốc dùng pháo nào nã "hàng chục quả đạn" đáp trả Triều Tiên?

Ly Vy |

Hiện tại, trong biên chế quân đội Hàn Quốc đang trang bị ít nhất 4 loại pháo cỡ nòng 155mm.

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, vào hôm qua (20-08), Triều Tiên đã nã pháo về phía một chốt quân sự của Hàn Quốc ở khu vực phía tây vùng biên giới liên Triều.

Có vẻ đây là đợt tấn công bằng đạn pháo phản lực.

Radar của Hàn Quốc đã phát hiện quỹ đạo đường đạn từ phía Triều Tiên vào lúc 15 giờ 52 phút (6 giờ 52 giờ GMT), nhằm vào một loa phát thanh của Hàn Quốc tại biên giới. Triều Tiên cáo buộc đó là loa "tuyên truyền chống Bình Nhưỡng trong những ngày gần đây".

Để đáp trả, Hàn Quốc đã nã hàng chục quả đạn pháo về phía khu vực mà phía Triều Tiên khai hỏa.

Hiên chưa có thông tin chính xác về các hệ thống pháo mà 2 phía đã sử dụng trong cuộc đấu này. Tuy nhiên, theo thông tin từ phía Hàn Quốc, họ đã sử dụng pháo cỡ nòng 155mm.

Đây là loại pháo khá phổ biến trong quân đội Hàn Quốc. Ước tính, cho tới thời điểm hiện tại, trong biên chế quân đội Hàn Quốc đang trang bị ít nhất 4 loại pháo cỡ nòng 155mm.

1. Pháo lựu KH179

Pháo lựu xe kéo KH179 của Quân đội Hàn Quốc.

Pháo lựu xe kéo KH179 của Quân đội Hàn Quốc.

Đây là mẫu pháo lựu xe kéo cỡ nòng 155mm với nòng dài gấp 45 lần đường kính, do Tập đoàn Công nghiệp nặng Kia phát triển trong giai đoạn từ năm 1979 - 1982.

KH179 được đưa vào biên chế Quân đội Hàn Quốc từ đầu năm 1983.

KH179 nguyên bản được coi là phiên bản hoán cải từ pháo lựu M114A1 của Mỹ, với khả năng bắn được các loại đạn cỡ 155mm chuẩn NATO.

Pháo có tốc độ bắn tối đa 4 phát/phút, tầm bắn với đạn HE thông thường là 22km và có thể lên đến 30km nếu sử dụng đạn phản lực.

2. Pháo lựu M114

M114 à loại lựu pháo xe kéo cỡ nòng 155mm được giới thiệu lần đầu vào năm 1942 cho Quân đội Mỹ. Pháo có tốc độ bắn 4 phát/phút, tầm bắn tối đa 14,6km.

Hiện nay, pháo lựu M114 trong biên chế Quân đội Hàn Quốc phần lớn đã bị loại bỏ hoặc lưu kho nên khả năng xuất hiện của loại pháo này trong sự kiện vừa qua gần như không có.

3. Pháo lựu tự hành K55/K55A1

Pháo lựu tự hành K55 của Quân đội Hàn Quốc trong 1 đợt tập trận.

Pháo lựu tự hành K55 của Quân đội Hàn Quốc trong 1 đợt tập trận.

K55/K55A1 là mẫu pháo do Samsung Techwin chế tạo theo giấy phép từ pháo lựu tự hành M109A2 Paladin của Mỹ và được đưa vào biên chế Quân đội Hàn Quốc từ năm 1985.

Cho đến nay, đã có 1.180 khẩu K55/K55A1 được chế tạo, giúp tăng cường đáng kể sức mạnh của lực lượng pháo binh Hàn Quốc.

Về hỏa lực, K55/K55A1 có pháo chính cỡ 155mm với nòng dài gấp 30 lần đường kính. Ngoài ra, nó còn được trang bị 1 súng máy hạng nặng K6 cỡ nòng 12,7mm.

Động cơ Detroit Diesel 8V-71T, với công suất 450 mã lực, cho phép nó di chuyển với tốc độ tối đa 56km/giờ, tầm hoạt động 350km, kíp xe 6 người.

K55/K55A1 có tốc độ bắn tối đa 4 phát/phút, tầm bắn tối đa với đạn thông thường là 18km, đạn phản lực là 24km và 1 khẩu pháo có thể mang được tối đa 36 viên đạn.

4. Pháo lựu tự hành K9 Thunder

Lựu pháo tự hành K9 Thunder của Quân đội Hàn Quốc.

Lựu pháo tự hành K9 Thunder của Quân đội Hàn Quốc.

Đây là loại lựu pháo tự hành hiện đại nhất và là niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc.

K9 do Samsung Techwin phát triển từ năm 1989 để thay thế cho mẫu pháo lựu tự hành K55. Dự kiến sẽ có khoảng 1.136 khẩu pháo K9 được chế tạo cho quân đội nước này.

Về hỏa lực, K9 có pháo chính cỡ 155mm với chiều dài nòng gấp 52 lần đường kính. Bên cạnh đó là súng máy hạng nặng K6 cỡ nòng 12,7mm.

Lớp giáp của pháo có thể chống được đạn cỡ 14,5mm, mảnh pháo 152mm, mìn chống bộ binh. Động cơ MTU MT 881 Ka-500 với công suất 1.000 mã lực giúp nó đạt được tốc độ tối đa 67km/giờ, tầm hoạt động 480km.

K9 có tốc độ bắn tối đa lên đến 3 phát trong vòng 15 giây, tầm bắn tối đa 30km với đạn thông thường và lên đến trên 50km với đạn tăng tầm.

Hàn Quốc đã dùng hệ thống pháo nào?

Mẫu lựu pháo xe kéo KH179 có vẻ khó có khả năng tham chiến lần này do tại khu vực đấu pháo, yêu cầu tác chiến là phải có sự cơ động cao.

Do các vị trí đặt pháo thường bị đối phương nắm rõ qua quá trình trinh sát, pháo xe kéo lại có thời gian phản ứng chậm và khả năng cơ động kém nên sẽ không thích hợp trong các cuộc đấu pháo như vậy.

Lựu pháo tự hành K9 của Quân đội Hàn Quốc tại đảo Yeonpyeong sau khi nhà chứa của nó bị nã đạn pháo từ Triều Tiên vào năm 2010.

Lựu pháo tự hành K9 của Quân đội Hàn Quốc tại đảo Yeonpyeong sau khi nhà chứa của nó bị trúng đạn pháo từ Triều Tiên vào năm 2010.

Chỉ còn mẫu pháo lựu tự hành K55/K55A1 và K9 Thunder có khả năng xuất hiện cao nhất.

Tuy nhiên, vụ Triều Tiên pháo kích vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc năm 2010 đã cho thấy tại các khu vực gần biên giới, quân đội Hàn Quốc thường bố trí hệ thống pháo K9 để đối phó Triều Tiên.

Cũng trong sự kiện đó, pháo K9 đã lần đầu tiên được tham chiến khi khai hỏa đáp trả đối phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại