Hãng RIA Novosti dẫn nguồn tin từ Hải quân Nga ngày 17/9 cho biết, chiếc tàu ngầm đầu tiên mang tên Novorossiysk thuộc đồ án Varshavyanka đã được đưa vào thành phần tác chiến của Hạm đội Biển Đen Nga.
Phát biểu trong lễ tiếp nhận, phát ngôn viên của Hạm đội Biển Đen cho biết, trước năm 2016, kế hoạch của Hải quân Nga là hoàn thành việc đóng sáu tàu ngầm đồ án Varshavyanka. Cả sáu chiếc sẽ được bổ sung cho lực lượng tàu ngầm Hạm đội Biển Đen.
Tàu ngầm động cơ điện - diesel thế hệ 3 Project 636 Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) do Cục thiết kế hàng hải trung ương Rubin phát triển. Con tàu được trang bị hệ thống hỏa lực mạnh mẽ với ngư lôi và tên lửa cho phép tác chiến chống ngầm, chống tàu mặt nước hiệu quả.
Dù việc Nga chính thức đưa tàu ngầm Novorossiysk vào trực chiến đã nằm trong kế hoạch trước đó của Nga, tuy nhiên nó diễn ra vào đúng thời điểm phương Tây liên tục gia tăng sức mạnh quân sự tạo sức ép với Nga do tình hình bất ổn tại miền Đông Ukraine khiến tình hình trở nên căng thẳng.
Không những vậy, hiện Bộ Quốc phòng Nga còn đang cân nhắc phương án tăng quân đến bán đảo Crimea. "Tình hình ở Ukraine đã leo thang mạnh mẽ và sự hiện diện của quân đội nước ngoài trong khu vực lân cận biên giới của chúng tôi cũng gia tăng", hãng tin Itar-Tass dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu phát biểu trước các chỉ huy quân đội nước này.
"Việc triển khai các lực lượng thích hợp và độc lập ở Crimea là một trong những ưu tiên hàng đầu". Ông Shoigu cho biết Bộ Quốc phòng Nga sẽ xem xét việc thực hiện kế hoạch các hành động cho đến năm 2020 của quân khu phía nam "với các biện pháp đảm bảo an ninh Nga trên vùng lãnh thổ Crimea".
Moscow trước đó còn cảnh báo cuộc tập trận Đinh ba Thần tốc của NATO sẽ đe đọa đến những nỗ lực hòa bình ở miền Đông Ukraine, trong đó có lệnh ngừng bắn đang thực hiện. Đinh ba Thần tốc dự kiến kéo dài đến 26/9 với sự tham gia của hơn 1.000 binh sĩ Mỹ cùng các nước đồng minh, diễn ra ở xung quanh thành phố Lviv, gần biên giới với Ba Lan và cách thành trì Donetsk của phe ly khai gần 1.000 km.
Cuộc tập trận trên được xem như một dấu hiệu của việc NATO cam kết ủng hộ Ukraine, quốc gia không phải thành viên thuộc liên minh. NATO cho rằng bất kỳ sự tăng cường binh sĩ nào của Nga ở Crimea cũng sẽ làm tăng căng thẳng và phá hoại lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine.
Không chỉ tập trận, phương Tây còn cam kết viện trợ phương tiện và vũ khí cho quân đội chính phủ Ukraine. Theo đó hôm 13/9, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) triển khai các máy bay không người lái (UAV) ở Ukraine với danh nghĩa giám sát thực hiện lệnh ngừng bắn được thỏa thuận giữa chính quyền Kiev và lực lượng nổi dậy ở miền Đông nước này được ký kết hồi tuần trước.
Ngoài OSCE, Đức và Pháp cũng tuyên bố triển khai lực lượng UAV của mình tới Ukraine để hỗ trợ OSCE trong việc giám sát thỏa thuận ngừng bắn tại Đông Ukraine. Theo báo Wall Street Journal, Bộ Quốc phòng Đức đã cử 14 chuyên gia UAV đến Ukraine để kiểm tra khu vực gần thành phố Luhansk, nơi quân ly khai đang kiểm soát.
Pháp cũng đưa một phái đoàn quân sự đến đây. Các chuyên gia Đức và Pháp sẽ đánh giá các điều kiện kỹ thuật và hậu cần để triển khai UAV đến miền Đông Ukraine. (Ảnh trong bài: Lễ tiếp nhận và lễ hạ thủy tàu ngầm Novorossiysk).