Hai trận đánh 'rung chuyển thế kỷ' của Việt Nam

Mạng Metatube đã đưa ra danh sách 10 trận đánh có ảnh hưởng sâu đậm nhất tới cục diện thế giới một thế kỷ qua, trong đó có 2 trận ở Việt Nam.

 Trận Somme diễn ra từ tháng 7-9/1916 trong Chiến tranh Thế giới I giữa quân Đức đóng trên tuyến phỏng thủ dài 40 km dọc sông Somme ở miền Bắc nước Pháp với quân Anh – Pháp. Với hơn một triệu người thương vong, đây được xem là một trong số những trận đánh đẫm máu nhất lịch sử loài người. Dù quân liên minh không bẻ gãy được phòng tuyến Đức, chiến dịch này đã đặt nền tảng cho những thay đổi lớn lao của cục diện chiến tranh, nên được xem là một trận đánh quan trọng của lịch sử thế giới.
 Cuộc Không chiến Anh Quốc là cuộc đọ sức dai dẳng giữa Đức Quốc Xã và nước Anh từ tháng 7/10/1940 trong Chiến tranh Thế giới II. Cuộc chiến do Adolf Hitler phát động nhằm làm suy yếu nước Anh trước khi quân Đức đổ bộ chiếm đóng. Đây là chiến dịch quân sự lớn đầu tiên được thực hiện hoàn toàn bằng lực lượng không quân trong lịch sử nhân loại, và kết cục thất bại đã thuộc về người Đức. Đây là biến cố đã quyết định vai trò lịch sử của nước Anh trong Chiến tranh Thế giới II.
 Trận Midway là một trận hải chiến quan trọng trong Chiến tranh Thế giới II tại chiến trường Thái Bình Dương, diễn ra từ ngày 4-7/6/1942 giữa hạm đội Nhật Bản và hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Với sự tham dự của 7 tàu sân bay và 500 máy bay của cả 2 bên, cuộc chiến đã kết thúc với thắng lợi toàn diện của người Mỹ, đánh dấu một bước ngoặt quyết định cho toàn bộ cuộc chiến ở mặt trận Thái Bình Dương.
 Trận Stalingrad là một trận đánh lớn trong Chiến tranh Thế giới II, diễn ra từ ngày 17/7/1942 – 2/2/1943 giữa Đức Quốc xã và Hồng quân Liên Xô tại thành phố Stalingrad (nay là Volgograd) ở Tây Nam nước Nga. Thắng lợi của Liên Xô trong trận đánh là một bước ngoặt quan trọng làm xoay chuyển cục diện của cuộc chiến tranh. Đây cũng là một trong những trận đánh đẫm máu nhất lịch sử, với con số thương vong lên đến hai triệu người.
 Diễn ra từ ngày 15-28/9/1950, trận Incheon có tính quyết định trong chiến tranh Triều Tiên. Đây là một chiến dịch đổ đổ bộ từ biển vào bờ, chiếm giữ thành phố Incheon và đột phá vành đai Pusan do lực lượng Liên Hiệp Quốc mà thành phần chính là Thủy quân lục chiến Mỹ tiến hành. Sự thành công của chiến dịch đã kết thúc chuỗi chiến thắng của quân đội miền Bắc Triều Tiên và mở đầu cuộc tổng phản công của quân Liên Hiệp Quốc.
 Trận Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 13/3-7/5/1954 tại lòng chảo Mường Thanh, Điện Biên, Lai Châu, là cuộc đối đầu giữa quân đội nhân dân Việt Nam và đội quân của thực dân Pháp. Thắng lợi của người Việt Nam trong trận chiến này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử nhân loại: Lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh bại đội quân của một cường quốc châu Âu. Các sử gia quốc tế nhận định biến cố này đã chấm dứt hơn 4 thế kỷ thống trị của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ trên thế giới.
 Chiến tranh 6 ngày là cuộc chiến giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập gồm Ai Cập, Jordan, và Syria từ ngày 5-10/6/1967. Cuộc chiến bắt đầu khi quân Israel đánh phủ đầu quân Ai Cập do lo sợ bị nước này tấn công. Jordan và Syria sau đó đã tham chiến với tư cách đồng minh của Ai Cập. Sau cuộc chiến, Israel đã giành được quyền kiểm soát Đông Jerusalem, dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây, và cao nguyên Golan. Kết quả của cuộc chiến này ảnh hưởng đến địa thế chính trị của khu vực này cho đến ngày nay.
 Diễn ra từ ngày 26-30/4/1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn (Chiến dịch Hồ Chí Minh) là chiến dịch cuối cùng trong chiến tranh Việt Nam, dẫn đến việc chấm dứt hoàn toàn sự chia cắt hai miền Nam - Bắc, đưa Việt Nam đến sự thống nhất và độc lập sau hơn 100 năm bị nước ngoài chiếm đóng, chia cắt. Trên phương diện quốc tế, chiến dịch này đã kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài và đẫm máu nhất của thế giới từ nửa sau thế kỷ 20, giáng một đòn mạnh mẽ vào tham vọng đế quốc của người Mỹ.
 Cuộc bao vây Sarajevo (4/1992-2/1996) là một sự kiện đẫm máu trong cuộc nội chiến Nam Tư (cũ). Lực lượng Serbia đã bao vây thành phố Sarajevo - thủ phủ của Bosnia và Herzegovina trong gần 4 năm, kéo theo cái chết của 10.000 người. Đây là một biến cố bi thảm mà trước đó nhiều người không thể hình dung sẽ xảy ra giữa lòng châu Âu thời hiện đại. Biến cố này cũng góp phần đến cuộc chiến tranh do NATO tiến hành ở Liên bang Nam Tư năm 1999.
  Cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần 3 là cuộc chiến do lực lượng Mỹ - Anh tiến hành ở Iraq từ ngày 20/3-1/5/2003, với lý do ngăn chặn vũ khí hủy diệt. Quân đội Iraq đã thất bại hoàn toàn, thủ đô Bagdad bị chiếm đóng ngày 9/4 /2003 và Tổng thống Saddam Hussein bị bắt ngày 13/12/2003. Cuộc chiến đã biến đất nước Iraq hùng mạnh một thời trở thành đống đổ nát và hỗn loạn, trong khi các loại vũ khí hủy diệt không bao giờ được tìm thấy. Tình trạng rối ren của Iraq vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại