Trong lịch sử hình thành và phát triển của quân đội Mỹ, Chiến tranh Thế giới thứ 2 và chiến tranh tại Việt Nam được xem là những cuộc chiến có nhiều ảnh hưởng nhất đến đường lối tác chiến của họ. Đặc biệt, chiến trường Việt Nam được xem là nơi khởi nguồn cho nhiều chiến thuật tác chiến hiện đại, có tầm ảnh hưởng đến cả đường lối tác chiến trên thế giới.
Dưới đây là hai chiến thuật tác chiến hiện đại tiêu biểu, khởi nguồn từ chiến trường Việt Nam:
SEAD
SEAD là viết tắt của cụm từ Suppression of Enemy Air Defenses (áp chế phòng không đối phương), là chiến thuật vô hiệu hóa khả năng tác chiến của lực lượng phòng không mặt đất đối phương tạo thuận lợi cho các máy bay tấn công mặt đất rảnh tay làm nhiệm vụ mà không cần lo ngại đến hỏa lực phòng không.
Vào năm 1965 khi Mỹ gia tăng các hoạt động leo thang đánh phá miền Bắc, số lượng máy bay Mỹ bị bắn hạ bởi hỏa lực phòng không mặt đất ngày càng trở nên nhiều hơn.
Để giảm tần suất máy bay bị bắn hạ bởi hỏa lực phòng không mặt đất Bắc Việt, Tướng Kenneth Dempster đã đề xuất sử dụng chiến thuật săn lùng và bắn hạ các trạm radar cảnh giới của lực lượng phòng không Bắc Việt nhằm bịt “con mắt” theo dõi trên không này.
Những trạm radar này thường được sử dụng để cảnh giới phát hiện máy bay và dẫn đường cho tên lửa và pháo phòng không bắn hạ các máy bay Mỹ. Nhiệm vụ này được đặt mật danh là Wild Weasel (Chồn hoang).
Chiến thuật SEAD xuất phát từ các phi vụ Chồn hoang mà Không quân Mỹ thực hiện trên chiến trường Việt Nam. Trong ảnh, máy bay chiến thuật F-4 được trang bị tên lửa chống bức xạ AGM-45 và AGM-78 trong một nhiệm vụ Chồn hoang.
Sự ra đời của các phi vụ Chồn hoang đã kéo theo sự phát triển của tên lửa chống bức xạ AGM-45 Shrike, bộ đội phòng không Việt Nam gọi là “sờ rai”. Sự ra đời của AGM-45 Shrike đã kéo theo cuộc đua phát triển các loại vũ khí chống bức xạ và các loại radar có khả năng vô hiệu hóa nó. Các phi vụ Chồn hoang được xem là nền tảng tạo nên chiến thuật SEAD hiện đại.
Ban đầu phi vụ Chồn hoang chỉ dừng lại ở mức độ săn lùng các trạm radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực của Bắc Việt, tức là chỉ mới ở mức độ chế áp phòng không đơn thuần. Về sau khi sự phát triển của vũ khí phòng không đa dạng hơn, tinh vi hơn nên nhiệm vụ được mở rộng hơn, vũ khí dành cho nhiệm vụ SEAD cũng tinh vi, đa dạng hơn.
Đến ngày nay, SEAD vẫn là nhiệm vụ đầu tiên phải thực hiện trước khi có ý định tấn công quân sự vào bất cứ quốc gia nào. Thắng hay bại trong tấn công hay phòng thủ phần lớn phụ thuộc vào sự thành hay bại trong nhiệm vụ SEAD.
Chiến thuật trực thăng vận, trực thăng vũ trang
Chiến trường Việt Nam được xem là nơi khởi đầu cho chiến thuật “trực thăng vận”. Việc sử dụng thử nghiệm trực thăng vận tải UH-1 để vận chuyển binh lính trong các chiến dich càn quét các khu vực quân giải phóng đã cho hiệu quả tốt.
Ngay lập tức, Mỹ điều động số lượng lớn trực thăng vận tải đến chiến trường Việt Nam chủ yếu là UH-1 và CH-47 nhằm phục vụ cho chiến thuật này. Mặt khác, việc vũ trang hạng nhẹ cho UH-1 bằng 2 súng máy 6 nòng 7,62mm cùng rocket không điều khiển mang lại khả năng chi viện hỏa lực trên không mạnh mẽ.
Những chiếc trực thăng tấn công hiện đại AH-64 Apache được phát triển từ những kinh nghiệm xương máu tại chiến trường Việt Nam.
Trong chiến tranh tại Việt Nam, Mỹ đã huy động tới hơn 7.000 chiếc trực thăng UH-1 tham chiến. Cũng tại Việt Nam là chiến trường đầu tiên khai sinh loại trực thăng vũ trang chuyên dụng AH-1 Cobra. Chiến trường Việt Nam tiếp tục “khơi mào” cuộc đua giữa phát triển các loại trực thăng tinh vi hơn, vũ trang hạng nặng hơn và các loại vũ khí phòng không có khả năng vô hiệu hóa trực thăng.
Đến nay, trực thăng vận và trực thăng tấn công vẫn là vũ khí chủ lực trong các hoạt động quân sự trên khắp thế giới. Các nước lớn như Nga, Mỹ liên tục đua nhau cho ra đời các mẫu trực thăng vận tải mới đa năng hơn, trực thăng vũ trang tinh vi với hỏa lực mạnh đã cho thấy giá trị lớn của nó.