Bộ Nội vụ Nga ngày 20/3 ra thông cáo cho biết vừa hủy hợp đồng với Công ty Zachtchita vì có ý định cung cấp cho Nga áo chống đạn và nhiều trang thiết bị bảo hộ chuyên dụng cho ngành an ninh giả từ Trung Quốc, tin tức từ hãng tin AFP.
Hợp đồng này trị giá 500 triệu ruble được ký hồi tháng 6/2012. Theo đó, Zachtchita, vốn là công ty của Nga, cam kết toàn bộ số sản phẩm giao cho Bộ Nội vụ đều được sản xuất trong nước. Nhưng trên thực tế, hãng này lại lấy hàng từ Trung Quốc. Toàn bộ giấy tờ liên quan đến lô hàng đều bị làm giả.
Nghiêm trọng hơn, theo kết quả giám định kỹ thuật của Bộ Nội vụ Nga, nón bảo hộ chỉ là loại thông thường dành cho công nhân các ngành luyện kim. Do đó, cả nón lẫn áo chống đạn trên thực tế đều… không thể chống đạn.
Zachtchita sẽ phải đóng khoản phạt 58 triệu ruble (39,3 tỉ đồng). Trước đó, Nga đã trì hoãn việc chuyển giao tàu sân bay INS Vikramaditya cho Ấn Độ do gặp trục trặc trong quá trình chạy thử.
7 trong số 8 nồi hơi trong động cơ đẩy của tàu sân bay Vikramaditya đã ngừng hoạt động khi tàu nỗ lực đạt tốc độ tối đa tại buổi chạy thử trên biển Barents.
Tàu sân bay INS Vikramaditya. Ảnh: RIA Novosti
Truyền thông Nga dẫn lời ông Andrei Dyachkov, chủ tịch tập đoàn Đóng tàu Thống nhất Nga, cho rằng các nồi hơi của tàu sân bay INS Vikramaditya đã bị hư hại vì sự cố đối với lớp cách ly bằng gạch chịu lửa, vốn được sử dụng để ngăn cách các nồi hơi với các cấu trúc khác trên tàu. Ông Dyachkov cho rằng đơn vị đóng tàu đã sử dụng "những viên gạch chịu lửa Trung Quốc không đạt chuẩn".
Ngay lập tức, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Dương Vũ Quân cho hay: "Chúng tôi đã kiểm tra việc này và nhận thấy rằng những viên gạch chịu lửa của Trung Quốc dùng trong các hệ thống đẩy của hải quân chưa bao giờ được xuất khẩu tới Nga".
Theo diễn biến gần đây, Tập đoàn đóng tàu Thống nhất (USC) của Nga đã khắc phục được sự cố này.
“Các chuyên gia Nga đã phải dùng gạch chịu lửa do Nga sản xuất để thay thế và sửa chữa thành công sự cố nồi hơi cách nhiệt”, RIA Novosti dẫn một nguồn tin từ USC ngày 1/2.
Tàu sân bay Vikramaditya lẽ ra phải được giao cho Ấn Độ vào ngày 4/12/2012, nhưng sau những lần chạy thử hồi tháng 9/2012, các kỹ sư Nga phát hiện gạch chịu lửa kém chất lượng của Trung Quốc trong hệ thống nồi hơi cách nhiệt khiến nó không thể hoạt động hết công suất, làm giảm tốc độ tối đa của tàu.
Ấn Độ ký kết thỏa thuận trị giá 947 triệu USD năm 2005 để mua lại Vikramaditya từ Nga.
Khi đi vào hoạt động, Vikramaditya có khả năng vận chuyển 18 chiến đấu cơ Mikoyan MiG-29 và 10 trực thăng hải quân Kamov Ka-28.