Hai ’sát thủ’ Việt Nam có thể diệt tàu chiến Type 054A Trung Quốc

Có thể nói, tên lửa Yakhont và Kh-31A là "bộ đôi" sát thủ chống tàu mạnh nhất của Việt Nam, có thể tiêu diệt tàu chiến Type 054A của Trung Quốc.

Trung Quốc đã triển khai thêm tàu khu trục có khả năng tàng hình Liễu Châu Type 054A vào phục vụ trong Hạm đội Nam Hải – đơn vị chuyên trách hoạt động và kiểm soát khu vực Biển Đông của Hải quân nước này.

Các tàu khu trục mới, trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại như Type 054 và các tàu chiến khác của Hạm đội Nam Hải sẽ thực sự là những mối đe dọa lớn đối với hải quân các quốc gia khác trong khu vực xung quanh Biển Đông, nơi đang xảy ra nhiều tranh chấp chủ quyền kéo dài trong hàng thập kỷ qua.

Chiến hạm Liễu Châu đi vào phục vụ trong Hạm đội Nam Hải đã nâng tổng số tàu khu trục hiện đại Type 054A đang trực chiến trong hạm đội này lên con số 6.

Type 054A có đáng sợ?

Type 054A được thiết kế theo công nghệ tàng hình, trang bị cả vũ khí phòng không, chống ngầm và chống hạm để có thể tiêu diệt các mục tiêu ở dưới nước, trên biển và trên không. Ngoài ra còn có các hệ thống phòng thủ tầm gần để đánh chặn các loại vũ khí của đối phương. Do vậy, tàu chiến này được đánh giá là hiện đại bậc nhất của Trung Quốc hiện nay.

Tàu khu trục Type 054A được cho là có khả năng tấn công mạnh trên cả 3 mặt.
Tàu khu trục Type 054A được cho là có khả năng tấn công mạnh trên cả 3 mặt.

Type 054A có khả năng công toàn diện trên 3 mặt, bao gồm chống ngầm, phòng không tốt trong phạm vi 50 km, chống hạm ở cự li 200 km.

Type 054A hiện đang được đánh giá là tàu chiến mạnh nhất của Hạm đội Nam Hải, đảm nhiệm bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở trên Biển Đông.

Xét về tương quan lực lượng hải quân trong khu vực Biển Đông, thực tế cho thấy, chỉ một mình hạm đội Nam Hải của Trung Quốc cũng đã được trang bị một số lượng lớn các chủng loại tàu chiến và các phương tiện quân sự hỗ trợ đa dạng như trực thăng, chiến đấu cơ đa năng, máy bay ném bom…, hạm đội Nam Hải rõ ràng là mạnh hơn tất cả các lực lượng hải quân của cả 4 nước đang tranh chấp trên khu vực Biển Đông gộp lại (gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei), nếu không tính Hải quân của đảo Đài Loan.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có những định hướng và chiến lược phát triển, kiềm chế, và tự vệ quân sự của riêng mình.

Đối với Hải quân Việt Nam, trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đã không ngừng được hiện đại hóa bằng việc tăng cường mua sắm những trang thiết bị vũ khí mới, đảm bảo luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, đánh bại bất kỳ kẻ thù xâm lược nào trong tương lai. Trong các quân, binh chủng trong quân đội, Đảng và Quân đội đã xác định, Hải quân và Không quân Việt Nam sẽ tiến hành đi thẳng lên hiện đại hóa nhằm đáp ứng kịp thời với những diễn biến bất thường, khó lường trước ở một số khu vực đang xảy ra tranh chấp lãnh thổ. Trong đó vấn đề Biển Đông được đặt lên hàng đầu.

Do có khả năng tàng hình và tầm tác chiến chống tàu, chống ngầm và phòng không tốt, nên để tiêu diệt được một chiến hạm mạnh như Type 054A thì ngoài việc sử dụng chiến thuật, nghệ thuật quân sự Việt Nam, đòi hỏi cần có những loại vũ khí hiện đại, có thể tác chiến ở “ngoài tầm” chiến đấu của tàu khu trục Type 054A.

Ở Việt Nam hiện nay, Không quân và Hải quân đang sở hữu 2 “át chủ bài” có thể tiêu diệt nhanh chóng, hiệu quả và chính xác mọi loại tàu chiến, trong đó, Type 054A có thể trở thành “con mồi” cho tên lửa chống hạm trên bờ biển và trên không của Hải quân và Không quân Việt Nam.

“Cái chết từ bầu trời” Kh-31A

Sau  khi đặt  mua các chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2V tiên tiến. Năm 2009, Việt Nam đã đặt mua một lô hàng tên lửa chống hạm phóng từ trên không Kh-31A với tổng trị giá 49,65 triệu USD để trang bị cho các máy bay chiến đấu Su-30MK2V, số tên lửa này đã được Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật của Nga bàn giao cho Việt Nam trong năm 2011.

Tên lửa chống tàu siêu thanh Kh-31A phóng từ máy bay Su-30.
Tên lửa chống tàu siêu thanh Kh-31A phóng từ máy bay Su-30.

Kh-31A sử dụng động cơ rocket nhiên liệu lỏng, gắn ở đuôi, được kích hoạt đưa tên lửa đạt tốc độ siêu thanh Mach 1,8 và tự tách ra khi hết nhiên liệu. Sau đó, 4 cửa hút khí mở ra và vỏ tên lửa rỗng trở thành buồng đốt động cơ tĩnh phản lực dùng nhiên liệu dầu lửa giúp tên lửa đạt vận tốc Mach 2,9, tầm bắn tiêu diệt mục tiêu 5-70km.

Trong hành trình bay, ở pha giữa tên lửa dùng hệ thống định vị quán tính dẫn đường, pha cuối dùng đầu tự dẫn radar chủ động ARGS-31 có khả năng kháng nhiễu cao, lựa chọn một mục tiêu trong nhóm mục tiêu cùng loại dày đặc.

Trọng lượng phần chiến đấu của tên lửa nặng 95kg dùng để tiêu diệt tàu khu trục, hộ vệ cỡ lớn, tàu tên lửa cở nhỏ, tàu vận tải đổ bộ.

Khi tiếp xúc bề mặt mục tiêu, tên lửa xuyên phá vào bên trong tàu rồi mới kích nổ đầu đạn hoặc nổ theo kiểu phá mảnh khi bay trên mục tiêu.

Ước tính, để tiêu diệt tàu khu trục cần 2,5 quả Kh-31A, với tàu tên lửa cỡ nhỏ chỉ cần 1 quả.

Tên lửa có tốc độ hành trình bay rất cao, tiếp cận nhanh, khó đánh chặn. Không những thế, khi bị radar địch phát hiện, tên lửa có thể cơ động vọt cao đối phó với tên lửa đánh chặn đối phương.

Có thể nói, với tầm bắn cực đại 70 km (ngoài tầm phòng không của Type 054A), Kh-31A là vũ khí chống tàu cực kỳ nguy hiểm, "cơn ác mộng" từ bầu trời đối với tàu địch.

“Sói biển” Yakhont

Trong khi máy bay Su-30MK2V mang theo tên lửa chống tàu siêu thanh Kh-31A, có thể nhanh chóng tiếp cận và tiêu diệt tàu khu trục bất cứ lúc nào trên Biển Đông, thì ở mặt đất, được triển khai dọc theo ven biển của Việt Nam là những tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P do Nga sản xuất, có khả năng tác chiến “siêu việt” mà ngay cả Mỹ cũng phải nể phục.

Các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P được trang bị tên lửa siêu thanh có cánh Yakhont, có tầm bắn lên tới 300 km.

Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P của Hải quân Việt Nam có thể tiêu diệt bất kỳ mục tiêu trên biển nào trong phạm vi 300 km.
Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P của Hải quân Việt Nam có thể tiêu diệt bất kỳ mục tiêu trên biển nào trong phạm vi 300 km.

Sau khi khai hỏa, tên lửa Yakhont sẽ bay theo quĩ đạo cao để tiết kiệm nhiên liệu và hạ độ cao cách mực nước biển chừng 5-15m khi tới gần mục tiêu để “vô hiệu” các hệ thống phòng thủ trên tàu của đối phương và lao vào phá hủy tàu chiến. Ngoài ra, lớp vỏ đặc biệt của tên lửa Yakhont còn được thiết kế để hấp thụ sóng radar, tăng khả năng tàng hình và loại bỏ các vòng phòng thủ của đối phương dễ dàng.

Nhưng để đảm bảo hoành thành nhiệm vụ với xác suất 100%, những người điều khiển Bastion-P thường sử dụng chiến thuật “bầy sói”. Khi đó, có ít nhất 3 quả tên lửa Yakhont được phóng đi, một quả sẽ bay cao, bật radar chủ động dẫn đường cho 2 quả còn lại hạ gục mục tiêu.

Có thể nói, trang bị vũ khí của Hải, Không quân Việt Nam hiện nay khá hiện đại, đảm bảo có thể đánh bật bất cứ lực lượng thù địch tiềm năng nào. Cùng với trí tuệ và sự sáng tạo trong nghệ thuật quân sự Việt Nam từ thời cha ông xa xưa, chắc chắn rằng, bất kỳ kẻ thù nào cũng sẽ bị đán cho tan tác nếu xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của người Việt Nam.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại