Mới đây nhất trong buổi lễ công bố kế hoạch hiện đại hóa đội tàu đổ bộ của Nga, ông Dmitry Rogozin, người phụ trách ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, cho biết chiếc tàu tấn công đổ bộ Mistal đầu tiên mang tên Vladivostok mà nước này mua của Pháp sẽ được hoàn thành và chuyển giao cho Nga theo đúng thời hạn vào tháng 10 năm nay.
Trong buổi lễ này đại diện quân đội Nga cũng úp mở kế hoạch mở rộng lực lượng hải quân của nước này có thể lớn gấp đôi trong vài chục năm tới. Đây được xem như một lời tuyên bố chính thức được Moscow phát đi tới thế giới nhằm đánh dấu sự quay trở lại biển của người Nga.
Hồi tháng 6-2011, Nga và Pháp đã ký kết một hợp đồng mua 2 chiếc tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral của Pháp. Chiếc đầu tiên đang được đóng tại Pháp và dự kiến sẽ chuyển giao cho Nga vào năm 2014, trong khi chiếc thứ 2 mang tên Sevastopol dự kiến sẽ được chuyển giao vào năm 2015.
Song song với việc tăng cường trang bị tàu thuyền từ bên ngoài, Nga cũng đang dự định đóng mới khoảng 6 đến 7 tàu đổ bộ cỡ lớn theo chương trình chết tạo tàu lớp 11.711 của mình.
Cùng với việc chế tạo và mua mới những chiến tàu đổ bộ, một kế hoạch lớn hơn cũng đã được đề ra. Theo đó, Nga đang có kế hoạch bắt đầu xây dựng một tàu sân bay mới. Không loại trừ việc trong chương trình mới nhà nước về phát triển vũ khí đến năm 2025 sẽ xuất hiện khoản mục tương ứng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga Yuri Borisov tuyên bố. Theo ông, ngành công nghiệp của Nga đã sẵn sàng cho phát triển lớn tương tự.
Viện Nghiên cứu mang tên Viện sĩ Krylov ở St Petersburg - trung tâm hàng đầu về thiết kế phát triển tàu biển- đã giới thiệu ba phương án đóng tàu sân bay hiện đại của Nga với mức choán nước và cách bố trí khác nhau. Công trình xây dựng tàu sân bay hạng nặng đòi hỏi những chi phí rất lớn. Tuy nhiên, Mỹ và các nước khác đang tích cực phát triển xu hướng này. Ở Nga hiện nay chỉ có một tàu sân bay hạng nặng là “Đô đốc Kuznetsov“.
Chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov cho rằng: “Nga cần phải có một hạm đội tàu sân bay hùng mạnh, dù chỉ là bởi vì Nga là một trung tâm sức mạnh địa chính trị Á-Âu. Nếu không có một hạm đội như vậy, Nga sẽ không có khả năng hỗ trợ bằng các biện pháp vũ lực quân sự cho chính sách đối ngoại của mình tại các khu vực xa xôi khác trên thế giới“.
Theo ông Konstantin Sivkov, khu vực hoạt động của tàu sân bay trong thời bình có thể là Đại Tây Dương, Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương, khu vực Nam và Trung Thái Bình Dương.
Trong thời chiến, những khu vực tuần tra chính sẽ là vùng biển Barents, còn ở Thái Bình Dương là những vùng tiếp giáp với bán đảo Kamchatka. Các tàu sân bay ở đây sẽ phải đánh trả các cuộc không kích và đảm bảo hoạt động của các lực lượng tấn công tiêu diệt các nhóm hàng không mẫu hạm của đối phương.
Có thể khẳng định rằng, Moscow đang nỗ lực tìm lại ánh hào quang quá khứ của mình, và việc tái khẳng định sức mạnh biển chính là con đường ngắn nhất để đưa Nga sớm trở lại vị thế của một cường quốc có tầm ảnh hưởng toàn cầu thực sự.