Hải quân Nga đến năm 2020 vẫn chỉ là lực lượng tác chiến ven bờ

Quang Huy |

Trang mạng army-news.ru mới đây đã có bài phân tích, đánh giá về những mối hiểm họa từ biển và đại dương đối với Hải quân Nga trong tương lai gần.

Nga cần một hạm đội mạnh hơn nhiều

Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông đăng tải rất nhiều tài liệu đánh giá về hiện trạng của Hải quân Nga và hướng phát triển các đơn vị trực thuộc cũng như đội tàu chiến.

Tuy nhiên, chưa có một định hướng tổng thể về tương lai của hạm đội Hải quân Nga để lực lượng này có thể hoàn toàn đáp ứng nhu cầu và để bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga trên biển.

Hải quân Nga được giao rất nhiều nhiệm vụ, chúng giúp xác định hạm đội Nga sẽ là lực lượng như thế nào. Khi phân tích những nhiệm vụ chính được ghi rõ trong các văn bản công bố chính thức, có thể thấy 2 yêu cầu chủ yếu:

- Bảo vệ lợi ích của Nga, bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của hạm đội trong thời bình.

- Phản kháng trước hành động khiêu khích nhằm triển khai các cuộc xung đột quân sự.

Những nhiệm vụ chính của hạm đội Hải quân Nga trong thời bình gồm:

- Ngăn chặn việc sử dụng hoặc hiểm họa sử dụng vũ lực để chống lại Nga.

- Thiết lập và đảm bảo những điều kiện để thực hiện các hoạt động kinh tế của Nga trên biển.

- Đảm bảo sự hiện diện quân sự của Nga trên biển.

- Trình diễn sức mạnh quân sự, tổ chức các cuộc viếng thăm của tàu chiến thuộc hạm đội Hải quân Nga.

- Tham gia vào những chiến dịch quân sự, gìn giữ hòa bình và nhân đạo do cộng đồng quốc tế triển khai trong khuôn khổ các lợi ích của Nga.

- Bảo đảm tự do trên biển.

Trong thời chiến, Hải quân Nga sẽ là lực lượng bảo vệ đất nước trong vùng biển nội địa và vùng đặc quyền kinh tế.

Phân tích cho thấy rằng, trong thời bình, sự hiện hữu của hạm đội là cần thiết để bảo vệ lợi ích kinh tế ở Nam Đại Tây Dương, tại các vùng biển giáp với khu vực Nam Mỹ và Tây Nam châu Phi, phía bắc Đại Tây Dương, biển Na Uy và Greenland.

Ngoài ra còn có phía Tây Bắc Thái Bình Dương, khu vực giữa và phía Đông Địa Trung Hải, một số vùng trên Ấn Độ Dương, các đảo và vùng biển thuộc Thái Bình Dương - nơi có sự hoành hành của cướp biển, và cả phía bắc Ấn Độ Dương.

Khi các hành động quân sự nổ ra, nhiệm vụ chính của Hải quân Nga sẽ là đáp trả sự khiêu khích của kẻ địch, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga.

Các lực lượng của Hạm đội Nga sẽ giải quyết nhiệm vụ này khi tiêu diệt những căn cứ trên mặt đất của kẻ địch; bảo đảm sự ổn định chiến đấu của các tàu ngầm mang tên lửa chiến lược;

Tiêu diệt các nhóm tấn công, chống tàu chiến và các nhóm khác của kẻ địch cũng như căn cứ dọc bờ biển; bảo vệ cơ chế tác chiến thuận lợi; yểm trợ từ ngoài biển cho các đơn vị tiền phương trong quá trình phòng thủ hoặc tấn công; phòng thủ khu vực bờ biển.

Để hạm đội Hải quân Nga có khả năng thực hiện những nhiệm vụ này thì sức chiến đấu của các lực lượng phải phù hợp với quy mô.

Thành phần và cơ cấu của lực lượng chiến đấu thuộc Hạm đội Nga phải được xác định dựa trên những yêu cầu nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công từ ngoài biển và đại dương, nhưng không nhất thiết phải tiêu diệt toàn bộ năng lực chiến đấu của kẻ địch.

Các đơn vị tấn công chủ lực của đối phương (tàu sân bay và tàu tên lửa) sẽ được bố trí chủ yếu tại các khu vực xa bờ.

Lực lượng chiến đấu gần bờ của kẻ địch sẽ thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt những tàu ngầm chiến lược mang tên lửa, chiếm lĩnh khu vực gần bờ biển của Nga và phá hủy hệ thống thông tin liên lạc.

Khi có điều kiện thích hợp thì đối phương sẽ tiến hành đổ bộ tấn công lên bờ biển của Nga (trước tiên phải kể đến đảo Kurilskaya Gryada).

Do đó, khả năng tác chiến kịp thời của hạm đội Hải quân Nga tại những khu vực xa bờ có thể tiêu diệt, hoặc, chí ít làm suy yếu biên đội tàu sân bay và tàu tên lửa tấn công của kẻ địch.

Việc tiêu diệt căn cứ quân sự khiến kẻ địch không thể tổ chức những cuộc tấn công hiệu quả nhằm vào Hải quân Nga trên đất liền và trên biển.

Các lực lượng cận bờ của Hải quân Nga phải đảm bảo khả năng ổn định chiến đấu của những tàu ngầm chiến lược mang tên lửa trên biển, tại căn cứ và trên lộ trình triển khai chiến đấu.

Không cho phép kẻ địch chiếm lợi thế trên biển, hỗ trợ cơ chế tác chiến thuận lợi, đảm bảo công tác bảo vệ hệ thống thông tin liên lạc và hạ tầng kinh tế - xã hội của Nga.

Ngoài ra, các lực lượng của Hải quân Nga phải có khả năng tiêu diệt những căn cứ trên cạn của kẻ địch để yểm trợ cho bộ binh.

Sức chiến đấu của lực lượng kìm hãm phi hạt nhân chiến lược phải đủ sức gây ra thiệt hại, dù là tối thiểu cho kẻ địch trong các cuộc xung đột quân sự quy mô giới hạn.


Các tàu chiến thuộc Hải quân Nga

Các tàu chiến thuộc Hải quân Nga

Yêu cầu lực lượng cần thiết của Hải quân Nga

Các yêu cầu liên quan tới khả năng của những lực lượng thuộc hạm đội Hải quân Nga được xác định bởi thành phần cần thiết.

Để chống cướp biển và bảo vệ tàu thuyền của Nga trong hoạt động đánh bắt hải sản và vận tải hàng hóa, cần phải triển khai tối thiểu 1 tàu khu trục hoặc tàu hộ vệ tại những vùng biển quan trọng.

Tổng cộng mỗi nơi bố trí khoảng 3 - 4 tàu trên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cũng như 1 - 2 tàu trên Ấn Độ Dương.

Sự hiện diện trên biển và việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ ngoại giao của Nga cần một nhóm 3 - 5 tàu với sự dẫn đầu của 1 chiến hạm hoặc tàu sân bay.

Trên cơ sở đánh giá và dự báo chính sách đối ngoại của Nga, nhu cầu tuần tra của các nhóm tàu chiến nói trên của từng hạm đội mỗi năm là không dưới 3 - 5 lần.

Sự tham gia vào các chiến dịch gìn giữ hòa bình và chứng tỏ sự cương quyết bảo vệ lợi ích của Nga tại những khu vực xảy ra xung đột quân sự cần nhóm từ 6 - 8 đến 20 - 30 tàu chiến và từ 2 - 3 đến 5 - 6 tàu ngầm, bao gồm tối thiểu 1 tàu sân bay.

Bên cạnh đó, số lượng lính thủy đánh bộ trên các nhóm tàu chiến này có thể đạt tới 1 sư đoàn hoặc hơn.

Trong những cuộc xung đột quân sự kéo dài, nơi liên quan tới các lợi ích của Nga, sự hiện diện của nhóm tàu chiến này là cần thiết trong một thời gian dài.

Để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ tìm kiếm và theo dõi hải quân nước ngoài, trinh sát vùng biển cần phải có sự tham gia thường xuyên của vệ tinh do thám có khả năng theo dõi các khu vực trọng yếu trên đại dương với tần suất 2 - 5 giờ/lần.

Ngoài ra còn cần 1 tàu chiến hoặc tàu ngầm cần xuất hiện tại các vùng biển trọng yếu để giải quyết những nhiệm vụ trinh sát như ở khu vực phía nam Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương…

Bên cạnh đó, cần phải có khả năng triển khai hoạt động trinh sát do thám trên không tại những vùng biển trọng yếu với tần suất 1 lần/ngày với từ 3 - 4 đến 10 - 12, hoặc nhiều hơn số lần bay của máy bay tuần thám.

Để thực hiện nhiệm vụ tuần tra chiến đấu của tàu ngầm mang tên lửa chiến lược với mục tiêu sẵn sàng triển khai tấn công hạt nhân cần không dưới 3 - 4 tàu ngầm chiến lược có mặt thường xuyên trên biển với hỏa lực đủ gây thiệt hại đáng kể cho kẻ địch.

Để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo chiến đấu cần có sự xuất hiện thường xuyên tại tất cả các điểm nóng trên biển của 10 - 12 tàu chiến cận bờ, 3 - 4 tàu ngầm nguyên tử đa năng và 5 - 8 tàu ngầm phi hạt nhân cũng như 3 - 4 máy bay chống hạm.

Để kiểm soát không phận tại khu vực tuần tra của lực lượng tàu ngầm mang tên lửa chiến lược cần phải có tối thiểu 1 máy bay hoặc 1 trực thăng do thám định vị.

Để đảm bảo điều kiện tác chiến thuận lợi tại những khu vực có căn cứ hải quân và nơi đóng quân cũng như những khu vực huấn luyện chiến đấu của hạm đội cần số lượng lên tới 20 - 30 tàu chiến cận bờ các loại và 10 - 12 tàu ngầm phi hạt nhân.

Khi các hành động quân sự nổ ra thì số lượng tàu chiến trên biển của hạm đội phải được bổ sung thêm.

Để giải quyết nhiệm vụ làm suy yếu nhóm tác chiến tàu sân bay của kẻ địch tại khu vực xa bờ (lực lượng này có thể lên đến 4 - 5 nhóm tại mỗi điểm nóng trên đại dương) cần phải thiết lập một đội tàu chiến tấn công thích hợp.

Số lượng sẽ là không dưới 10 - 12 tàu ngầm mang tên lửa đa năng và 6 - 8 tàu ngầm mang tên lửa, 1 - 2 tàu sân bay, 5 - 8 tàu chiến và tàu khu trục mang tên lửa tầm xa (500 - 800 km).

Còn cần phải có thêm 10 - 15 tàu khu trục nhỏ mang tên lửa tầm trung, sư đoàn máy bay hải quân mang tên lửa (hoặc không quân tầm xa) và không dưới 1 trung đoàn máy bay trinh sát đại dương.

Để chống tàu ngầm của kẻ địch tại khu vực cận bờ (số lượng có thể lên tới 10 - 15 chiếc) và đảm bảo khả năng ổn định chiến đấu của các tàu ngầm mang tên lửa chiến lược ở những nơi diễn ra xung đột quân sự trên đại dương:

Cần thiết lập lực lượng chống tàu chiến với số lượng 3 - 5 tàu ngầm nguyên tử và 15 - 20 tàu ngầm phi hạt nhân, 30 - 40 tàu hộ vệ, tuần tra hoặc chống hạm loại nhỏ, 25 - 35 máy bay và tối đa 40 trực thăng chống hạm.

Tại các nơi xảy ra xung đột quân sự trên biển quy mô khép kín (biển Baltic và biển Đen) số lượng nhóm tàu chống hạm cần thiết có thể lên tới 15 tàu ngầm phi hạt nhân, 20 - 25 tàu hộ vệ, tuần tra hoặc chống hạm loại nhỏ, tối đa 20 máy bay và 25 trực thăng.

Để chống tàu chiến tại những vùng biển và khu vực trên các đại dương nằm sát hải phận của Nga:

Mỗi hạm đội cần thiết lập đội tàu gồm 10 - 15 tàu hộ vệ và tàu tên lửa loại nhỏ với tên lửa tầm trung, 20 - 25 xuồng cao tốc mang tên lửa, tối đa 3 - 4 sư đoàn tên lửa bờ biển tầm trung và trung đoàn không quân tấn công (gồm máy bay Su-24 hoặc Su-34).

Để triển khai nhiệm vụ yểm trợ cho các lực lượng trên biển, cần phải bổ sung vào thành phần của mỗi hạm đội tối thiểu 1 trung đoàn không quân tiêm kích và đại đội (có thể đóng quân trên tàu sân bay) hoặc các máy bay trực thăng do thám định vị.

Để phối hợp cánh quân ven biển, cần thiết lập tại từng hạm đội lực lượng gồm từ 10 - 12 đến 20 - 25 tàu đổ bộ, 1 trung đoàn máy bay trực thăng vận tải.

Đặc biệt là 1 trung đoàn hoặc sư đoàn lính thủy đánh bộ mà có thể đổ bộ chiến thuật và phòng thủ lớp thứ nhất cũng như chuyển sang hoạt động tác chiến.

Để chống lại các mối đe dọa từ thủy lôi tại những khu vực đóng quân của hạm đội, trên các lộ trình triển khai quân và những công trình thông tin liên lạc trên biển, cần thiết lập lực lượng tối đa lên tới 50 tàu rà phá thủy lôi các loại.

Thành phần cần thiết sẽ xác định lực lượng chiến đấu của các hạm đội. Khi đó phải tính tới tỷ lệ cường độ tác chiến vào thời chiến cũng như thời bình.

Ngoài ra, cũng cần tính tới việc lực lượng tàu chiến và tàu ngầm của các hạm đội Hải quân Nga trên thực tế hoàn toàn không có khả năng phối hợp với nhau trong thời chiến.

Tuy nhiên, khả năng phối hợp các lực lượng không quân biển, lính thủy đánh bộ và bảo vệ bờ biển là khá tốt. Trong bối cảnh cắt giảm quân số, điều này cho phép hải quân áp dụng nguyên lý “sự cơ động chiến lược”.

Căn cứ vào đó, việc bổ sung thêm vào cơ cấu Hải quân Nga lực lượng trung tâm là điều hoàn toàn hợp lý bao gồm liên quân và các đơn vị không quân biển, tên lửa-pháo binh bảo vệ bờ biển và lính thuỷ đánh bộ.

Khi xảy ra xung đột quân sự tại bất cứ khu vực nào trên biển, các đơn vị có thể được điều động tới vùng chiến sự để tăng cường cho hạm đội tới mức cần thiết.


Tuần dương hạm Varyag - Soái hạm Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Nga

Tuần dương hạm Varyag - Soái hạm Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Nga

Lực lượng cần thiết của từng hạm đội

Trên cơ sở những thông tin nêu trên, có thể xác định thành phần cần thiết của các hạm đội Hải quân Nga như sau:

1. Hạm đội Biển Bắc: 12 - 16 tàu ngầm mang tên lửa chiến lược, 20 - 25 tàu ngầm nguyên tử đa năng, 10 - 12 tàu ngầm mang tên lửa và 30 - 35 phi hạt nhân;

2 hàng không mẫu hạm tầm trung và lớn, 20 - 25 tàu chiến đại dương và tối đa 140 (trong đó tối đa 30 xuồng cao tốc tấn công mang tên lửa, 40 tàu chống hạm và 50 tàu rà phá thuỷ lôi) tàu chiến tấn công khu vực cận bờ, tối đa 15 tàu đổ bộ lớn;

2 trung đoàn không quân trên tàu sân bay, 1 trung đoàn không quân tiêm kích bờ biển, tuần thám và chống hạm, các trung đoàn trực thăng chống hạm và trực thăng vận tải quân sự;

Đại đội không quân cường kích biển, trung đoàn tên lửa-pháo binh bờ biển, 1 trung đoàn hoặc tiểu đoàn lính thủy đánh bộ.

2. Hạm đội Thái Bình dương: tối đa 20 tàu ngầm nguyên tử đa năng, 10 - 12 tàu ngầm mang tên lửa và 20 - 25 tàu ngầm phi hạt nhân, 2 tàu sân bay tầm trung và lớn;

20 - 25 tàu chiến đại dương và tối đa 160 (trong đó tối đa 40 xuồng cao tốc tấn công mang tên lửa, 60 tàu chống hạm và 60 tàu rà phá thuỷ lôi) tàu chiến tấn công khu vực cận bờ, 20 - 25 tàu đổ bộ lớn;

2 trung đoàn không quân trên tàu sân bay, 2 trung đoàn không quân tiêm kích bờ biển, tuần thám và chống hạm, các trung đoàn trực thăng chống hạm và trực thăng vận tải quân sự, 1 trung đoàn không quân cường kích biển;

2 trung đoàn tên lửa-pháo binh bờ biển và 1 trung đoàn lính thuỷ đánh bộ.

3. Hạm đội Baltic: 10 - 12 tàu ngầm phi hạt nhân, tối đa 20 tàu chiến tấn công (trong đó gồm các xuồng cao tốc mang tên lửa), tối đa 20 tàu chống hạm và 40 tàu dò thuỷ lôi khu vực cận bờ, 10 - 12 tàu đổ bộ lớn;

1 trung đoàn không quân tiêm kích bờ biển, các đại đội máy bay tuần thám và chống hạm, các trung đoàn trực thăng chống hạm và trực thăng vận tải quân sự, 1 đại đội không quân cường kích;

1 tiểu đoàn hoặc trung đoàn lính thuỷ đánh bộ kết hợp 2 trung đoàn tên lửa-pháo binh bờ biển.

4. Hạm đội Biển Đen: tối đa 15 tàu ngầm phi hạt nhân, 30 tàu chiến và xuồng cao tốc tấn công, 15 - 25 tàu chống hạm và tối đa 30 tàu dò thuỷ lôi khu vực cận bờ, 7 - 10 tàu đổ bộ lớn;

1 trung đoàn không quân tiêm kích, các đại đội máy bay tuần thám và chống hạm, 1 trung đoàn trực thăng chống hạm và đại đội trực thăng vận tải quân sự;

1 tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ và 1 trung đoàn tên lửa-pháo binh bờ biển.

Thành phần của lực lượng Trung tâm cần có: 1 sư đoàn không quân chiến đấu, 1 trung đoàn không quân tuần thám khu vực đại dương và 1 khu vực cận bờ, 1 chống hạm, 1 cường kích, 1 sư đoàn lính thuỷ đánh bộ và 1 - 2 trung đoàn tên lửa-pháo binh bờ biển.

So sánh thành phần các lực lượng cần thiết của hạm đội Hải quân Nga cùng với chương trình chế tạo tàu chiến tới năm 2020 với những thông tin công khai trên các phương tiện truyền thông cho thấy rằng Hải quân Nga chưa đạt được chỉ số cần thiết.

Theo đánh giá, nếu tất cả các loại tàu chiến chủ lực hiện có của Hải quân Nga được sửa chữa và nâng cấp thì cũng chỉ đạt được 40 - 50% yêu cầu thực tế.

Chỉ duy nhất số lượng tàu ngầm mang tên lửa chiến lược đáp ứng toàn bộ các yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, các trục trặc liên quan tới tổ hợp tên lửa Bulava khiến người ta nghi ngờ về tính thực tiễn của những kế hoạch liên quan tới lực lượng này.

Như vậy, cho tới năm 2020, Hải quân Nga chỉ có khả năng hạn chế trong việc giải quyết các nhiệm vụ đảm bảo an ninh quân sự của Nga trên biển và đại dương, về cơ bản đây vẫn là lực lượng mạnh về tác chiến gần bờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại