Chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông ngày 23/11/2013, Không quân Mỹ đã điều động hai máy bay ném bom B-52 bay qua khu vực trên, đây được coi là một thách thức đối với tuyên bố của Trung Quốc.
Một cựu quan chức Không quân Mỹ nhận định đây là một thông điệp răn đe đối với Bắc Kinh rằng Mỹ đã nắm được những sự gắn kết yếu kém trong mạng lưới phòng không của Trung Quốc.
Theo Mark Stokes, một chuyên gia quân sự Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu Project 2049, 2 lực lượng riêng biệt kiểm soát mạng lưới radar dọc bờ biển của Trung Quốc là hải quân và không quân nước này. Theo đó điểm gắn kết yếu nhất trong mạng lưới phòng không của Trung Quốc là điểm chuyển tiếp giữa 2 lực lượng trên, đó chính là Lữ đoàn radar số 2 của Hải quân Trung Quốc ở thành phố Cangnan thuộc tỉnh Chiết Giang và Lữ đoàn radar số 4 của Không quân Trung Quốc ở thành phố Fuding tỉnh Phúc Kiến dọc biên giới tỉnh Chiết Giang. Lỗ hổng này chạy dọc theo tuyến phía nam của ADIZ Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Stokes đã đưa ra kết luận sau khi biên dịch một báo cáo được công bố cuối tháng 4 trên trang mạng Think Taiwan của Đài Loan. Stokes, người đã có mặt ở Đài Loan hồi tuần trước, cho biết rất có thể một máy bay thu thập tình báo điện tử của Mỹ, có thể là chiếc RC-135, đã bay qua khu vực trên và thu thập dữ liệu về các radar của Trung Quốc khi chúng được kích hoạt.
Dữ liệu thu được sau đó có thể được sử dụng để gây nhiễu và gây nhầm lẫn cho các radar của Trung Quốc trong một cuộc xung đột, ví dụ như trên quần đảo Senkaku, được cả Nhật Bản và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Các máy bay RC-135 được triển khai trong khu vực trên thuộc biên chế của phi đội trinh sát số 82 có trụ sở tại căn cứ không quân Kadena, Okinawa. Trong khi đó, các máy bay B-52 chủ yếu xuất phát từ căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.
Stokes cho biết những lỗ hổng trên là tuyến tiếp cận chủ chốt cho các tiêm kích và máy bay ném bom của Mỹ trong một cuộc xung đột.
Những “lỗ hổng” dọc bờ biển của Trung Quốc sẽ cho phép sức mạnh không quân của Mỹ tiêu diệt những điểm nút quan trọng đóng vai trò là các trung tâm điều khiển-chỉ huy của các radar và tên lửa đất đối không Trung Quốc. Mỹ phải tiêu diệt tận gốc những nhân tố trên trước khi tiếp tục tấn công vào các mối đe dọa khác của Trung Quốc như các đơn vị tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Một ngoại lệ duy nhất đối với nguyên tắc này là một trạm radar mạng pha lớn ở Chiết Giang, hiện không thuộc quyền kiểm soát của không quân và hải quân Trung Quốc. Cơ sở này đảm nhiệm thu thập tình báo tín hiệu không gian trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu Trung Quốc.
Theo Richard Fisher, một học giả cấp cao thuộc Ban các vấn đề quân sự châu Á, Viện Chiến lược và Đánh giá Quốc tế cho biết Stokes đã xác định cấu trúc của hệ thống trinh sát trên không được đặt dưới mặt đất của Trung Quốc và sự tác động qua lại có thể dẫn tới vùng ADIZ của nước này. “Tuy nhiên Stokes đã không nghiên cứu sâu vào từng loại radar và khả năng của chúng nhằm tạo điều kiện nghiên cứu và đánh giá kĩ hơn về những lỗ hổng như trên. Nếu như tồn tại các lỗ hổng trong phạm vi bao phủ của radar, chúng sẽ bị bộc lộ ở những phạm vi lớn hơn”.
Stokes cho rằng những lỗ hổng trong mạng lưới phòng không của Trung Quốc cuối cùng sẽ được lấp đầy bằng những sự tiến bộ đạt được về radar và việc thực hiện một hệ thống trinh sát hỗn hợp trên không tự động mới trong những năm tới đây.
Stokes cũng cho hay các kế hoạch của Trung Quốc trong việc áp đặt các vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông sẽ vi phạm không phận của Đài Loan. Tuy nhiên một ADIZ trên biển Đông cũng sẽ phản ánh rõ ràng những điểm mạnh và điểm yếu của Trung Quốc như là những gì đã diễn ra đối với ADIZ trên biển Hoa Đông.