Dưới đây là bảng xếp hạng 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có lực lượng quân dự bị động viên hùng mạnh nhất được Business Insider thống kê tại địa chỉ globalfirepower.com.
1. Việt Nam: 5.040.000 quân
Quân dự bị của Việt Nam trong một buổi huấn luyện
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng: Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam có lực lượng thường trực gồm bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương với tổng quân số khoảng 450.000 người và lực lượng quân dự bị khoảng 5 triệu người.
Trong đó nêu rõ: "Lực lượng dự bị động viên là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ, sẵn sàng tham gia lực lượng thường trực khi có yêu cầu.
Lực lượng dự bị động viên bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân, đã được lựa chọn và sắp xếp trong kế hoạch sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội.
Lực lượng dự bị động viên được tổ chức theo biên chế thống nhất của quân đội với thành phần tương ứng với lực lượng thường trực của các quân chủng, binh chủng thuộc lực lượng bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương".
Với dân số trên 90 triệu người và mọi nam công dân đủ 18 tuổi đều phải đăng ký nghĩa vụ quân sự, do đó dễ hiểu vì sao số lượng quân dự bị động viên của Việt Nam lại cao nhất thế giới.
2. Triều Tiên: 4.500.000 quân
Binh lính Triều Tiên trong một cuộc duyệt binh
Triều Tiên là quốc gia được quân sự hóa với mức độ hàng đầu thế giới hiện nay, gần như toàn bộ thanh niên sẽ gia nhập quân đội khi đến tuổi trưởng thành với thời hạn 7 năm cho nữ và 11 năm cho nam.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, lực lượng này còn phải thường xuyên tham gia các đợt tập huấn tại địa phương vì vậy quân dự bị của Triều Tiên được đánh giá mạnh cả về chất lẫn lượng.
3. Hàn Quốc: 2.900.000 quân
Lính Hàn Quốc tuần tra gần khu phi quân sự
Đứng ngay sau Triều Tiên trong bảng xếp hạng trên chính là Hàn Quốc, quốc gia này cũng duy trì chính sách mọi nam công dân đến tuổi nhập ngũ đều phải lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Một đặc trưng của Quân đội Hàn Quốc là binh lính của họ có nhiều người với bề ngoài rất "trí thức", đây là các sinh viên đang thực hiện nghĩa vụ với thời hạn 2 năm trước khi quay lại trường đại học.
4. Nga: 2.485.000 quân
Nga là quốc gia có lực lượng tăng thiết giáp đứng đầu thế giới
Đi nghĩa vụ quân sự ở Nga từng là động lực thúc đẩy sự nghiệp. Thời Liên Xô, quân đội có uy tín nhất định trong xã hội. Tuy nhiên dưới thời Yeltsin, Quân đội Nga lại trở nên điêu đứng, nhếch nhác đến không ngờ.
Phải đến khi Tổng thống Putin nắm quyền thì mọi việc mới được thay đổi nhờ quá trình nâng cấp lớn vũ khí trang bị cũng như đãi ngộ dành cho quân nhân.
Quân đội Nga đang từng bước trở thành một lực lượng chuyên nghiệp hóa với toàn bộ binh lính ký hợp đồng phục vụ tại ngũ. Do vậy trong tương lai rất có thể tổng số quân dự bị của Nga sẽ giảm đi nhưng chất lượng quân thường trực lại tăng cao đáng kể.
5. Trung Quốc: 2.300.000 quân
Quân đội Trung Quốc đang được hiện đại hóa mạnh mẽ theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ
Về mặt lý thuyết thì tất cả công dân Trung Quốc đều có trách nhiệm phải đi nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên trong thực tế việc thi hành lại là tự nguyện, mọi công dân đủ 18 tuổi đều phải đăng ký với nhà cầm quyền, tương tự như Hệ thống tuyển quân của Mỹ.
Thời hạn phục vụ của binh sĩ trong lục quân là 36 tháng, trong không quân và hải quân là 48 tháng, trong lực lượng tên lửa chiến lược không ấn định thời hạn.
Nếu duy trì chính sách quân dịch một cách nghiêm ngặt thì Trung Quốc mới là quốc gia có lực lượng quân dự bị động viên lớn nhất thế giới.
6. Bangladesh: 2.280.000 quân
Bangladesh duy trì quân thường trực và dự bị tương đối lớn nhưng lại khiêm tốn so với quy mô dân số
Bangladesh là một quốc gia nghèo thuộc khu vực Nam Á, đây cũng là nước đông dân hàng đầu thế giới với gần 170 triệu người. Quân đội Bangladesh không thực hiện chế độ cưỡng bức quân dịch, nhưng do dân số lớn nên lực lượng dự bị của họ rất dồi dào.
7. Ấn Độ: 2.143.000 quân
Ấn Độ là cường quốc số 1 tại khu vực Nam Á
Tất cả quân nhân phục vụ trong Quân đội Ấn Độ đều là lính tình nguyện. Mặc dù chính phủ được quyền thực thi chế độ tòng quân bắt buộc khi thấy cần thiết nhưng điều này chưa bao giờ xảy ra, ngay cả trong các cuộc chiến tranh lớn trước đây.
8. Iran: 1.800.000 quân
Quân đội Iran được đánh giá là lực lượng thiện chiến và có tinh thần cao
Iran quy định nam thanh niên bắt buộc phải phục vụ 18 tháng trong quân đội khi đủ 19 tuổi, những người tình nguyện có thể tham gia khi 18 tuổi. Lực lượng tình nguyện bán quân sự (còn gọi là Basij) tuyển thành viên từ 15 tuổi.
9. Brazil: 1.800.000 quân
Quân đội Brazil được huấn luyện tốt và trang bị rất hiện đại
Brazil có chế độ nghĩa vụ quân sự dành cho nam giới tuổi từ 21 - 45, kéo dài 9 - 12 tháng, còn tự nguyện thì tuổi từ 17 - 45. Tuy nhiên với một nước có dân số lớn như Brazil thì đa phần nam giới không phải nhập ngũ.
10. Vùng lãnh thổ Đài Loan: 1.675.000 quân
Đài Loan xây dựng quân đội với mục đích chính là để phòng ngừa hành động quân sự từ phía Trung Quốc
Đài Loan không được coi là một quốc gia và vẫn bị Trung Quốc xem như một tỉnh của mình, họ tuyên bố sẵn sàng sử dụng giải pháp quân sự nếu hòn đảo này tuyên bố độc lập.
Quân đội Đài Loan duy trì chính sách quân dịch kéo dài 1 năm đối với nam công dân trong độ tuổi 19 - 40, chính sách này được thực thi rất nghiêm ngặt.