Giấc mơ tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Mỹ "chết yểu"

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Việc tăng tuổi thọ cho tên lửa Minuteman III sẽ tiết kiệm được khoảng 30 tỉ USD so với việc phát triển một ICBM mới.

Hồi tuần trước, một hội nghị bàn về việc hiện đại hóa bộ ba hạt nhân của Mỹ đã đi tới một kết quả quan trọng, đó là ý tưởng phát triển một loại tên lửa hạt nhân tầm xa mới phóng từ trên mặt đất đã bị loại bỏ.

Không quân Mỹ hiện đang cân nhắc một giải pháp thay thế hoặc tăng tuổi thọ của tên lửa Minuteman III, vốn là thành tố răn đe hạt nhân chiến lược trên bộ.

Hiện Mỹ sở hữu 450 tên lửa trên, hầu hết trong số này được trang bị một đầu đạt hạt nhân, được đặt ở các hầm phóng tại ba căn cứ dọc theo các khu vực North Dakota, Montana, Wyoming, Colorado và Nebraska. Mỹ đang tiến hành các chương trình để bảo đảm rằng tên lửa trên có khả năng tiếp tục hoạt động ít nhất là tới năm 2030. Hồi tháng 3 năm ngoái, Không quân Mỹ tuyên bố rằng họ đang cân nhắc một vài lựa chọn thay thế Minuteman, trong đó bao gồm các tên lửa di động trên các xe phóng hoặc phóng từ hầm phóng mới hoặc một tên lửa di động trên các đường ray ngầm tương tự như một hệ thống xe điện ngầm.

Tuy nhiên ý tưởng phát triển một tên lửa mới đã bị dội một gáo nước lạnh khi ngày 4/2 vừa qua, một nghiên cứu được tổ chức RAND tiến hành dưới sự tài trợ của Không quân Mỹ cho thấy, một hệ thống ICBM mới hoàn toàn sẽ có thể tốn kém gấp hai (thậm chí 3 lần) so với việc duy trì và hiện đại hóa hệ thống tên lửa Minuteman III.

RAND ước tính rằng chi phí cho việc hiện đại hóa Minuteman III sẽ tốn từ 60 đến 90 tỉ USD, trong khi đó để phát triển một ICBM phóng từ giếng phóng mới chi phí phải bỏ ra là từ 84-125 tỉ USD. Các biến thể di động trên đường ray và trên xe phóng sẽ tốn kém hơn rất nhiều, rơi vào khoảng từ 124 đến 219 tỉ USD.

Nghiên cứu này đã được bàn thảo trong một hội nghị thượng đỉnh về răn đe hạt nhân kéo dài ba ngày hồi tuần trước do tổ chức Giám sát vật chất và vũ khí hạt nhân tổ chức. Cuộc họp có ý nghĩa thực sự đối với những người quan tâm đến bộ ba hạt nhân (tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm có thể mang vũ khí hạt nhân) và thông điệp truyền tải là rõ ràng: duy trì bộ ba hạt nhân, nhưng ở mức chi phí cho phép.

Thiếu tướng Garrett Harencak, Phó tham mưu trưởng Không quân phụ trách răn đe chiến lược và tích hợp hạt nhân, người đảm nhiệm hoạt động tác chiến răn đe hạt nhân của Không quân Mỹ, cho rằng từ lâu Mỹ đã cần phải bỏ ra khoản đầu tư đáng kể để tái cấu trúc lại bộ ba chiến lược đảm nhiệm mang phóng các đầu đạn hạt nhân. Theo đó cần có tiến hành một kế hoạch khả thi và được thực hiện từng bước để duy trì bộ ba hạt nhân chiến lược.

Harencak thừa nhận rằng với khả năng ngân sách hiện nay, Mỹ không thể thay thế mọi hệ thống vũ khí được phát triển từ thời Chiến tranh lạnh được.

Linton Brooks, người phụ trách đàm phán thỏa thuận kiểm soát vũ khí START đầu tiên cho Tổng thống H.W. Bush, và sau đó trở thành lãnh đạo Cơ quan an ninh hạt nhân quốc gia cho rằng, tại thời điểm này không có lý do gì cần phải cân nhắc phát triển một ICBM mới. Việc tăng tuổi thọ tới sau năm 2030 cho các tên lửa Minuteman không những khả thi mà còn là giải pháp đúng đắn.

Peter Huessy, người nhiều thập kỉ trước đây đã tổ chức một chuỗi các bài giảng về Hiệp hội Không quân Mỹ cho các thành viên và nhân viên Quốc hội thì nhận định, việc tăng tuổi thọ cho tên lửa Minuteman III sẽ tiết kiệm được khoảng 30 tỉ USD so với việc phát triển một ICBM mới.

Với những lập luận trên, rõ ràng đề xuất phát triển một ICBM mới đã bị khép lại. Trong khả năng ngân sách hiện tại, Không quân Mỹ sẽ không thể chế tạo một ICBM mới. Nhưng vấn đề đặt ra là khi nào cần phải tăng tuổi thọ cho tên lửa Minuteman và liệu tên lửa này có cần thiết nữa hay không?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại