Giấc mơ của Nga và mối lo của Mỹ

Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã chính thức xác nhận tuần dương hạm tên lửa mang máy bay thế hệ mới sẽ được trang bị động cơ hạt nhân. Trong khi đó, hải quân Mỹ đang tiến tới trang bị tàu sân bay hạt nhân thế hệ 3.

Để hiện thực kế hoạch trên, ngành công nghiệp đóng tàu Nga đang phải đối mặt với khối công việc lớn như: Phác thảo đề án, dựng thiết kế và chuẩn bị đóng mới lớp chiến hạm có lượng choán nước khổng lồ này. Đặc biệt là việc dự đoán xu hướng phát triển của hình thái chiến tranh trên biển tương lai để tàu sân bay mới có thể “bắt kịp thời đại”.

Theo các thông tin sơ bộ, Nga sẽ bắt đầu đóng hàng không mẫu hạm mới từ năm 2021, trong thời điểm đó, Mỹ sẽ tiếp nhận tàu sân bay thứ 3 lớp Gerald R. Ford.

Vẫn đang là giấc mơ

Liên quan tới kế hoạch đóng tàu sân bay hạt nhân mới, Tư lệnh hải quân Nga, Đô đốc Viktor Chirkov cho biết, tàu sân bay mới của lực lượng này phải có tính năng vượt trội so với các chiến hạm cùng loại vào thời điểm xuất hiện. “Công việc phát triển tàu sân bay tương lai cho hải quân vẫn đang được tiếp tục. Chịu trách nhiệm thực hiện dự án quan trọng này là các tổ hợp thiết kế hàng hải ở Saint- Petersburg. Kết quả của dự án thường xuyên được báo cáo lên Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng Nga”, ông V. Chirkov cho biết.

Được gọi là tàu sân bay, nhưng chiến hạm Admiral Kuznetsov được vũ trang không kém gì các tuần dương hạm tên lửa hạng nặng.

Từ các hình ảnh được công bố, tàu sân bay mới của Nga sẽ vẫn mang dáng dấp của học thuyết tàu sân bay thời Liên bang Xô viết là được vũ trang mạnh bằng tên lửa cả tấn công và phòng thủ; có khả năng hoạt động độc lập cao và chắc chắn sẽ mang được ít máy bay hơn so với tàu sân bay của Mỹ.

Điều này xuất phát từ thực tế, người Mỹ đã đi trước Nga rất nhiều trong lĩnh vực đóng mới và sử dụng tàu sân bay. Trong quá khứ, để bù đắp nhược điểm này, Nga đã tập trung phát triển đạn tên lửa hành trình tự dẫn tầm xa để đối phó và xu hướng phát triển tuần dương hạm tên lửa hạng nặng mang máy bay cũng nằm từ yêu cầu đó. Nga không coi tàu sân bay là đơn thuần là căn cứ nổi trên biển như Mỹ, mà nó phải đảm bảo khả năng tự bảo vệ, hoạt động độc lập khi cần. Các đơn vị máy bay trên hạm có nhiệm vụ chính là săn ngầm, phòng không hạm đội và cường kích hạn chế.

Tới thời điểm hiện tại, tàu sân bay tương lai của Nga vẫn mới dừng ở mức đề án và nó sẽ còn tiếp tục thay đổi cho tới lúc tàu được đóng mới dự kiến vào năm 2021. Trong giai đoạn 2021-2030, hải quân Nga sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và khả năng phối hợp hạm đội có sự tham gia của tàu sân bay mới.

Hình ảnh được cho là thiết kế của tàu sân bay tương lai trang bị cho hải quân Nga.

Tháng 12-2012, ông V. Chirkov tuyên bố: “Trong giai đoạn 2021-2030, tiềm năng hải quân của chúng ta sẽ được củng cố bằng việc tiếp nhận hàng loạt tàu sân bay thế hệ mới, tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm thế hệ thứ 4 và các lớp tàu chiến có khả năng hoạt động trên đại dương và gần bờ”.

Từ nay tới thời điểm đó, hải quân Nga vẫn chỉ sở hữu “tàu sân bay duy nhất” Admiral Kuznetsov chạy bằng động cơ diesel trong biên chế Hạm Đội Biển Bắc.

“Nước Mỹ luôn bận rộn”

Trong khi Nga đang loay hoay với đề án tàu sân bay thế hệ mới, thì Mỹ từ nền tảng sẵn có tập trung vào đóng mới và hoàn thiện 3 tàu sân bay thế hệ 3 đầu tiên lớp Gerald R. Ford (CVN-78, CVN-79, CVN -80). Chúng tiếp nối truyền thống sử dụng tàu sân bay từ trước tới nay của hải quân Mỹ là giành ưu thế trên không, trên biển tại nơi chúng hoạt động; thực hiện nhiệm vụ cường kích vào các cơ sở công nghiệp, chính trị quan trọng làm tê liệt hoạt động của đối phương; hỗ trợ lực lượng thủy quân lục chiến và nhiều nhiệm vụ khác. Sự khác biệt duy nhất ở các tàu sân bay lớp Gerald R. Ford so với thế hệ trước đó là việc chúng chở theo không quá 75 phương tiện bay có người lái, nhiệm vụ còn lại sẽ do các tổ hợp máy bay không người lái đa nhiệm hải quân thực hiện. Hãng Northrop Grumman đang hoàn thiện kế hoạch này từ nay tới năm 2020.

Hải quân Mỹ hiện có 10 tàu sân bay lớp Nimitz (CVN-68 - CVN-77) chạy bằng nhiên liệu hạt nhân, tiếp nhận trong giai đoạn 1975-2009. Nếu tính cả USS Enterprise (CVN-65) lớp Kitty Hawk thì hải quân Mỹ có 11 tàu.

Tàu sân bay CVN-77 George Bush.

Mỹ dự kiến sau khi CVN-77 George Bush hoàn tất, dự án đóng tàu sân bay lớp Nimitz sẽ chính thức chấm dứt để mở đường cho lớp tàu sân bay mới Gerald R. Ford. Theo kế hoạch, tàu sân bay CVN-78 Gerald R. Ford thuộc lớp cùng tên sẽ được chuyển giao cho hải quân Mỹ vào tháng 9-2015, nhưng do các vấn đề kỹ thuật, CVN-78 sẽ không thể xuất hiện đúng kế hoạch. Để đảm bảo tiến độ, Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ đang đệ trình Quốc hội dự thảo ngân sách bổ sung cho dự án loại bỏ CVN-65 và hoàn thiện CVN-78.

Được biết, toàn bộ các tàu sân bay của hải quân Mỹ đều được đóng tại nhà máy đóng tàu Newport News Shipbuilding, thuộc sở hữu của các công ty Huntington Ingalls Industries (HII) ở thành phố Newport News, bang Virginia. Đây là nơi duy nhất tại Mỹ có thể đóng mới và hoàn thiện các tàu sân bay cỡ lớn.

Vỡ kế hoạch vì chậm tiến độ và thiếu tiền

Mỹ bắt đầu thông qua kế hoạch đóng tàu sân bay lớp Gerald R. Ford đầu tiên CVN-78 năm 2008 và dự kiến hoàn thiện năm 2014 với tổng dự toán ngân sách là 12,8 tỷ USD. Tuy nhiên, do đồng USD trượt giá, trong năm tài khóa 2014, Hải quân Mỹ đã đề nghị Quốc hội bổ sung ngân sách cho dự án này 588 triệu USD và trong năm 2015 sẽ là 729 triệu USD.

Trong khi đó, kế hoạch đóng CVN-79 John F. Kennedy sẽ được thông qua trong năm 2013 và chuyển giao cho hải quân Mỹ vào năm 2020. Để chuẩn bị trước cho việc đóng mới CVN-79, nguồn dự toán tài chính đã được chuẩn bị từ giai đoạn 2007-2012 giá trị khoảng 11,3 tỷ USD. Còn CVN-80 Enterprise sẽ được đóng từ năm 2018 và hoàn thành năm 2025 với tổng mức kinh phí là 13,9 tỷ USD.

CVN-78 đang trong quá trình đóng mới.

Theo báo cáo của HII, tới cuối năm 2012, tổng khối lượng công việc của CVN-78 đã hoàn thiện 90%. Tiến độ đóng sẽ tiếp tục đẩy nhanh nhờ áp dụng công nghệ ghép module kiểu mới.

Hải quân Mỹ dự kiến tái cơ cấu bằng 306 chiến hạm mới các loại. Tốc độ “thay máu” các chiến hạm cũ trong 35 năm sẽ là 8,7 tàu/năm. Trong khi đó, tốc độ đóng tàu của Mỹ mới chỉ đạt 8,2 tàu/năm. Như vậy, hải quân Mỹ chắc chắn sẽ thiếu hụt tàu chiến hiện đại trong tương lai.

Ngoài ra, do yêu cầu giảm chi phí quốc phòng của Quốc hội, hải quân Mỹ trong giai đoạn 2013-2017 đã phải giảm số lượng chiến hạm đóng mới từ 57 tàu xuống 41 tàu (giảm 28%).

Từ các nguồn tin công khai, trong giai đoạn 2013-2017, hải quân Mỹ sẽ tiếp nhận 1 tàu sân bay CVN-78 Gerald R. Ford, 9 tàu ngầm nguyên tử tấn công lớp Virginia, 9 khu trục hạm lớp Arleigh Burke, 16 tàu LCS, một tàu đổ bộ cỡ lớn lớp LHA-6…. Do kế hoạch lớn, nên nguồn kinh phí cũng phải lớn theo và khó có thể chia sẻ cho nhau, nếu không có sự điều chỉnh chắc chắn quá trình đóng mới các tàu sân bay lớp Gerald R. Ford và khu trục hạm lớp Arleigh Burke sẽ vỡ kế hoạch.

Được thiết kế để thay thế lớp Nimitz, tàu sân bay lớp Gerald R. Ford được xem là tàu sân bay của thế kỷ 21. Công nghệ trên tàu sân bay lớp này thuộc loại mới nhất, tự động hóa cao, giúp tàu giảm số lượng nhân viên phục vụ so với lớp tàu Nimitz.

Tàu có hệ thống hạm tốc máy bay hạ cánh xuống tàu hiện đại hơn so với hệ thống hiện tại. Một cải tiến khác là máy bay sẽ được phóng đi bằng hệ thống đẩy điện từ (4 đường phóng), thay hệ thống máy phóng bằng hơi nước đang sử dụng. Ra-đa của tàu dùng loại hai băng tần (DBR) giống loại đang được trang bị cho lớp tàu chiến tàng hình hiện đại Zumwalt.

Tàu sân bay lớp Gerald R. Ford Dài 332,8m, rộng 40,8m và cao 78m. Lượng choán nước đạt 101.600 tấn và  kíp thủy thủ đoàn là 4.660 người.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại