Gepard 3.9 liệu có mang được cả Klub và Shtil-1/Redut?

Ly Vy |

Việc trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Klub và tên lửa phòng không Shtil-1/Redut cho Gepard 3.9 sẽ tạo ra một mẫu khinh hạm đa năng có uy lực vô cùng mạnh mẽ.

Gepard 3.9 là loại tàu chiến lớn và hiện đại nhất có trong trang bị của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến, mỗi cặp tàu Gepard được Việt Nam đặt đóng đều có một số thay đổi ở cấu hình vũ khí.

Cụ thể, cặp đầu tiên là tàu hộ vệ tên lửa trang bị tên lửa chống hạm Uran-E, cặp tàu thứ hai bổ sung tính năng chống ngầm và cặp tàu thứ ba có thể sẽ mang tên lửa Klub, cho phép mở rộng khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền.

Tuy nhiên, dễ nhận thấy rằng với 3 cấu hình như trên thì các tàu Gepard của Việt Nam vẫn thiếu năng lực phòng không tầm trung/xa.

Hiện nay, việc chống lại các mối nguy hiểm từ trên không của tàu Gepard phụ thuộc vào tổ hợp Palma cũng như 2 pháo bắn nhanh AK-630M, trong đó tên lửa Sosna-R của Palma chỉ tiêu diệt được các mục tiêu tầm ngắn và bay thấp.

Việc trang bị tên lửa phòng không tầm trung/xa cho Gepard 3.9 sẽ đáp ứng yêu cầu bảo vệ cho cả biên đội tàu chiến cũng như lập vùng phòng thủ xung quanh các cảng, đảo.


Mô hình tàu Gepard trang bị hệ thống Klub

Mô hình tàu Gepard trang bị hệ thống Klub

Hiện nay, nhà máy đóng tàu Zelenodolsk đã giới thiệu nhiều biến thể tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, trong đó có cấu hình thiên về phòng không được trang bị 12 tên lửa 9M317ME của hệ thống Shtil-1 cùng 2 module Palma.


Cấu hình tàu Gepard thiên về phòng không trang bị hệ thống Shtil-1

Cấu hình tàu Gepard thiên về phòng không trang bị hệ thống Shtil-1

Qua quan sát cấu hình trên, có thể thấy tên lửa 9M317ME được bố trí trong các ống phóng thẳng đứng nằm giữa pháo chính và phần thượng tầng.

Đây cũng là vị trí có thể lắp pháo AK-630M, module Palma hoặc 8 ống phóng thẳng đứng đa năng UKSK (dùng để phóng tên lửa Yakhont và Klub).

Tuy nhiên ở cặp tàu Gepard thứ ba, Việt Nam đã đề nghị Nga lắp đặt tên lửa Klub thay cho Uran-E và hiện tại hai nước đang tiếp tục đàm phán về vấn đề này.

Nếu chuyển sang cấu hình phòng không trang bị Shtil-1 hoặc xa hơn là hệ thống Redut mới của Nga thì tàu sẽ không mang được tên lửa Klub mà vẫn phải sử dụng Uran-E, do không gian phía trước thượng tầng bị giới hạn.

Vậy giải pháp nào có thể dung hòa được yêu cầu về một mẫu tàu Gepard với tên lửa chống hạm uy lực, cùng khả năng đánh đất, phòng không mạnh mẽ? Người Nga đã tự trả lời bằng tàu hộ tống lớp Tiger của mình.

Theo đó, sau khi đóng thành công đề án 20380 (1 chiếc duy nhất trang bị tên lửa Uran, hệ thống Kashtan cùng 2 pháo AK-630M) và đề án 20381 (thay module Kashtan bằng 12 ống phóng tên lửa của hệ thống Redut), các nhà thiết kế đã đưa ra mô hình đề án 20385.

Đây là biến thể được vũ trang rất mạnh, khi thay thế 8 tên lửa chống hạm Uran bằng 8 ống phóng thẳng đứng đa năng UKSK có thể sử dụng cho tên lửa Onix và Kalibr phía trước thượng tầng.


Mô hình tàu hộ tống thuộc đề án 20385

Mô hình tàu hộ tống thuộc đề án 20385

Các ống phóng thẳng đứng dành cho hệ thống phòng không Redut được chuyển về phía sau sàn đáp trực thăng, với cụm 8 ống phóng ở mỗi bên sàn đáp.


So sánh việc lắp đặt các ống phóng của hệ thống Redut (màu xanh lá) ở phiên bản 20381 (mô hình dưới) và 20385 (mô hình trên)

So sánh việc lắp đặt các ống phóng của hệ thống Redut (màu xanh lá) ở phiên bản 20381 (mô hình dưới) và 20385 (mô hình trên)


Vị trí lắp đặt các ống phóng của hệ thống phòng không Redut trên đề án 20385

Vị trí lắp đặt các ống phóng của hệ thống phòng không Redut trên đề án 20385

Giải pháp này của Nga đã giúp đảm bảo khả năng chống hạm, đánh đất, phòng không mạnh mẽ trên một con tàu 2.000 tấn (kích thước gần tương tự Gepard 3.9).

Bên cạnh đó, phương án này cũng tăng số lượng ống phóng tên lửa phòng không lên 16 ống (so với 12 ống ở đề án 20381).

Đây sẽ là giải pháp cần được xem xét nếu trong tương lai Việt Nam quyết định đặt mua thêm cấu hình phòng không của tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại