Mới đây, Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hong Kong) đã đưa ra những đánh giá về việc Trung Quốc sẽ được trang bị 4 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400, và cả nhận định Ấn Độ cũng như Việt Nam sắp có trong biên chế tổ hợp phòng thủ tối tân trên.
Cụ thể, Moskva và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận trong việc cung cấp 4 - 6 tiểu đoàn S-400 cho Quân đội Trung Quốc (PLA), nhưng thời điểm giao hàng vẫn chưa xác định, nhiều khả năng sẽ chính thức chuyển giao vào đầu năm 2017.
Sau khi PLA có được hệ thống tên lửa đánh chặn tinh vi này, tất nhiên S-400 sẽ được triển khai nhằm khống chế eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông, bao gồm các hoạt động của hạm đội Mỹ ở Đài Loan. Cũng có ý kiến cho rằng chúng sẽ được bố trí ở Biển Đông.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400
Truyền thông Trung Quốc cũng đồng thời đưa tin, sau khi bán S-400 cho Trung Quốc thì Nga cũng sẽ bán cho Ấn Độ và Việt Nam, hai quốc gia đang mong muốn sở hữu hệ thống phòng không tối tân này.
Họ cho rằng sau khi nhận S-400, Ấn Độ sẽ triển khai tại biên giới với Trung Quốc. Quân khu Thành Đô và các đơn vị máy bay chiến đấu đóng tại Tây Tạng sẽ phải đối mặt mối đe dọa nghiêm trọng.
Không những vậy, Nga còn có thể cung cấp 4 tiểu đoàn S-400 cho Quân đội Việt Nam, các hệ thống này sẽ bố trí ở Vịnh Bắc Bộ và dọc theo Biển Đông, giúp Việt Nam tung ra những đòn đáp trả tương xứng và gây áp lực lớn cho kẻ địch.
Tuy nhiên, một trang mạng khác của Trung Quốc là Guancha.cn lại đưa ra thông tin trái chiều rằng phía Nga từ chối bán S-400 cho Việt Nam. Cụ thể, họ cho biết:
"Ngày 22/8/2014, một phái đoàn quân sự Việt Nam cùng Đại sứ Việt Nam tại Nga đã gặp Thứ trưởng Quốc phòng Anton Karimov đề cập ý định mua các loại vũ khí: tên lửa phòng không S-400, tàu ngầm Amur, máy bay Su-35S, nhưng Nga đã khéo léo từ chối".
Xe mang phóng tự hành của hệ thống S-300PMU1 Việt Nam
Như vậy, ngay tại Trung Quốc đã xuất hiện hai luồng ý kiến khác nhau về việc Việt Nam có ý định đặt mua hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400.
Nhưng khi tham khảo nhiều hãng tin uy tín từ phía Nga như TASS, Sputnik hay Russia Today... thì đều không tồn tại thông tin tương tự.
Cần nhắc lại một điều, Phượng Hoàng là kênh truyền hình nổi tiếng "Diều hâu", thường xuyên tung ra những bình luận, nhận định mang nặng tính hằn thù dân tộc và kích động chạy đua vũ trang. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhiều trang mạng khác của Trung Quốc.
Do đó, có thể đi tới kết luận rằng việc Việt Nam đặt mua 4 tiểu đoàn S-400 hay Nga từ chối bán cho chúng ta tên lửa S-400, máy bay Su-35S... chỉ là "tin vịt" được truyền thông Trung Quốc tung ra nhằm phục vụ ý đồ của riêng họ.