Mỹ "nắn gân" ai?
Thông tin này được hãng RT dẫn nguồn tin Không quân Mỹ cho biết. Theo đó, vụ thử nghiệm được thực hiện sau khi Mỹ tiến hành nâng cấp loại vũ khí hủy diệt này.
Theo kế hoạch của Không quân Mỹ, gần 200 bom hạt nhân B61 được Mỹ đặt tại Bỉ, Hà Lan, Đức, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được lắp thêm vây đuôi mới.
Ngoài ra, phần lớn khoản tiền trên sẽ được đầu tư để nâng cao tuổi thọ bom hạt nhân B61, giúp giữ vững vai trò răn đe hạt nhân của Mỹ.
Theo Hans Kristensen, chuyên gia về vũ khí hạt nhân thuộc Liên đoàn các nhà khoa học hạt nhân: “Điều gì sẽ xảy ra khi châu Âu được trang bị những quả bom hạt nhân dẫn đường, đặc biệt là khi nó kết hợp với chiến đấu cơ tàng hình F-35 Lightning II?
Điều này có nghĩa bom hạt nhân sẽ trở nên chính xác và ít độc hại hơn bởi lượng nhiên liệu hạt nhân không cần quá nhiều khi quả bom có thể phá hủy chính xác mọi mục tiêu”. Nó cho phép bom hạt nhân trở thành vũ khí “có thể sử dụng”.
Dù Mỹ đưa ra lý do về cuộc thử nghiệm này là nhằm đánh giá hiệu quả sau nâng cấp, tuy nhiên vấn đề không đơn giản như vậy.
Theo nhận định của tạp chí The Diplomat (Nhật Bản), đây rõ ràng một cuộc thử nghiệm mang ẩn ý của Mỹ, đặc biệt nó lại diễn ra ngay sau khi Nga tuyên bố sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân để tự vệ.
Cụ thể, hôm 6/7, Mikhail Ulyanov, Vụ trưởng Vụ không phổ biến và kiểm soát vũ khí (Nga) cho biết: “Theo học thuyết của chúng tôi, Liên bang Nga, như trước đây, giữ quyền Nga sử dụng VKHN trong hai trường hợp:
Phản ứng với việc sử dụng VKHN hoặc các vũ khí hủy diệt chống lại Nga hoặc các đồng minh của Nga. Và trong trường hợp có hành vi xâm lược nước Nga bằng cách sử dụng vũ khí quy ước, khi sự tồn vong của nước Nga bị đe dọa”.
Hãng tin Interfax dẫn lời ông Ulyanov nói thêm: “Đó là những điều kiện thích đáng chỉ nhằm mục tiêu tự vệ. Chúng không hề đe dọa thế giới bên ngoài, và là một cảnh cáo đối với kẻ xâm lược tiềm năng, nếu có một thế lực xâm lược nào đó”.
Kẻ hủy diệt từ thời Chiến tranh Lạnh
B61 là loại vũ khí nhiệt hạch trong kho dự trữ dài hạn của Mỹ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Hiện nay loại vũ khí này vẫn đang trong trang bị chiến đấu của Mỹ.
Loại vũ khí nhiệt hạch này có thể được triển khai từ một chiếc máy bay siêu âm và được thiết kế để tạo ra 2 giai đoạn nổ bức xạ. Tuy nhiên, nó lại là một loại "bom trọng lực", điều này có nghĩa là nó sẽ rơi hoàn toàn phụ thuộc vào lực hút của trái đất và không thể điều khiển.
Loại bom này được thiết kế nhằm đề phòng nguy cơ quân đội Liên Xô áp đảo tại châu Âu, và được đưa vào không quân Mỹ từ những năm 1970. Nó có tổng cộng 5 phiên bản với sức công phá từ 0,3 đến 360 kT, tương đương 360.000 tấn thuốc nổ TNT.
Các thành phần bên trong bom B61.
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ đã tháo dỡ hàng nghìn loại vũ khí hạt nhân chiến thuật ở châu Âu, nhưng vẫn giữ lại khoảng 180 quả bom B61 ở các căn cứ quân sự tại Đức, Bỉ, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bom B61 được thiết kế để các máy bay có tốc độ cao có thể vận chuyển và ném bom. B61 có vỏ thuôn, phù hợp với việc bay ở tốc độ siêu thanh.
Loại bom này có chiều dài 3,58 m và đường kính là 33 cm. Trọng lượng chuẩn của bom vào khoảng 320 kg (700 lb), mặc dù trọng lượng cụ thể của từng quả có thể thay đổi tùy thuộc vào loại ngòi.
Mẫu mới nhất B61 Mod 11 là loại bom xuyên các vật cứng được thả từ độ cao rất lớn, có vỏ bền (theo một số nguồn, vỏ của bom có chứa uranium nghèo) và một ngòi giữ chậm cho phép nó xuyên sâu vào trong lòng đất 6 mét mới phát nổ.
Bom B61 Mod 11 có khối lượng 540 kg. Được triển khai từ năm 1994, bom B61 Mod 11 đã được đưa vào trang bị từ năm 1997 thay thế cho loại bom B53.
Khoảng 50 quả B61 Mod 11 đã được chế tạo, phần chiến đấu của bom được cải tiến từ các bom B61 Mod 7. Hiện nay, loại máy bay chính sử dụng cho việc chở bom B61 Mod 11 là B-2 Spirit.
Hầu hết các bom B61 có trang bị dù để giữ chậm và ổn định cho bom, để thuận lợi cho máy bay ném bom có thời gian thoát khỏi ảnh hưởng từ vụ nổ (cũng để tạo cho bom còn giữ được nguyên vẹn do va chạm mạnh với mặt đất trước khi nổ).
Mỹ thử nghiệm bom hạt nhân B61