Đòn đánh phủ đầu kinh hoàng nhấn chìm Iraq

Đại tá Trần Danh Bảng |

Rạng sáng 17/1/1991, khi máy bay F-117 của Mỹ thả trái bom GBU-27 đầu tiên, đã mở màn chiến dịch "Bão táp Sa mạc", thủ đô Bagdad của Iraq, đất nước có lá cờ mảnh trăng lưỡi liềm.

LTS: Các cuộc chiến tranh lớn gần đây do Mỹ - NATO khởi xướng thường bắt đầu bằng đòn tập kích đường không ồ ạt khiến cho đối phương "tối tăm mặt mũi" không thể chống đỡ hiệu quả.

Trong bối cảnh Nga, Mỹ - NATO và nhất là Pháp đẩy mạnh không kích tiêu diệt nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thì bài học chống trả tiến công đường không của Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh Pec-xích còn rất thời sự, dù đã qua 1 phần tư thế kỷ.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 2 bài viết của Đại tá Trần Danh Bảng về vấn đề này và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm quý cho lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam.

 

KỲ 1: ĐÒN ĐÁNH PHỦ ĐẦU KINH HOÀNG NHẤN CHÌM IRAQ: "BÃO TÁP SA MẠC"

Những tiếng nổ xé trời liên tiếp, khói đen và lửa đỏ trùm lên khắp các mục tiêu quân sự, dân sự trọng yếu. Chừng 15 phút sau, Nhà Trắng tuyên bố chiến dịch “Bão táp sa mạc" (Operation Desert Storm) bắt đầu!

Thực chất, đằng sau cuộc chiến không phải là nhà nước khủng bố hay sản xuất vũ khí hủy diệt như Mỹ tuyên bố, mà là nguồn dầu lửa dồi dào hàng đầu thế giới của nước vùng Vịnh này.

 
Đại tá trần danh bảng
 

Việc quy kết rằng Iraq có vũ khí huỷ diệt, bất chấp thực tế nước này đã tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong khi không đưa ra được bằng chứng xác đáng càng chứng tỏ Mỹ chỉ muốn tìm cớ gây chiến.

Thế là từ giờ phút này, bão lửa đã nhấn chìm Iraq, cho dù tới tháng 4 năm 2003, Bagdad mới thất thủ hoàn toàn.

Chiến tranh được chuẩn bị rất công phu, tốn kém

Trước ngày “nổ súng” tấn công đường không ồ ạt, lực lượng vệ tinh quân sự với 35 thiết bị trinh sát đã, “bừa nát” đất nước này, nắm chắc tình hình quân sự, lường trước khả năng đánh trả của Iraq.

Không phải ai cũng biết, gần căn cứ không quân Nellis (Nevada, Hoa Kỳ), tướng Colin Powell, Tư lệnh chiến tranh vùng Vịnh trước đó nhiều tháng đã cho thực hiện một loạt các bài tập, mô phỏng địa hình Iraq, buộc phi công của Mỹ hiệp đồng trơn tru, thành thục.


Ảnh chụp từ trên không các phương tiện tăng - thiết giáp Iraq bị tiêu diệt trên đường số 8, tháng 3/1991.

Ảnh chụp từ trên không các phương tiện tăng - thiết giáp Iraq bị tiêu diệt trên đường số 8, tháng 3/1991.

Trong lịch sử, chưa bao giờ có cuộc tập kích đường không quy mô lớn như tháng 1 năm 1991 chống Iraq. Không quân liên quân (gồm hầu hết các phi công Mỹ) tiến hành tổng cộng 109.876 phi vụ trong 43 ngày, trung bình 2.555 phi vụ mỗi ngày.

Mục tiêu là hệ thống sân bay, hệ thống phòng không, năng lượng điện, kho vũ khí sinh học và hóa học, trụ sở chính, cơ quan truyền thông, quân đội Iraq, và các nhà máy lọc dầu, trung tâm phát dẫn, phân phối điện….

Mỹ mang đến 1.800 máy bay các loại, ném 82.000 tấn bom, đạn, trong đó có 26.000 tấn vũ khí điều khiển chính xác (vũ khí kỹ thuật cao chiếm tới 34%).

Mỹ và liên quân sử dụng mọi máy bay chiến đấu hiện đại nhất. Nhiều loại chưa từng xuất hiện trước đó như Tornado (Anh), F-15, F-16, A-10 của nhiều nước và F-117 (loại máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên của Mỹ).

EC-130, EC-135 là máy bay chuyên tác chiến điện tử cũng có mặt, tấn công các vị trí phòng không, tạo hành lang cho máy bay khác đột nhập sâu vào lãnh thổ Iraq. Tham gia còn có cùng 1.500 trực thăng các loại.

Về hải quân, Mỹ huy động 42 tàu chiến (29% lực lượng), 31 tàu đổ bộ (50%) và 6 tàu sân bay (43%). Lần đầu tiên, tàu chiến Mỹ được dùng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk (cả tàu nổi lẫn tàu ngầm).

Riêng 6 tàu sân bay ở vùng Vịnh đã có số máy bay chiến đấu nhiều gấp rưỡi so với Iraq. Các loại bom khác gồm bom chùm và những quả bom BLU-82 nặng 15.000 pao có thể phá huỷ mọi vật trong bán kính hàng trăm mét.


Mỹ và liên quân ngay từ đầu đã làm chủ bầu trời, làm mềm chiến trường để Lục quân dễ dàng làm nốt phần việc còn lại tại Iraq.

Mỹ và liên quân ngay từ đầu đã làm chủ bầu trời, làm "mềm chiến trường" để Lục quân dễ dàng làm nốt phần việc còn lại tại Iraq.

Vũ khí dẫn đường chính xác (PGMs), công nghệ cao.

Trong bài viết này, không đủ dung lượng nói về chiến dịch trên bộ, chỉ xin nêu và phân tích về thủ đoạn tập kích đường không của Mỹ và liên quân.

Chủ trương của Mỹ, sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác (PGMs), công nghệ cao, vũ khí uy lực lớn, lực lượng áp đảo, để giành tối đa thắng lợi và giảm thiểu thương vong. Thực tế bên tấn công giảm 90% thương vong. Tính trung bình, tỷ lệ diệt mục tiêu có lúc lên tới 80%.

Người ta ước tính rằng trong chiến dịch, không lực đã phá hủy hơn 400 máy bay Iraq. Mỹ và liên quân tận dụng ưu thế về vũ khí, trang bị công nghệ cao (CNC) chiếm 8%, trong khi so với chiến tranh Nam Tư là 90%, Apghanistan 56% và chiến tranh Iraq (2003) là 69%.

Đó là các tên lửa đa cảm biến, bom thông minh gắn thiết bị chuyển hướng và đầu tự dẫn theo tọa độ GPS hoặc dẫn đường quán tính.

Trong ngày đầu tiến công Iraq, Mỹ đã phóng 500 tên lửa chống radar HARM. Liên quân và Mỹ đã sử dụng 1.000 tên lửa hành trình (trong đó có 800 tên lửa Tomahawk). Tính ra có đến 70% số bom đạn có điều khiển chính xác.

Đặc biệt là tác chiến điện tử và công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi đã tạo ra sự vượt trội về khả năng trinh sát, gây nhiễu điện tử, chế áp hệ thống thông tin chỉ huy và hệ thống phòng không của đối phương.

Tổ chức chỉ huy được tự động hóa cao, bảo đảm cho công tác chỉ huy diễn ra thuận lợi, nhanh chóng từ chỉ huy toàn mặt trận đến các phân đội.

Đánh vào các mục tiêu tối quan trọng, Mỹ và liên quân dùng các máy bay ném bom F-117, B-2 thực hiện đánh trúng các Sở chỉ huy, trung tâm truyền tin, trung tâm điện lực quốc gia, các hầm ngầm boong ke kiên cố, họ gọi đó là kiểu tác chiến “phẫu thuật ngoại khoa”.

Các máy bay tương đối cũ F-111, F-4, A-6, B-52... cũng đã được hiện đại hóa sâu vào những năm 1980.

Các radar dẫn vũ khí mới nay được trang bị thêm các sensor đa cảm biến, như hồng ngoại, quang truyền hình,(TV) và laser, nâng khả năng hoạt động cho máy bay cả ngày lẫn đêm, trong điều kiện bị gây nhiễu.

Các khí tài tấn công trang bị rộng rãi các hệ thống chiến tranh điện tử và mang các vũ khí công nghệ cao, uy lực lớn, xác xuất trúng đích đạt tới 80%.


Biên đội các máy bay tiêm kích F-15C, F-15E và F-16A của Liên quân bay trên những giếng dầu đã bị phá hủy của Iraq.

Biên đội các máy bay tiêm kích F-15C, F-15E và F-16A của Liên quân bay trên những giếng dầu đã bị phá hủy của Iraq.

Làm mềm đối phương trước khi bộ binh tiến công

Đơn cử như Mỹ sử dụng máy bay F-117 mang bom thông minh GBU-27 để phá trúng mục tiêu cứng như nhà chờ máy bay, kho nhiên liệu, và các mục tiêu chiến lược khác ở Baghdad.

F-111 và F-15E sử dụng bom GBU-24 (bom thông minh) để tiêu diệt các kho được coi là kho vũ khí hóa, sinh học, các cầu, hầm tránh máy bay và các mục tiêu chiến lược khác. F-117 kết hợp công nghệ tàng hình tiến công chính xác.

Số F-117 chỉ chiếm 2,5% trong những ngày đầu tiên, nhưng đảm nhiệm bắn phá 31% mục tiêu. Nó bay gần 1.300 phi vụ chiến đấu, ném hơn 2.000 tấn bom, qua 6.900 giờ đã chứng minh độ chính xác chưa từng có trong lịch sử tác chiến tiến công đường không.

48 máy bay chiến đấu đa chức năng F-15E đã được triển khai tới vùng Vịnh, chuyên "săn bắt" tên lửa Scud vào ban đêm.

Máy bay mới F-16 Fighting Falcon chứng tỏ nền tảng đa năng có thể tấn công các mục tiêu ngày hay đêm trong cả thời tiết tốt hay xấu. Có tất cả 249 chiếc F-16 đã được triển khai.

Hơn 4.000 phi vụ, giành cho riêng cho 84 chiếc máy bay F-111, hiệu suất bay đạt hơn 85%. Các máy bay đều sử dụng tên lửa AIM-7 / AIM-9 AIM-7 là một vũ khí hiệu quả trong không-đối-không…

Tất cả phục vụ không kích "làm mềm đối phương" trước khi bộ binh cơ giới xung trận.

Đánh từ xa

Đa số các phi vụ tấn công xuất phát từ Arab Saudi và 6 nhóm tàu sân bay của liên quân ở Vịnh Péc-xích. 14 máy bay ném bom chiến lược B-52H, đóng quân tại căn cứ không quân AVB (Vương quốc Anh).

B-52 đã bay 1.624 phi vụ. Mặc dù trên 30 tuổi, B-52 đã ném 38% lượng bom trong chiến dịch (tương đương 25.700 tấn).

Máy bay ném bom chiến lược B-2A (AVB Whiteman, Missouri) chốt tận ở căn cứ Diego Garcia (Ấn Độ Dương) xuất kích từ cự ly xa hàng ngàn ki-lo-mét vào đánh phá.

Hướng biển, tên lửa hành trình "Tomahawk" đã được hải quân Mỹ và liên quân phóng đi từ tàu chiến ở vùng "Vịnh Ba Tư" từ cách xa mục tiêu 1.100 km…

Với thủ đoạn: “chiến tranh từ xa”, với ưu thế áp đảo về tác chiến điện tử và các loại vũ khí công nghệ cao, các nước đồng minh đứng đầu là Mỹ đã khiến đội quân Iraq suy sụp ý chí nhanh chóng thông qua cách đánh nhanh, liên tục, kéo dài, cường độ cao.

Bịt mắt hệ thống radar, diệt tên lửa SAM từ đầu

Đầu tiên phương tiện trinh sát xác định các loại và các thông số tọa độ của radar của Iraq, chuyển về  trụ sở số 9, không quân Mỹ, nơi phân tích và tạo ra một ngân hàng dữ liệu đồ sộ, theo thời gian thực.

Các cuộc không kích lớn kèm theo gây nhiễu đối phương triệt các phương tiện vô tuyến điện tử và hủy diệt chúng bằng tên lửa chống radar HARM (thế hệ tiên tiến hơn loại Sơ-rai dùng trong chiến tranh Việt Nam).

Chúng chế áp các dải tần số từ 70 MHz đến 18 GHz, là dải bao trùm lên hệ thống radar phòng không của Iraq.

Chỉ huy trên không là máy bay AWACS E-3 và E-2 "Hawkeye". Các máy bay EW đầu tiên này đã đến biên giới của Saudi Arabia, Iraq và Kuwait và từ các khu vực được lựa chọn trước.

Máy bay EF-111A và EA-6B, EU-130H vẫn ở trong khu vực tiếp tục gây nhiễu chế áp đài phát thanh, đài truyền tin.

Các phi công của lực lượng đa quốc gia không cần bay ở độ cao dưới 1.300 m, tránh hỏa lực pháo phòng không.

Theo một số chuyên gia nước ngoài, cùng với hệ thống không quân đánh chặn và tên lửa SAM, Iraq đã được trang bị 4.000 súng phòng không tự hành (ZSU-23-4 Shilka và ZSU-57-2).


Một máy bay F-16 của Mỹ bị lực lượng phòng không Iraq bắn hạ.

Một máy bay F-16 của Mỹ bị lực lượng phòng không Iraq bắn hạ.

Thông thường mỗi lần oanh tạc sân bay, Mỹ còn dùng khoảng 20 máy bay F111, mỗi máy bay mang 4 bom có điều khiển, mỗi tốp bay vào ném bom mục tiêu 2 lần tiêu diệt khoảng 80% mục tiêu.

Sau đó Mỹ và liên quân dùng các tốp B-52 ném bom trải thảm, cùng các máy bay tiêm kích-bom đánh phá xuống các đường băng vô hiệu hóa hầu hết sân bay Iraq.

Mỹ và liên quân đã tiêu diệt máy bay của Iraq trong 23 hầm ngầm làm bằng bê tông cốt thép tại một căn cứ ở gần Bagdad. Từ đây 122 máy bay khác đã vội bay tới Iran, sau đó không thể cất cánh được nữa.

Tiếp đó, 400 máy bay chiến đấu của Mỹ, Anh, Ả Rập Saudi và Kuwait đã đánh trúng các đầu mối thông tin, căn cứ không quân, trận địa tên lửa, "các nhà máy nguyên tử và hóa học", các tòa nhà của chính phủ và các trận địa tên lửa tại khu vực phía tây Iraq.

Hầu hết các mục tiêu quan trọng đã bị vô hiệu hóa hoặc bị phá hủy trong đợt tấn công đường không đầu tiên.

Trong chiến dịch không tập này, Mỹ và liên quân đã sử dụng trên 20 loại máy bay của 44 đời khác nhau cùng 35 vệ tinh. Để tạo bất ngờ, phần lớn các cuộc tiến công đường không được mở đầu vào ban đêm.

Đêm 17-01-1991, Mỹ và đồng minh đồng loạt tiến công tổng số 40 mục tiêu của Iraq.

Máy bay không người lái (UAV) trinh sát, máy bay tàng hình đã được sử dụng nhiều trong giai đoạn đầu tiên này.

Chúng được tung vào ồ ạt nhằm tránh các hệ thống tên lửa đất đối không SAM dày đặc của Iraq; khi đã phá hủy xong những hệ thống đó, các kiểu máy bay "cửu vạn" khác như A-10A tới oanh kích với mật độ cao hơn, an toàn hơn.

Ngay từ đầu cuộc chiến, Mỹ và các nước đồng minh đã làm cho toàn bộ hệ thống truyền thông, thông tin, radar, các lực lượng phòng không, không quân của Iraq hầu như bị tê liệt, không có thời gian củng cố và tổ chức đánh trả.

Hiệu quả của chiến dịch không quân đã diệt 10% lực lượng quân sự Iraq.

Giai đoạn thứ ba và là lớn nhất của chiến dịch không quân nhắm tới các mục tiêu quân sự trên khắp Iraq và Kuwait: các bệ phóng tên lửa Scud, các địa điểm vũ khí hủy diệt hàng loạt, những cơ sở nghiên cứu vũ khí và các lực lượng hải quân.

Khoảng một phần ba không lực được dành riêng để tấn công các bệ phóng tên lửa (dù cho Scud rất khó tìm kiếm).

Rồi các nhà máy điện trên toàn Iraq bị phá huỷ. Tới cuối cuộc chiến, việc sản xuất điện chỉ còn đạt mức 4% so với trước chiến tranh. Bom đã phá hủy tất cả các đập chính.

Chiến dịch này đã ngăn chặn một cách có hiệu quả việc tiếp tế của Iraq cho những đơn vị đồn trú chiến đấu phía trước, khiến số quân đông đảo (450.000) người không thể ứng cứu cho nhau. Đây là nhân tố căn bản dẫn đến kết quả đánh thắng Iraq.

Kết cục Mỹ và đồng minh đã dùng hỏa lực phá hủy 95% số bệ phóng tên lửa, pháo phòng không và radar báo động sớm, 4.000 xe tăng, thiết giáp, 87 máy bay, 2.000 khẩu pháo và tiêu diệt 60.000 quân.

Mở đầu bằng chiến dịch then chốt ở trên không, chỉ trong 2 tháng, các lực lượng Mỹ và đồng minh đã gây thiệt hại nặng nề cho quân đội và đất nước Iraq. Ngày 24/02/1991, lúc 4 giờ sáng, liên quân vượt qua biên giới vào Iraq bằng bộ binh cơ giới.

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại