Điều gì xảy ra nếu Mỹ chọn AR-18 thay cho AR-15?

Quốc Việt |

Nếu Bộ Quốc phòng Mỹ chọn AR-18 thay cho AR-15/M16, họ có thể đã sở hữu một súng trường tiến công không thua kém nhiều so với AK-47.

Đặc tính kỹ chiến thuật của súng trường tiến công AR-15/M16 là một chủ đề gây tranh cãi trong giới chức quân đội Mỹ. Hơn 40 năm qua, mẫu súng này vấp phải rất nhiều chỉ trích từ binh lính cũng như các chuyên gia quân sự. Kẹt đạn là một trong những nhược điểm cố hữu của M16.

Trong thời gian M16 được chọn với vai trò súng trường tiến công tiêu chuẩn cho quân đội Mỹ đã xuất hiện một thiết kế khác tối ưu hơn là AR-18.

Mẫu súng này cũng là một sản phẩm của Armalite, trước đó hãng này đã bán thiết kế AR-15 cho hãng Colt và sau một vài sửa đổi, AR-15 chính thức được thông qua với tên gọi M16.

Mẫu súng khắc phục được nhược điểm của M16

Sau khi bán thiết kế AR-15 cho hãng Colt vì khó khăn kinh tế, Armalite đã lên kế hoạch phát triển một mẫu súng trường tiến công khác nhằm duy trì chỗ đứng của mình trên thị trường vũ khí Mỹ cũng như thế giới.

Mẫu súng mới do nhà 2 thiết kế George Sullivan và Arthur Millerand phát minh vào năm 1963 với mục đích dành cho thị trường quân sự Mỹ cũng như quốc tế.

Khẩu súng mới được định danh là AR-18, nó ra đời để cạnh tranh với AR-15 đã bán thiết kế cho hãng Colt. Điểm khác lạ của AR-18 là nhà thiết kế đưa ra giải pháp sản xuất khá đơn giản, có chi phí thấp khi so với M16.

Các bộ phận bên trong của AR-18

AR-18 hoạt động theo nguyên tắc trích khí với piston ngắn, bệ khóa nòng hình vuông được cố định bên trong buồng đạn bằng 2 thanh dẫn. Mỗi thanh dẫn có lò xo của riêng mình, cả hai đều được cố định vào một tấm thép nhỏ ở cuối buồng đạn.

Quá trình tháo-lắp thanh dẫn, bệ khóa nòng khá đơn giản, khóa nòng của AR-18 có 7 mấu tương tự như trên AR-15.

Buồng đạn của AR-18 được gia công bằng thép dập tương tự như AKM. Các bộ phận của nó có độ dung sai khá lớn.

Việc sử dụng công nghệ gia công thép dập khiến AR-18 khó thích nghi với công nghệ gia công tiện, phay, hàn và dán tem vẫn còn khá phổ biến ở các nước phương Tây những năm 1960.

AR-18 có thể cấp phép sản xuất ở những quốc gia không có nhiều máy móc công cụ tiên tiến để giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài. Hãng Armalite đã cố gắng hướng AR-18 theo con đường của AK-47.

Bản vẽ cơ cấu trích khí của AR-18 đã được cấp bằng sáng chế vào  năm 1968
Bản vẽ cơ cấu trích khí của AR-18 đã được cấp bằng sáng chế vào năm 1968

Giải pháp thiết kế sử dụng piston ngắn thay cho kiểu trích khí trực tiếp đã khắc phục được nhược điểm hay kẹt đạn của M16 khi luồng khí nóng chứa đầy muội thuốc phóng thổi trực tiếp vào buồng đạn được xem là một thảm họa mà đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để.

Ngoài sự khác biệt về cơ cấu trích khí, hình dáng bên ngoài của AR-18 khá giống M16, trừ việc loại bỏ tay xách kiêm thước ngắm.

Một điểm cải tiến tiện lợi hơn so với M16 là báng súng AR-18 có thể gập lại và mở ra một cách dễ dàng, khóa an toàn kiêm chọn chế độ bắn bố trí cả hai bên.

AR-18 sử dụng loại đạn 5,56 x 45 mm tương tự như M16 với hộp tiếp đạn 20 hoặc 30 viên, súng có thể bắn phát một hoặc liên thanh với tầm bắn hiệu quả khoảng 500 mét.

AR-18 có chiều dài tổng thể 940 mm khi mở báng hoặc 738 mm khi gập báng, nòng súng dài 464 mm, trọng lượng rỗng 3,09 kg.

Số phận hẩm hiu

AR-18 thực sự là một thiết kế thành công về mặt kỹ thuật, có nhiều điểm vượt trội so với M16. Tuy nhiên, mẫu thiết kế này lại không nhận được sự quan tâm của giới chức Mỹ.

Mặc dù quân đội Mỹ, Anh đã từng đánh giá khẩu súng này vào năm 1964 và 1966, nhưng thật không may trong quá trình thử nghiệm AR-18 đã gặp phải một số trục trặc kỹ thuật nhỏ.

Mặt khác, lúc đó quân đội Mỹ cho rằng không thực sự cần thiết phải có thêm một mẫu súng trường tiến công 5,56 mm khác. Hơn nữa, những nhược điểm chết người của M16 vẫn chưa bộc lộ một cách đầy đủ.

Nếu quân đội Mỹ chọn AR-18 họ đã có một dòng súng trường thành công hơn M16

Nếu quân đội Mỹ chọn AR-18 họ đã có một súng trường tiến công thành công hơn M16

Năm 1970, Armalite bán giấy phép sản xuất AR-18 cho công ty HOWA của Nhật Bản. Năm 1983, hãng này lại bán giấy phép cho công ty vũ khí Sterling của Anh. Tuy nhiên số lượng chế tạo tại những quốc gia này tương đối hạn chế.

AR-18 chủ yếu sử dụng nhỏ lẻ trong các đơn vị thực thi pháp luật, nó chưa bao giờ được chấp nhận như là súng trường tiến công tiêu chuẩn cho bất kỳ quân đội nào.

Mặc dù, AR-18 không thành công về mặt thương mại song nó lại là cơ sở để phát triển nhiều loại súng trường khác.

Súng trường tiến công SAR-80 của Singapore được phát triển dựa trên AR-18 với sự giúp đỡ của nhà thiết kế George Sullivan (người thiết kế chính AR-18).

Ngoài ra khẩu súng trường tiến công Heckler & Koch G-36 của Đức có rất nhiều điểm giống với AR-18 ở các bộ phận bên trong.

Nếu ngày đó, quân đội Mỹ đánh giá AR-18 một cách nghiêm túc và sớm nhận thấy nhược điểm của kiểu trích khí trực tiếp trên M16 thì có lẽ họ đã có một mẫu súng thành công hơn.

Giới chức quân đội Mỹ đã ruồng bỏ kiểu trích khí sử dụng piston ngắn của AR-18. Trớ trêu thay, sau này họ lại sử dụng kiểu trích khí này trên biến thể M4A1. Từ đó, nhược điểm kẹt đạn của dòng M16 mới được khắc phục đáng kể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại