Để mãi xứng đáng “Bộ đội danh dự Lăng Bác Hồ”

Đại tá Cao Đình Kiếm - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh |

Năm 1975, để chuẩn bị cho nhiệm vụ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức đón tiếp, hướng dẫn đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã giao cho Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu, đề xuất phương án tổ chức Lực lượng bảo vệ Lăng, với nhiều bộ phận theo các chuyên môn khác nhau, trong đó có lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh và thực hiện nghi lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo đó, Lữ đoàn 144, thuộc Bộ Tổng tham mưu được giao, thành lập một tiểu đoàn có phiên hiệu 275 (tháng 2-1975), đó chính là tiền thân của Đoàn Tiêu binh danh dự, có phiên hiệu là Đoàn 275 thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay.

Đại tá Cao Đình Kiếm, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại tá Cao Đình Kiếm, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trải qua 40 năm ra đời, xây dựng và trưởng thành, Đoàn 275 đã thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, không ngừng được bổ sung, hoàn thiện về tổ chức biên chế, có đủ số lượng quân số, vũ khí trang bị, chất lượng ngày càng được nâng lên, đủ sức hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng nên hình ảnh người chiến sĩ tiêu binh danh dự bên Lăng Bác, với danh hiệu “Bộ đội Lăng Bác Hồ”, một biểu tượng cụ thể, tốt đẹp của danh hiệu “Anh Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn hiện nay, để: Bảo đảm an ninh, SSCĐ bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công trình Lăng, các công trình khác có liên quan; bảo đảm an ninh, an toàn, chu đáo cho đồng bào, khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thực hiện nghi lễ quân đội, quốc gia tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, như: Gác tiêu binh danh dự cửa Lăng, tiêu binh danh dự khiêng hoa lễ viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, thực hiện lễ chào cờ hằng ngày trước Lăng Bác.

Thực hiện nhiệm vụ, chức năng cơ bản đó, yêu cầu vừa phải bảo đảm tính trang nghiêm theo nghi lễ quốc gia, nghi lễ quân đội, thể hiện lòng trung thành, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, vừa phải bảo đảm an toàn, an ninh tuyệt đối cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công trình Lăng và các khu vực có liên quan, bảo vệ an toàn nhân dân và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa thể hiện sự tận tình chu đáo, hiếu khách của dân tộc Việt Nam, của Bác Hồ vĩ đại.

Chuẩn bị thực hiện nghi lễ Chào cờ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chuẩn bị thực hiện nghi lễ Chào cờ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong tình hình an ninh chính trị của khu vực và thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp; tình hình trật tự, an toàn xã hội của đất nước chưa thật ổn định, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi, nhất là âm mưu thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nơi tập trung đông người, rất nhạy cảm về chính trị, là trọng điểm các thế lực thù địch, bất mãn chính trị lợi dụng phá hoại.

Trong 40 năm qua, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng, Nhà nước, mà thường xuyên, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự tạo điều kiện hiệp đồng, giúp đỡ tận tình của các bộ, ban ngành Trung ương, của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, tạo điều kiện to lớn để đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ an ninh nghi lễ, nhiệm vụ đón tiếp tuyên truyền; đã đón tiếp chu đáo, an toàn gần 50 triệu lượt khách, trong đó có hơn 7 triệu khách nước ngoài đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo nên tình cảm, ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân và khách quốc tế, góp phần phát huy, làm tỏa sáng hình ảnh “Anh Bộ đội Cụ Hồ” bên Lăng Bác.

Chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn luyện điều lệnh đội ngũ.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công trình Lăng và các khu vực có liên quan, bảo đảm an toàn cho nhân dân và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là nâng cao chất lượng nhiệm vụ nghi lễ tại Lăng, cần phải thực hiện tốt và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyển chọn, huấn luyện, giáo dục chính trị cho các đối tượng được tuyển chọn về công tác tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là chiến sĩ tiêu binh danh dự, cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là, phải tuyển chọn những người có đủ tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn về chính trị, những thanh niên (công dân) nhập ngũ về Lăng, cũng như cán bộ, công nhân viên ở các cơ quan đơn vị khác trong và ngoài quân đội, khi được xem xét, tuyển chọn về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh công tác, phải có đủ tiêu chuẩn chính trị theo quy định tuyển chọn người vào công tác trong các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ cơ mật, trọng yếu, với yêu cầu lịch sử chính trị gia đình và bản thân phải cơ bản, rõ ràng, không có quan hệ chính trị phức tạp, chấp hành tốt pháp luật, các chế độ quy định của Nhà nước, địa phương; có lịch sử nhân thân tốt, có phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, tác phong lối sống tốt, lành mạnh…

Tiêu chuẩn về sức khỏe, thể lực, quân dung, những người được tuyển chọn, nhất là những thanh niên nhập ngũ về thực hiện nhiệm vụ tiêu binh danh dự, phải là những người có đủ sức khỏe theo quy định của thông tư liên Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, thường là sức khỏe loại 1, loại 2 theo kết luận của Hội đồng khám tuyển nghĩa vụ quân sự cấp huyện (quận), các cơ sở y tế có đủ thẩm quyền theo quy định xác nhận, có thể lực cân đối, chiều cao từ 1,75m trở lên, quân dung đẹp không có dị hình, dị tật…

Hai là, về huấn luyện, thời gian huấn luyện, nội dung, chương trình huấn luyện chiến sĩ mới theo đúng quy định của Bộ Tổng tham mưu, chỉ khác trong thời gian huấn luyện, đơn vị phải kết hợp tăng cường rèn luyện thể lực, các động tác điều lệnh đội ngũ cơ bản tay không và có súng theo yêu cầu nhiệm vụ tiêu binh danh dự, theo phương pháp tăng dần cường độ, độ khó để rèn luyện động tác cơ bản, sức chịu đựng, dẻo dai, bền bỉ, kết hợp với thể dục, thể thao, trò chơi quân sự vui chơi, giải trí, ví dụ như chạy dài, hành quân mang vác nặng, đứng nghiêm, tăng dần thời gian, cân nặng, độ khó…

Kết thúc giai đoạn huấn luyện chiến sĩ mới theo quy định, đơn vị tiếp tục tổ chức sàng lọc lựa chọn một lần nữa, những đồng chí có động tác điều lệnh cá nhân chuẩn, tốt, tiếp tục tham gia nội dung huấn luyện chuyên sâu về nghiệp vụ tiêu binh danh dự tại Lăng, gồm tiêu binh danh dự, nghi lễ chào cờ trước Lăng, … với yêu cầu cao, phải thuần thục chuẩn mực động tác cá nhân, động tác phối hợp hiệp đồng tập thể đều, đẹp trong thực hiện nhiệm vụ, thời gian từ 1 đến 1 tháng rưỡi, mới được thực hiện nhiệm vụ tiêu binh cửa Lăng và nhất là khối nghi lễ chào cờ hằng ngày trước Lăng Bác.

Ba là, về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng niềm vinh dự, tự hào, ý trí trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ tiêu binh danh dự.

Thực hiện nhiệm vụ tiêu binh danh dự tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một vinh dự lớn lao, niềm ao ước của nhiều thanh niên, nhưng không phải thanh niên nào cũng được tuyển chọn, cũng đáp ứng đầy đủ được các tiêu chuẩn, điều kiện quy định cao, bắt buộc trên, nhưng mặt khác thực hiện nhiệm vụ tiêu binh danh dự bên Lăng Bác yêu cầu thực hiện động tác điều lệnh phải chuẩn mực, mạnh khỏe, đều đẹp, vừa khó, vừa gò bó vất vả, lặp đi, lặp lại hằng ngày dễ gây nản chí; ngoài ra trong thực hiện nhiệm vụ còn phải chịu đựng điều kiện môi trường thời tiết nắng nóng, mưa rét rất khắc nhiệt, thay đổi thất thường, yêu cầu phải có ý chí, quyết tâm kiên trì, bền bỉ khổ luyện mới thành công.

Chiến sĩ Tiêu binh danh dự thực hiện nhiệm vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiến sĩ Tiêu binh danh dự thực hiện nhiệm vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Do đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng niềm vinh dự, tự hào, ý chí trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ cho chiến sĩ tiêu binh danh dự tại Lăng yêu cầu đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên nghiêm túc, theo quy định chung của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn của dân tộc, nhân dân Việt Nam, truyền thống của Quân đội, Bộ đội Bảo vệ Lăng, truyền thống cách mạng của các địa phương vùng, miền; niềm vinh dự tự hào của người thanh niên, người chiến sĩ khi được nhận nhiệm vụ tiêu binh danh dự là người chiến sĩ cận vệ bên Lăng Bác Hồ, đặc biệt là những dịp phục vụ nghi lễ viếng cấp Nhà nước, đón nguyên thủ quốc gia các nước đến thăm Việt Nam, lễ diễu binh, diễu hành quần chúng, nhân các ngày lễ lớn của quốc gia, dân tộc trên Quảng trường Ba Đình.

Trên cơ sở đó các chiễn sĩ tiêu binh cận vệ bên Bác kính yêu phải luôn xác định cho mình ý chí trách nhiệm, quyết tâm cao trong huấn luyện, tu dưỡng rèn luyện để hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững, phát huy và làm tỏa sáng danh hiệu “Anh Bộ đội Cụ Hồ” bên Lăng Bác.

Bốn là, yêu cầu đối với lãnh đạo, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cán bộ Đoàn 275, cần phải phấn đấu nâng cao phẩm chất, trình độ năng lực toàn diện về mọi mặt, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ chức trách được giao.

Trước hết phải thực sự mẫu mực, tiêu biểu về phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, tác phong lối sống, gắn bó tâm huyết, trách nhiệm cao với nhiệm vụ, chức trách được giao; đoàn kết, thương yêu đối với cán bộ cấp dưới, với chiến sĩ.

Phải có năng lực trong quản lý, chỉ huy điều hành huấn luyện bộ đội, đơn vị, thực hiện tốt, có chất lượng nghi lễ, đón tiếp, tuyên truyền và xử lý nghiêm túc, linh hoạt, khéo léo các tình huống bảo đảm an ninh, an toàn cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ viếng Bác, các khu vực có liên quan được đảm nhiệm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại