Lữ đoàn 144 - “Đội cận vệ” trung thành, xuất sắc của Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam

Đại tá Nguyễn Ngọc Quế - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 144 |

Trong chặng đường 70 năm của Bộ Tổng Tham mưu, Lữ đoàn 144 có gần 64 năm (1951 - 2015) xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, luôn sát cánh cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Bằng những chiến công thầm lặng nhưng vô cùng vẻ vang của mình, Lữ đoàn 144 xứng đáng là “Đội cận vệ” trung thành, xuất sắc, gắn bó chặt chẽ với quá trình xây dựng và trưởng thành của Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam trong 70 năm qua.

Theo Quyết định của Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, ngày 30/10/1951 là ngày truyền thống của Lữ đoàn với sự kiện thành lập Tiểu đoàn 187, lực lượng bảo vệ Bộ Tổng Tư lệnh - Cơ quan Bộ Quốc phòng tại Bãi Á, Chợ Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Nhưng tiền thân của Lữ đoàn là Đội Bảo vệ Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam hình thành từ tháng 10/1945 theo quyết định của đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của QĐND Việt Nam.

Từ cuối năm 1951, Tiểu đoàn 187 trở thành đơn vị đặc nhiệm duy nhất bảo vệ cơ quan Trung ương, Bộ Quốc phòng và bảo vệ Sở chỉ huy các chiến dịch lớn [1]. Từ đó cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tiểu đoàn 187 làm nhiệm vụ “bảo vệ vòng trong”, luôn quán triệt và hoàn thành nhiệm vụ “cận vệ” của mình.

Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cuối tháng 10/1954, sau khi trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Tiểu đoàn 187 đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 144, trở thành lực lượng “cận vệ Thành”, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “cận vệ”, bảo vệ an toàn Trung ương Đảng và Chính phủ trong tình hình mới [2].

Theo đó, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 144 đã nhanh chóng hoàn chỉnh phương án bảo vệ nội, ngoại thành; điều chỉnh đội hình trên bốn cửa Đông - Bắc - Tây - Nam và một số vị trí đóng quân phù hợp với việc cơ động bảo vệ các địa bàn trọng yếu, thực hiện phương châm “rắn như thép, vững như đồng, trong như gương” [3].

Trong những năm đầu sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, cùng với việc ổn định tổ chức biên chế, tăng cường sức chiến đấu và khả năng cơ động thực hiện nhiệm vụ, đơn vị đặc biệt chú trọng công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ quán triệt sâu sắc “nhiệm vụ hàng đầu của đơn vị là bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Tổng Quân ủy, Thủ trưởng Bộ và cơ quan ba tổng cục” [4].

Nhờ đó, đơn vị luôn được xây dựng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức; có trình độ kỹ - chiến thuật giỏi; thực hiện tốt ba yêu cầu của người chiến sĩ bảo vệ là “yên tâm vô điều kiện, trung thành vô điều kiện, dũng cảm vô điều kiện” [5], hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong bất cứ tình huống, hoàn cảnh nào, hăng hái xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, hậu thuẫn vững chắc cho kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của đồng bào miền Nam.

Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 144 luyện tập cơ động. Ảnh: QĐND

Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 144 luyện tập cơ động. Ảnh: QĐND.

Song hành với nhiệm vụ huấn luyện xây dựng đơn vị, tuần tra canh gác bảo vệ an toàn Bộ Quốc phòng, Tiểu đoàn 144 còn tích cực tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân, nhiều lần cử các đội quân cảnh cơ động phối hợp với lực lượng an ninh Thủ đô Hà Nội giải tỏa các vụ gây rối phá hoại, mất trật tự trị an.

Sự có mặt kịp thời của cán bộ, chiến sĩ “cận vệ Thành” ở các điểm nóng đã nhanh chóng chiếm được tình cảm yêu mến, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, tạo điều kiện thuận lợi xây dựng trận địa an ninh vững chắc giữa lòng dân.

Ngày 20/11/1959, Đại hội Đảng bộ Tiểu đoàn 144 lần thứ nhất được tổ chức, xác định rõ bốn chức năng chủ yếu của đơn vị cảnh vệ, gồm:

(1) Bảo vệ Bộ Tổng Tư lệnh và các cơ quan Bộ Quốc phòng trong thời bình cũng như thời chiến;

(2) Bảo vệ cán bộ cấp cao đi công tác xa; bảo vệ các đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên ở Hà Nội cũng như đi công tác khảo nghiệm chiến trường;

(3) Phối hợp với nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương bảo vệ trật tự, an ninh trong khu vực trú quân;

(4) Sẵn sàng hoàn thành các nhiệm vụ của quân đội và Nhà nước giao phó.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn biến ngày càng ác liệt, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam về nhiệm vụ quân sự 5 năm (1961 - 1965), kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ 2 (1961 - 1965) của Quân ủy Trung ương và kế hoạch xây dựng, huấn luyện quân đội trong những năm 1961 - 1965 của Bộ Tổng Tham mưu, Tiểu đoàn 144 đã tích cực, chủ động trong xây dựng, huấn luyện, tăng cường sức chiến đấu, ra sức xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt, nêu cao tinh thần cảnh giác trong khi làm nhiệm vụ cũng như khi đi công tác xa đơn vị, bảo vệ an toàn tuyệt đối Bộ Tổng Tư lệnh và Cơ quan Bộ Quốc phòng, kiên quyết phòng ngừa, trấn áp các lực lượng phản cách mạnh, kịp thời đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Từ giữa năm 1963, thực hiện Nghị quyết 112 về công tác phòng không nhân dân của Hội đồng Chính phủ, Tiểu đoàn 144 liên tục cử các tiểu đội, trung đội luân phiên canh gác, tuần tra, bảo đảm an toàn, tuyệt đối giữ bí mật các khu căn cứ và khu vực sơ tán của các cơ quan Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Tiếp đó, Tiểu đoàn 144 hiệp đồng với Lữ đoàn 350 và các lực lượng an ninh ở Hà Nội triển khai nhiệm vụ phòng thủ tác chiến bảo vệ Thủ đô, bảo vệ các cơ sở quan trọng của Đảng và Nhà nước, tích cực chủ động trinh sát địa bàn, lập phương án đánh địch tại chỗ và cơ động...

Đầu năm 1964, trước yêu cầu của thực tiễn nhiệm vụ ngày càng nặng nề, Tiểu đoàn 144 được biên chế đủ 4 đại đội (1, 2, 3, 4) và một trung đội trinh sát, trong đó Đại đội 4 kinh lý mới thành lập dựa trên cơ sở mở rộng trung đội kinh lý, tăng cường thêm hỏa lực trung liên, đại liên, đảm đương nhiệm vụ bảo vệ các đoàn cán bộ cao cấp của Bộ Quốc phòng và các chuyên gia quân sự nước ngoài khảo sát chiến trường, bảo vệ các khu căn cứ mới [6].

Bước sang năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Trong bối cảnh đó, Tiểu đoàn 144 được phân chia thành hai bộ phận, trong đó một bộ phận ở lại Thành bảo vệ Cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại trên địa bàn Hà Nội, bộ phận còn lại đi theo bảo vệ Tổng Tư lệnh và các cơ quan Bộ ở nơi sơ tán.

Cùng thời gian này, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 144, các cơ quan quân sự, chính quyền và đoàn thể địa phương trên địa bàn đứng chân là 4 tỉnh Hà Nội, Hòa Bình, Hà Bắc và Thanh Hóa đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động tòng quân và các phong trào khác.

Tháng 10/1968, Tiểu đoàn 144 được biên chế tăng cường thêm 2 đại đội (4, 5) làm nhiệm vụ cơ động kiểm soát quân sự khu vực thành phố Hà Nội, mở rộng nhiệm vụ bảo vệ ở Thành cổ và các nơi sơ tán, nhằm bảo vệ mở rộng cả hậu phương và tiền tuyến.

Trải qua 4 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 144 đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần vào khí thế chung của quân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của nhân dân Việt Nam qua đời. Đây là tổn thất vô cùng to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Trong giờ phút đau thương ấy, nén lại niềm xúc động vô bờ bến, được lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, Tiểu đoàn 144 đã cử một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng đặc biệt, là bảo vệ nơi “làm công tác y tế”, bảo vệ Quốc tang, bảo vệ việc di chuyển và những nơi cất giữ thi hài của Bác trong suốt những năm cả nước đánh Mỹ.

Tuy nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đã luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ghi thêm những trang sử vẻ vang trong chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của một đơn vị quân đội đặc thù.

Các chiến sỹ Lữ đoàn 144 luyện tập võ thuật. Ảnh QĐND.

Trên cơ sở những thành tích xuất sắc đạt được, đồng thời xuất phát từ yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ cơ quan tối cao của Đảng và quân đội không chỉ ở Thủ đô Hà Nội mà còn ở các vị trí Trung ương sơ tán cũng như ở các chiến trường A, B, C..., ngày 27/2/1971, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 053/QĐ-QP, thành lập Trung đoàn 144 trên cơ sở cơ cấu tổ chức của Tiểu đoàn 144, thực hiện 4 nhiệm vụ:

(1) Cùng các lực lượng vũ trang khác bảo vệ tuyệt đối an toàn Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ở Hà Nội cũng như các nơi sơ tán;

(2) Bảo vệ Sở chỉ huy các chiến dịch, mặt trận do Thủ trưởng Bộ chủ trì, đồng thời bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các phái đoàn quốc tế đi công tác, tìm hiểu chiến trường;

(3) Tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi đơn vị đóng quân;

(4) Huấn luyện thật tốt kỹ thuật, chiến thuật, sẵn sàng hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì cấp trên giao. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ ưu tú của Trung đoàn còn thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, là phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội cũng như những nơi sơ tán.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước và cơ quan Bộ Quốc phòng, Trung đoàn 144 còn tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế, qua đó góp phần củng cố, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt và tình hữu nghị thủy chung son sắt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Năm 1972, thực hiện nhiệm vụ Bộ Tổng Tham mưu giao phó, Trung đoàn 144 cùng các đơn vị phối hợp đã bảo vệ an toàn Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Nhân dân Cách mạng Lào [7].

Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Ngày 1/5/1975, Bộ Tổng tham mưu Chỉ thị cho Trung đoàn 144 khẩn trương thành lập Đại đội 4B thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Bộ Tư lệnh tiền phương đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất giữa thành phố Sài Gòn và chuẩn bị cho lễ mừng Đại thắng.

Vượt qua mọi khó khăn trở ngại, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 144 đã nhanh chóng ổn định tổ chức, đưa hoạt động đi vào nề nếp, phấn đấu thực hiện xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Bộ Tổng tham mưu.

Trước yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ nội bộ, ngày 15/7/1979, Bộ Tổng Tham mưu ra Quyết định số 731/QĐ-QP phát triển Trung đoàn 144 thành Lữ đoàn 144. Việc thành lập Lữ đoàn cảnh vệ Bộ Quốc phòng không chỉ là một bước phát triển mới về tổ chức bảo vệ và phục vụ nghi lễ quân đội, mà còn đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt của đơn vị bảo vệ qua hơn 30 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Bước vào thập kỷ 80 của thế kỷ XX, cùng với toàn quân, toàn dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Lữ đoàn 144 đã có sự thay đổi quan trọng về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ hoạt động trên các địa bàn trọng yếu.

Tháng 6/1980, Lữ đoàn 144 sáp nhập với Trung đoàn 600, Trung đoàn 597 Công an nhân dân vũ trang để thành lập Binh đoàn 32 chuyên trách bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Quốc phòng.

Nằm trong đội hình của Binh đoàn 32, nhiệm vụ cơ bản của Lữ đoàn 144 cơ bản không thay đổi, chuyên trách bảo vệ Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh, cơ động bảo vệ Bộ Tư lệnh tiền phương làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia và một số kho tàng, khu căn cứ chiến lược, tuy nhiên có mở rộng quy mô và phương thức hoạt động.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là phục vụ những ngày lễ lớn, đơn vị đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều lần được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội biểu dương khen ngợi.

Ngày 3/7/1985, theo Quyết định số 1169/QĐ-BQP, Binh đoàn 32 giải thể, Lữ đoàn 144 được tổ chức chỉnh đốn lại, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của Lữ đoàn trong những năm cuối thế kỷ XX.

Những năm gần đây, nhiệm vụ của QĐND Việt Nam có sự phát triển mới, nhiệm vụ của Lữ đoàn 144 - Bộ Tổng Tham mưu được bổ sung, phát triển hết sức nặng nề; song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và các cơ quan chức năng cấp trên, trong những năm 2001 - 2010, Lữ đoàn 144 đã phát huy tốt truyền thống “Rắn như thép, Vững như đồng, Trong như gương”; luôn trung thành, chủ động, sáng tạo, đoàn kết phấn đấu xây dựng Lữ đoàn tiếp tục có bước trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó, góp phần xây dựng QĐND Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Các cán bộ và chiến sĩ Lữ đoàn đã trên dưới một lòng, phát huy tinh thần đoàn kết, chung vai góp sức hoàn thành tốt một loạt nhiệm vụ quan trọng liên quan đến các sự kiện lớn mang tầm quốc gia và quốc tế: Bảo vệ các kỳ họp Quốc hội khóa XII, XIII diễn ra tại Hội trường Bộ Quốc phòng; bảo vệ Thủ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp các đoàn khách quốc tế; bảo vệ an toàn các hội nghị của Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng của Bộ; phối hợp với Bộ Công an tham gia diễn tập phương án KB-ĐT10; tham gia diễn tập thực binh ứng phó thảm họa khẩn cấp khu vực ASEAN (ARDEX 13)...

Có thể nói, trong gần 64 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn 144 đã góp phần quan trọng vào truyền thống hào hùng và chiến thắng vẻ vang của Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam. Những thành tích đó đã khẳng định Lữ đoàn 114 luôn là một “Đội quân cận vệ” trung thành, xuất sắc của Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, xứng đáng với những phần thưởng và danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước và Quân đội trao tặng.

[1] - Bao gồm: Chiến dịch Hòa Bình (10/12/1951 - 25/2/1952), Chiến dịch Tây Bắc (22/9/1952-11/1/1953), Chiến dịch Thượng Lào (27/2/1953 - 6/5/1953), Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3/1954-7/5/1954)...

[2] - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Lịch sử Lữ đoàn 144 (1951 - 2011), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, Tr.39-43.

[3] - Lời đồng chí Võ Bẩm - Cục trưởng Cục Chính trị, Bí thư Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu, Dẫn theo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Lịch sử Lữ đoàn 144 (1951 - 2011), Sđd, Tr.46.

[4] - Trích Tài liệu học tập Xây dựng chức trách, nhiệm vụ công tác bảo vệ của đơn vị, Dẫn theo Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Lịch sử Lữ đoàn 144 (1951 - 2011), Sđd, Tr.51.

[5] - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Lịch sử Lữ đoàn 144 (1951 - 2011), Sđd, Tr.52.

[6] - Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Lịch sử Lữ đoàn 144 (1951 - 2011), Sđd, Tr.66

[7] - Đến đầu năm 1979, đơn vị tiếp tục được Bộ Tổng tham mưu tin tưởng giao nhiệm vụ phối hợp giúp tổ chức lực lượng bảo vệ lễ mừng chiến thắng ngay tại Thủ đô Phnôm Pênh của nước bạn Cam-pu-chia. Sau đó, Bộ Tổng tham mưu tiếp tục giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 144 giúp bạn xây dựng và huấn luyện lực lượng bảo vệ các khu vực Trung ương và các mục tiêu trọng yếu trong Thủ đô Phnôm Pênh...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại