Đẳng cấp UAV

TRUNG DŨNG |

Máy bay không người lái (UAV) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thế giới hiện đại, cả trong các cuộc chiến tranh và đời sống thường ngày. Tính năng của UAV giờ đây không chỉ bó gọn ở các nhiệm vụ trinh sát, do thám như trong quá khứ...

Vật thể bay cảm tử

Được coi là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu UAV hàng đầu thế giới, Israel luôn biết cách khiến cho người ta phải chú ý đến mình với các sản phẩm UAV đầy tính đột biến.

Gần đây nhất, tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) đã thử nghiệm thành công UAV tấn công với tên gọi Harop.

Loại UAV này được thiết kế chủ yếu cho nhiệm vụ truy tìm mục tiêu, đặc biệt là thực hiện các cuộc tấn công tự sát.

Theo thông báo của Tập đoàn IAI, Harop dài 2,5m, sải cánh 3m, phần đầu chứa một đầu đạn nổ nặng 15kg. Trang breakingisraelnews.com cho biết thêm, UAV này có khả năng tác chiến linh hoạt và hoạt động hiệu quả trong vòng 6 giờ, phạm vi hoạt động khoảng 1.000km.

Harop có thể được triển khai từ các bệ phóng trên đất liền hoặc trên biển.

UAV cảm tử Harop trong một cuộc thử nghiệm tấn công mục tiêu. Ảnh: IAI
UAV cảm tử Harop trong một cuộc thử nghiệm tấn công mục tiêu. Ảnh: IAI

Nhờ 2 loại cảm biến ban ngày và ban đêm, UAV Harop đặc biệt được đánh giá cao khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, định vị, tấn công các mục tiêu di dộng hoặc cố định với độ chính xác cao.

“Mục tiêu ưa thích” UAV Harop là các bệ phóng tên lửa, tàu chiến, đài ra-đa hay căn cứ hậu cần, kho vũ khí của đối phương.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa Harop với các UAV thông thường là khi nhận lệnh tấn công từ trạm điều khiển mặt đất, UAV thế hệ mới này có thể biến thành một tên lửa và lao thẳng vào mục tiêu đã định.

Một số nguồn tin cho biết, Harop được thiết kế và sản xuất chủ yếu cho xuất khẩu và năm 2010, hệ thống UAV này đã được IAI chuyển giao cho một “đối tác bí mật” trong hợp đồng lên tới 1 tỷ USD.

Giới phân tích cho rằng, sở dĩ Israel vẫn chưa có kế hoạch trang bị Harop cho quân đội nước này là do chi phí khá cao.

“Ma cà rồng” tự hủy

Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến cũng đang tập trung phát triển các loại UAV phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

Nếu như Israel tự hào có UAV Harop, Mỹ cũng chứng minh vị thế của một nhà sản xuất UAV hàng đầu sau khi cho ra đời loại UAV có khả năng tự hủy.

Hãng tin Sputnik New cho biết, Cơ quan quản lý các dự án tương lai Mỹ (DAPRA) đang phát triển thế hệ UAV ICARUS có khả năng tự hủy, chuyên dùng cho các nhiệm vụ đặc biệt hoặc tối mật, chẳng hạn như vận chuyển các thiết bị, tài liệu quan trọng.

Theo thiết kế, ICARUS, biệt danh “ma cà rồng”, có thể chuyên chở khoảng 1,4kg và có khả năng tự định vị bằng GPS.

DAPRA cũng đặt ra một số yêu cầu khác trong việc phát triển UAV ICARUS, chẳng hạn như tầm hoạt động phải đạt 150km và trần bay lên tới 10,7km.

Như đã nói ở trên, sau khi hoàn thành nhiệm vụ hoặc nếu bị phát hiện, ICARUS sẽ tự hủy mà không để lại dấu vết gì để bảo đảm yếu tố bí mật, đề phòng bị rơi vào tay đối phương.

Dù sao, ICARUS vẫn là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại, quân đội Mỹ cũng đã sở hữu những loại UAV hiện đại, điển hình là PD-100 Black Hornet.

Loại UAV này do hãng chế tạo của Na Uy Prox Dynamics phát triển và hiện đã được trang bị cho một số đơn vị đặc nhiệm của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ.

PD-100 Black Hornet thuộc hàng UAV “siêu nhỏ”, với trọng lượng khoảng 180gram, đường kính cánh quạt 20mm và có thể dễ dàng bỏ vào trong túi quần hoặc áo. Cũng nhờ kích thước đặc biệt như vậy nên PD-100 Black Hornet rất thích hợp với hoạt động do thám.

Theo đại diện của hãng Prox Dynamics, khi hoạt động, PD-100 Black Hornet gần như không phát ra tiếng động và được thiết kế riêng cho các nhiệm vụ trinh sát, cứu hộ, cứu nạn.

Tạp chí Wired của Mỹ cho biết, Sandia, một công ty con của Tập đoàn Lockheed Martin, cũng đã lên kế hoạch phát triển một loại phương tiện chiến tranh không người lái “đa phương thức”, hay có thể gọi nôm na là “UAV 3 trong 1”.

Bề ngoài thì không khác gì một chiếc UAV thông thường, nhưng trên thực tế thiết bị này là 3 UAV riêng lẻ, bao bọc lẫn nhau và có thể thực hiện nhiệm vụ trinh sát bằng cách bay trên không, lặn dưới nước hay chạy trên đất liền.

Không chỉ phục vụ cho hoạt động tác chiến trên chiến trường, các UAV tương lai còn phát huy thế mạnh của mình ngay trong cuộc sống thường ngày.

Còn rất nhiều những dự án UAV mà có thể chúng ta chưa hề biết tới, chẳng hạn như UAV dùng cho các cuộc giải cứu con tin, UAV truyền Internet hay UAV chuyên phục vụ hoạt động săn tin của giới báo chí, truyền thông…

Tuy nhiên, rõ ràng là UAV vẫn được sử dụng nhiều nhất trong chiến đấu, đơn giản bởi vì chúng có thể trở thành “vật thế mạng” cho các binh sĩ ở các nhiệm vụ nguy hiểm, qua đó giúp giảm thương vong về người.

Đó cũng là lý do càng ngày càng xuất hiện nhiều loại vũ khí tấn công dựa trên các phiên bản UAV truyền thống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại