Đạn chống tăng Tandem - Kẻ hạ gục "Vua chiến trường"

Nguyễn Anh |

(Soha.vn)-Để có thể phá hủy xe tăng chủ lực trang bị giáp phản ứng nổ, các kỹ sư nhận thấy nếu chỉ tăng đường kính đầu đạn xuyên lõm thì vẫn là chưa đủ cho nên đạn Tandem đã ra đời

Hệ thống giáp phản ứng nổ ERA (Explosive Reactive Armour) bao gồm các khối thuốc nổ đặt trong những hộp thép bên ngoài giáp chính của xe tăng - thiết giáp. Nguyên lý hoạt động của ERA là sử dụng hiệu ứng nổ hướng ra ngoài của khối thuốc nổ nằm trong hộp thép làm chệch hướng luồng xuyên lõm hoặc làm gẫy thanh xuyên, giảm khả năng xuyên phá của đạn chống tăng động năng.

Giáp phản ứng nổ tỏ ra đặc biệt có tác dụng khi chống lại các loại đạn chống tăng xuyên lõm liều đơn thế hệ cũ như RPG-7, M-72... Khi phải đối đầu với xe tăng trang bị ERA, những "Cơn ác mộng xe tăng" trên đôi vai người lính bộ binh đã gần như mất tác dụng.

Xe tăng Abrams được gia cố bảo vệ bằng giáp phản ứng nổ ERA

Xe tăng Abrams được gia cố bảo vệ bằng giáp phản ứng nổ ERA

Tuy nhiên như các bác sỹ vẫn thường nói là "Giết người bao giờ cũng dễ hơn cứu người", không bao lâu sau khi giáp phản ứng nổ được phát minh và ứng dụng trang bị cho xe tăng thì vào năm 1974 đầu đạn Tandem đã xuất hiện.

Hiện tại, đầu đạn Tandem đang ở giai đoạn phát triển toàn diện và đã được ứng dụng cho nhiều loại tên lửa chống tăng (Hellfỉre, Tow-2B, Eryx, Hot, Milan, Javelin, Kornet...); đạn súng phóng lựu chống tăng (RPG-7, RPG-27, RPG-29...) và đạn pháo xe tăng các cỡ.

Đạn Tandem PG-7VR

Đạn Tandem PG-7VR

Đầu đạn Tandem (nghĩa gốc chỉ loại xe đạp có 2 người cùng đạp) là một thiết bị nổ được thiết kế để thực hiện 2 hoặc nhiều bước nổ lõm kế tiếp nhau, có hiệu quả chống module giáp phản ứng nổ rất cao.

Nguyên lý hoạt động của đầu đạn như sau: Bước thứ nhất, dùng luồng xuyên của lượng nổ lõm phụ kích nổ module giáp phản ứng để ''dọn đường'' cho luồng xuyên của lượng nổ lõm chính. Bước thứ hai, lượng nổ lõm chính hoạt động (sau một khoảng thời gian xác định), luồng xuyên mạnh hơn của nó dễ dàng xuyên thủng vỏ giáp chính của xe tăng.

Kết cấu cơ bản của một đầu đạn Tandem gồm: Lượng nổ lõm phụ có đường kính nhỏ bố trí phía trước lượng nổ lõm chính có đường kính lớn. Vì lượng nổ lõm phụ nổ trước lượng nổ lõm chính và để ngăn ngừa không cho lượng nổ lõm chính phát nổ sớm hơn yêu cầu thì cần phải có cơ cấu bảo vệ. Thông thường cơ cấu này là một tấm ngăn có cấu hình đặc biệt.

Sơ đồ kết cấu đơn giản của một đầu đạn Tandem: 1- Lỗ thoát khí; 2- Lượng nổ lõm chính; 3- Vách ngăn bảo vệ; 4- Lượng nổ lõm phụ; 5- Vỏ đạn tên lửa.

Sơ đồ kết cấu của một đầu đạn Tandem đơn giản: 1-Lỗ thoát khí; 2-Lượng nổ lõm chính; 3-Vách ngăn bảo vệ; 4-Lượng nổ lõm phụ; 5-Vỏ đạn.

Tấm ngăn bảo vệ lượng nổ lõm chính phải bảo đảm có độ bền cao để làm giảm khoảng cách giữa hai lượng nổ và tăng được thời gian giữa hai lần nổ, nhờ đó khối lượng của lượng nổ lõm phụ cũng được tăng lên. Tuy vậy, tấm ngăn này phải có độ mỏng cần thiết ở phần tâm để không gây cản trở lớn đến luồng xuyên của lượng nổ lõm chính.

Kết cấu đặc trưng của đầu đạn Tandem là không gian phía trước của lượng nổ lõm chính được mở rộng để chứa sản phẩm nổ sau khi lượng nổ lõm phụ hoạt động. Khi lượng nổ lõm phụ nổ, khí thuốc và áp suất của nó tăng lên rất nhanh. Để làm giảm áp suất xuống giá trị tối thiểu, ở phía trước tấm ngăn có lỗ thoát khí với cấu hình đặc biệt trên vỏ đầu đạn.

Lượng nổ lõm phụ cần phải có tác động nhỏ nhất lên tấm ngăn bảo vệ đồng thời lượng nổ lõm chính phải có đặc tính nổ tốt để bù sự tác động do lượng nổ lõm phụ đã hoạt động trước đó. Vì vậy lượng nổ chính thường có đường kính lớn và công nghệ chế tạo nó đòi hỏi độ chính xác rất cao. Trong thực tế cấu tạo của đầu đạn Tandem phức tạp hơn nhiều. Dưới đây là một sơ đồ phương án tiếp theo của đầu đạn Tandem.

Sơ đồ kết cấu của một đầu đạn Tandem với các cơ cấu hỗ trợ: 1-Cơ cấu đẩy lượng nổ phụ; 2-Cơ cấu an toàn; 3-Lượng nổ lõm chính; 4-Vỏ đạn; 5-Lượng nổ lõm phụ; 6-Cơ cấu thu; 7-Cơ cấu phát.

Sơ đồ kết cấu của một đầu đạn Tandem với các cơ cấu hỗ trợ: 1-Cơ cấu đẩy lượng nổ phụ; 2-Cơ cấu an toàn; 3-Lượng nổ lõm chính; 4-Vỏ đạn; 5-Lượng nổ lõm phụ; 6-Cơ cấu thu; 7-Cơ cấu phát.

Khoảng trống giữa hai lượng nổ được sử dụng để bố trí các cơ cấu điện tử và động cơ điện điều khiển. Chúng được sử dụng để làm tăng khoảng cách giữa hai lượng nổ, loại bỏ tấm ngăn bảo vệ lượng nổ lõm chính và làm giảm khối lượng chung của đầu đạn.

Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh tham quan các sản phẩm của Tổng Cục Công nghiệp quốc phòng

Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh tham quan các sản phẩm của Tổng Cục Công nghiệp quốc phòng. Nguồn: Quân đội nhân dân

Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất được một số loại đạn Tandem đủ khả năng tiêu diệt hầu như toàn bộ các loại xe tăng chủ lực hiện có hoặc có thể xuất hiện trong tương lai gồm PG-7VR (dùng cho súng chống tăng B-41/RPG-7) và PG-29V (dùng cho súng chống tăng RPG-29) hiện đại hơn.

Siêu tăng Abrams bị hạ gục bởi RPG-29

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại