Cuộc chạy đua phát triển tàu ngầm
Các tàu ngầm Mỹ thậm chí thâm nhập vào hải cảng của Liên Xô, theo dõi đối thủ và do thám dưới đáy biển. Liên Xô phải chống chọi với 3 đối thủ: Thiên nhiên, người Mỹ và kỹ thuật của mình. Đó là một cuộc chiến với những mất mát khủng khiếp. Hai siêu cường đã nhiều lần mất tàu ngầm không phải vì tai nạn hạt nhân. Cũng không rõ có bao nhiêu vụ va chạm tàu ngầm dưới đáy biển. Ước đoán phải có hàng chục vụ như vậy.
Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, có tới 30.000 binh sĩ trong tổng số 40.000 binh sĩ các đội tàu ngầm Đức đã bị chết, trên 660 tàu ngầm bị đánh đắm. Nước Đức đã không thắng cuộc chiến tranh bằng tàu ngầm và cái chết dưới nước thật tang thương. Tuy nhiên, Mỹ và Liên Xô đã không ngần ngại tiếp tục cuộc Chiến tranh Lạnh với kỹ thuật Đức mà họ tịch thu được, dù Đức đã thất bại. Với tư cách là công cụ gián điệp, tàu ngầm xem chừng khó nhận biết hơn và khó bắn hơn là máy bay hoặc tên lửa, mặc dù những kỹ thuật này cũng được ưa chuộng.
Tàu ngầm lớp 21 của Đức với ống thông hơi có thể lặn nhiều ngày và khi ở ngầm dưới nước thì chạy nhanh hơn ở trên mặt nước. Nó được coi là tàu ngầm thực sự đầu tiên, cho dù chiếc tàu chạy ngầm dưới nước đầu tiên là của Mỹ và bằng gỗ. Ngay lập tức Liên Xô cũng tham gia cuộc chơi, từ loại tàu ngầm lớp 21 của Đức, Liên Xô cải tiến thành tàu ngầm 613.
Năm 1954, chiếc tàu ngầm Mỹ USS 571 Nautilus được hạ thủy, đây là loại phỏng theo tàu 21 của Đức chạy bằng năng lượng nguyên tử, nó có thể ở dưới nước hàng tháng trời và phải 20 năm mới cần tới những thanh nhiên liệu mới. Năm 1959, chiếc tàu ngầm đầu tiên loại này xuất hiện ở Bắc Cực. Dưới lớp băng vĩnh cửu thì hầu như không thể xác định được vị trí của tàu ngầm và Bắc Cực kéo dài tới tận bờ biển Liên Xô, tức là nó có thể bí mật chạy tới bờ biển Liên Xô mà khó bị phát hiện.
Ban đầu, tàu được trang bị vũ khí có cánh điều khiển giống như bom bay V1 của Đức với đầu đạn nguyên tử. Nhưng muốn phóng nó, tàu ngầm phải nổi lên trên mặt nước, sẽ bị lộ và có thể bị tấn công. John Pina Craven, kỹ thuật viên trưởng của Hải quân Mỹ và người đứng đầu chương trình tên lửa Polaris, trong đó thử nghiệm việc phóng tên lửa hạt nhân từ tàu, đã tìm cách lắp tên lửa hạt nhân vào tàu ngầm. Hải quân Mỹ tỏ ra rất phấn khởi, vì giờ đây họ cũng có tên lửa hạt nhân chứ không chỉ không quân mới có.
Để làm điều đó, 4 tàu ngầm tiêm kích được cưa ngang và đằng sau tháp được gắn thêm bộ phận mang theo tên lửa hạt nhân. Từ đó, mỗi tháng có thêm một tàu ngầm mới được chế tạo. Sự cân bằng trong răn đe hạt nhân được dựa vào việc mỗi bên đều có thể bị tổn thương nên ngăn cản các bên muốn tự mình tiến hành cuộc tấn công trước tiên.
Nhưng Craven cho biết, cũng có những người muốn vươn tới sự trội hơn tuyệt đối, vươn tới một cuộc chiến tranh nguyên tử có thể thắng được. Ví dụ như Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, người muốn có một hệ thống phòng thủ tên lửa từ trên vũ trụ, nhằm chấm dứt sự cân bằng về khả năng răn đe và có thể tạo điều kiện cho một cuộc chiến tranh tấn công, vì nếu được vậy, nước Mỹ sẽ không thể bị tổn thương nữa.
Năm 1959, với chiếc K-3, Liên Xô đã có chiếc tàu ngầm nguyên tử đầu tiên của mình. Những thế hệ tàu ngầm thứ hai và thứ ba đã có trình độ kỹ thuật tốt hơn, không thua kém tàu ngầm Mỹ và cũng được những người có trình độ hơn điều khiển. Trong thời gian này, Mỹ bắt đầu lắp đặt "Sosus", một loại "rệp", một hệ thống micrô ở đáy biển để sớm phát hiện khi tàu ngầm Liên Xô xuất hiện, vì vậy họ nắm được vị trí di chuyển của tàu ngầm Liên Xô.
Đầu năm 1968, chỉ trong vòng vài tuần lễ đã có 2 tàu ngầm bị đắm, một chiếc của Liên Xô và một chiếc của Mỹ. Điều gì thực sự xảy ra khi đó, cho tới giờ vẫn nằm trong vòng bí ẩn. Nhiều người đã đi sâu nghiên cứu, hỏi các nhân chứng để tìm hiểu và viết thành sách như cuốn "Scorpion Down" của nhà báo quân sự Ed Offley, hoặc như nhà làm phim Dirk Pohlmann đã làm một bộ phim tài liệu dài với tiêu đề "Cái chết dưới đáy biển sâu - sự trả đũa của các siêu cường". Tuy nhiên, nhiều ý kiến được đưa ra vẫn là giả thiết. Cả hai bên Nga và Mỹ đều im lặng về các sự cố này.
Trong bộ phim "Cái chết dưới đáy biển sâu - sự trả đũa của các siêu cường", bà Barbara Foli Lake, vợ của Vernon Mark Foli, một thủy thủ xấu số trong chiếc tàu ngầm Mỹ bị đắm nói: "Tôi rất sợ nghe hải quân nói, vì không biết điều đó có phải sự thật không. Điều này sẽ ám ảnh tôi tới chết, vì tôi không biết điều gì đã xảy ra".
Bà Irina Schurawina, vợ thuyền trưởng Alexander Schurawin xấu số nói: "Người ta cấm ngặt chúng tôi nói tới sự cố này. Hãy im mồm, chẳng có điều gì xảy ra cả. Hãy cầu Chúa phù hộ cho các người, nếu các người nói gì về việc đó". Phải chăng vào năm 1968, thế giới đang đứng bên bờ vực cuộc chiến tranh thế giới thứ ba? Khi tàu ngầm mang vũ khí nguyên tử của hai bên bị đắm và có thể đã bị đánh đắm?
Vì sao chiếc tàu ngầm K-129 bị đắm?
Ngày 24/2/1968, tại vùng Viễn đông Vladivostock thuộc Liên Xô, tàu ngầm K-129 đã tiến hành một cuộc tuần tiễu.
Các binh sĩ không phàn nàn gì, mặc dù họ lại phải lên đường ngay, trong khi vừa mới cập cảng. Đến đầu tháng 3, Thiếu tướng hải quân Victor Dygalo đã nhận được một tin xấu cho biết đã mất liên lạc với tàu K-129.
Hải quân Liên Xô liền bắt đầu huy động lực lượng tìm kiếm tàu K- 129 và điều này không qua mắt được phía Mỹ. Phía Mỹ cũng huy động lực lượng tìm kiếm với hy vọng có thể thu được nhiều chiến lợi phẩm từ con tàu xấu số này. Chiếc tàu ngầm K-129 của Liên Xô bị đắm ngày 11/3/1968 ở Thái Bình Dương, làm 98 thủy thủ thiệt mạng. K-129 là một chiếc tàu ngầm chạy bằng dầu diezel, được đưa vào sử dụng năm 1960, được trang bị 3 tên lửa đạn đạo hạt nhân hiện đại nhất khi đó có tầm bắn 1.200 km, và hai quả ngư lôi nguyên tử.
Về nguyên nhân của vụ đắm tàu này, phía Liên Xô cho rằng có liên quan tới tàu ngầm Mỹ Swordfish đóng ở Hawaii, đã cập cảng Yokosuka của Nhật Bản ngay sau khi tàu K-129 biến mất. Tại đó, những người qua đường cũng thấy rõ chiếc kính tiềm vọng của con tàu bị cong, cho thấy có sự va đập nào đó. Họ cho rằng tàu Swordfish đã đâm phải tàu K-129 làm nó bị đắm. Trước đó, tàu Swordfish đã từng dính líu tới nhiều chiến dịch do thám mạo hiểm. Có người còn cho biết là tháp của con tàu chạy bằng năng lượng nguyên tử này cũng bị hư hại. Phải chăng đã có vụ va chạm ngầm dưới nước giữa hai con tàu trong Chiến tranh Lạnh?
Luận thuyết này vẫn được phổ biến trong Hồng quân Liên Xô. Thiếu tướng hải quân Nga Victor Dygalo đã phát biểu ám chỉ rằng hai siêu cường đã thỏa thuận im lặng về sự cố này, tương tự như trong trường hợp chiếc tàu ngầm nguyên tử USS Scorpion, cũng bị đắm năm 1968 và được cho là không có tác động ngoại lai. Trong vụ việc này, những nhà văn giàu trí tưởng tượng của phương Tây cho rằng, vì có sự ganh đua giữa cơ quan mật vụ Liên Xô KGB và Hồng quân Liên Xô, nên KGB đã có kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng bằng vũ khí hạt nhân và tìm cách đổ lỗi cho Trung Quốc là nước đang có quan hệ căng thẳng với Liên Xô vì không chịu theo đường lối của Liên Xô. Qua đó, Liên Xô có thể "Tọa sơn quan hổ đấu!".
Những người này cho rằng tàu K- 129 muốn bắn một quả tên lửa nguyên tử vào Hawaii mặc dù không được Kremlin cho phép, nhưng đã gây ra cơ chế tự hủy đề phòng những trường hợp như vậy. Nhưng trái với những lời đồn đoán này, tàu K-129 không phải trên đường tới Trân Châu Cảng, mà bị đắm cách Hawaii khoảng 1.500 hải lý. Như vậy, nơi xảy ra tai nạn còn gần căn cứ của nó ở Petropawlowsk hơn là Hawaii.
Ngay cả cuốn nhật ký hành trình của tàu Swordfish, sau nhiều lần đòi hỏi mới được trao cho Nga năm 2007, cho thấy vào thời điểm đáng ngờ đó, chiếc tàu ngầm Mỹ đang ở nơi khác, trên thực tế là đang cùng Hạm đội Thái Bình Dương ở vùng biển ngoài khơi CHDCND Triều Tiên, nơi chiếc tàu do thám Pueblo với toàn bộ trang thiết bị của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đã bị đối phương bắt cóc. Nếu như tàu Swordfish thực sự đâm vào tàu K-129 và muốn che giấu điều này thì có lẽ nó đã không chạy vào một cảng công cộng mà chiếc tàu với kính tiềm vọng bị cong còn được chụp ảnh đưa lên báo. Trong bức ảnh này, người ta không nhận thấy những hư hại trên tháp con tàu.
Theo hệ thống giám sát âm thanh của quân đội Mỹ, với một mạng lưới micro khổng lồ ngầm dưới nước để nghe những tiếng động và xác định sự di chuyển của các con tàu, thì đã xảy ra hai vụ nổ trên tàu K-129. Những bức ảnh chụp ngầm dưới nước cho thấy vụ tai nạn đã xảy ra ở khu vực chứa ngư lôi.
Có ý kiến cho rằng vì một lý do nào đó, một quả ngư lôi đã phát nổ khiến con tàu K-129 bị đắm. Chỉ sau đó ít lâu, con tàu Scorpion của Mỹ cũng bất ngờ bị đắm và cả hai bên cũng lại im lặng. Vậy điều gì thực tế đã xảy ra? USS Scorpion là một tàu ngầm tiêm kích lớp Skipjack, được đưa vào sử dụng năm 1960 và bị đắm năm 1968. Theo thông báo chính thức của hải quân Mỹ, việc chạy máy quá nóng đã dẫn tới việc tàu Scorpion bị đắm. Cũng có tin nói rằng pin của quả ngư lôi MK 37 bị cháy, dẫn tới đầu đạn bị nổ làm đắm tàu.
Nhưng theo bộ phim tài liệu nói trên, tàu USS Scorpion đã bị tàu ngầm Liên Xô đánh đắm để trả đũa cho sự cố mà họ cho là tàu ngầm Mỹ đã làm đắm tàu K-129. Trong thời gian đó, tàu Scorpion nhận được lệnh nghiên cứu về sự di chuyển bất thường của tàu ngầm Liên Xô gần quần đảo Azoren trên Đại Tây Dương. Tàu Scorpion thường xuyên phải báo cáo về tổng hành dinh của hải quân ở Norfolk về vị trí, hướng đi của mình. Trong thời gian này, KGB có một điệp viên cài cắm trong hải quân Mỹ. Đó là John Anthony Walker, sĩ quan thông tin của hải quân Mỹ và vì hám tiền đã bán thông tin mật cho KGB, ví dụ như chìa khóa mật mã. Qua đó, cơ quan mật vụ và hải quân Liên Xô có được thông tin để cài bẫy tàu Scorpion.
Theo bộ phim tài liệu này, một chiếc máy bay lên thẳng đã cất cánh từ một tàu khu trục, mang theo hai quả ngư lôi. Nó bay theo hướng tàu Scorpion và thả xuống dưới nước máy định vị âm thanh. Khi vị trí tàu Scorpion được xác định, chiếc máy bay lên thẳng liền bay tới và dùng một quả ngư lôi đánh đắm con tàu này. Sau đó, chiếc máy bay lên thẳng bay tới một tàu khu trục khác và hạ cánh xuống đây với một quả ngư lôi còn lại. Chỉ một nhóm nhỏ khoảng 5-6 người trên tàu Liên Xô được biết về kế hoạch này.
Xem thêm:
Cuộc chiến tàu ngầm bí mật giữa hai siêu cường (phần cuối)