Cục diện Biển Đông khi Philippines vỗ tay đón tàu chiến

Sáng 6/8, Philippines chính thức tiếp nhận chiến hạm Hamilton thứ 2. Manila có làm thay đổi cục diện trên Biển Đông?

Trong buổi lễ tiếp nhận chiến hạm Ramon Alcaraz (lớp Hamilton) tại Vịnh Subic ngày 6/8, đích thân Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã tới dự, ông cho rằng việc bổ sung tàu chiến lớp Hamilton thứ hai sẽ tăng cường khả năng bảo vệ lãnh hải của nước này. (Trong ảnh: Tổng thống Philippines Benigno Aquino)
Phát biểu trong buổi lễ, ông Aquino cho biết: “Ramon Alcaraz sẽ tiếp tục tăng cường khả năng tuần tra của chúng ta tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và khả năng để dập tắt mọi mối đe dọa và các phần tử khủng bố, tham gia hoạt động tìm kiếm và giải cứu, chăm sóc các nguồn tài nguyên biển của chúng tôi“.
Theo thông báo từ phía Philippines thì con tàu Ramon Alcaraz dài 115 m, được Philippines mua lại từ Lực lượng Cảnh vệ bờ biển Mỹ năm 2012, đã được chi thêm 15,5 triệu USD để tái sửa chữa và làm mới, đã thử nghiệm trên biển trong thời gian dài.
Con tàu lớp Hamilton từng phục vụ trong Lực lượng Cảnh vệ bờ biển Mỹ trong 4 thập kỷ và được đặt tên theo Tư lệnh Ramon Alcaraz của Philippines - một anh hùng Thế chiến II, người đã bắn hạ 3 máy bay địch từ một tàu tuần tra ngoài khơi.
Tàu Hamilton được trang bị động cơ tua bin khí công suất 13.000 KW, giúp nó đạt được tốc độ tối đa 52 km/h. Ngoài ra, tàu còn có thêm 2 động cơ diesel công suất 2.600 KW mỗi động cơ, giúp tàu có thể di chuyển với tốc độ hành trình 32 km/h trong quãng đường hơn 26.000 km.
Tàu Hamilton sử dụng pháo hạm làm vũ khí tấn công chính. Tàu trang bị một pháo hạm Oto Melara 76mm, có tốc độ bắn khá nhanh khoảng 85 viên/phút, sơ tốc đầu nòng 925m/s, tầm bắn 20km. Loại pháo này chỉ thích hợp cho nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu cỡ nhỏ, tầm gần trên biển hoặc pháo kích bờ biển hỗ trợ tác chiến đổ bộ với hệ thống kiểm soát hỏa lực MK-92 dùng cho việc tác chiến phòng không và tấn công tàu nổi.
Ngoài ra, tàu trang bị một tổ hợp pháo bắn nhanh MK-15 để tiêu diệt máy bay ném bom bổ nhào và đạn chống hạm của đối phương với tốc đố bắn đạt 3.500 phát/phút. Radar trinh sát phòng không trang bị cho tàu là loại AN/SPS-40E và radar trinh sát mặt biển AN/SPS-73.
Trước đó ngày 12/7, chiến hạm Ramon Alcaraz đầu tiên đã cập cảng Philippines trong sự chờ đón hân hoan của người dân và quân đội nước này. Niềm vui này càng được nhân lên khi trước đó có dự kiến phải đến tháng 8 chiếc tàu này mới tới được Philippines nhưng kế hoạch đã được đẩy nhanh theo yêu cầu của Manila, do vậy Ramon Alcaraz đã chính thức có mặt trong quân đội Philippines sớm hơn.
Báo chí TQ cũng đưa tin lời phát biểu cứng rắn của ông Jose Cuisia, Đại sứ Philippines tại Mỹ phát biểu tại lễ khởi hành tàu Ramon Alcaraz về Philippines: “Biển Đông đang gia tăng căng thẳng nhất định. Chúng ta ủng hộ hòa bình và ổn định trong khu vực, nhưng đồng thời sẵn sàng bảo vệ những gì thuộc về mình“.
Tuy nhiên khi nói về khả năng thực sự của chiến hạm lớp Hamilton, tờ chinamil của TQ tỏ ra xem thường Ramon Alcaraz khi tái khẳng định những chiếc tàu của Philippines mới nhận đã quá già và lạc hậu nếu xảy ra một cuộc chiến trên biển vào thời điểm hiện tại.
Cùng chung nhận định này, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ateneo de Manila - ông Benito Lim cho biết, con tàu hiện đại này khó có thể phù hợp với hỏa lực tinh vi của Trung Quốc.
Theo ông, vì con tàu này đã ngừng hoạt động nên Mỹ đã gỡ bỏ toàn bộ hệ thống điện tử, vũ khí tinh vi của nó. Khi Philippines mua lại, họ phải trả tiền để khôi phục khả năng của nó. Tuy nhiên, ông cho rằng: “Mỹ biết Trung Quốc có vũ khí hiện đại, có tên lửa có thể tấn công Philippines, nhưng lại bán cho chúng tôi “balisong“ (dao nhíp) để đối phó với súng máy của Trung Quốc“.
Ông Benito Lim nhấn mạnh rằng, Ramon Alcaraz là con tàu cũ của Mỹ nó sẽ không giúp Manila bảo vệ được chính mình.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại