Vũ khí nguy hiểm
Lê M7 được sản xuất bởi công ty Ontario chuyên cung cấp các loại dao và vũ khí cho quân đội Mỹ. Lê M7 có thể được sử dụng riêng biệt như một con dao hoặc được gắn trên súng M16, ngoài ra còn có thể dùng cho súng AR-15. Trước khi được trang bị lưỡi lê M7, lính Mỹ sử dụng loại lưỡi lê M6, loại này sử dụng gắn trên súng trường M14.
Chiều dài tổng thể của mỗi chiếc lưỡi lê M7 là 302mm, chiều dài lưỡi 171mm, đường kính vòng khâu 22,4mm, nặng khoảng 270g. Phần lưỡi làm bằng loại thép 1095 cacbon. Một mặt của lưỡi được mài sắc theo toàn bộ chiều dài, mặt còn lại chỉ được mài khoảng 75 mm ở phía đầu mũi, rất nhọn và sắc bén. Ở giữa lưỡi lê có một đường rãnh có tác dụng thoát máu nhanh hơn khiến đối phương nhanh chóng bị hạ gục vì mất máu.
Cán lê M7 làm bằng nhựa cứng, bền. Một đầu cán có phần vuông góc, phía trong sát lưỡi lê được in dập nổi dòng chữ “US M7” và mã số nhận dạng của nhà sản xuất.
Mỗi chiếc lưỡi lê đều có bao đựng riêng, có tên gọi là M8A1. Bao đựng được làm bằng thép, bên ngoài in dập dòng chữ “M8A1” và chữ cái đầu tiên của nhà sản xuất. Riêng phần bao cán được dệt từ những sợi thủy tinh màu oliu, phần cuối có gắn một cái móc để mang theo người. Chiếc bao này được sử dụng cho tất cả các loại lưỡi lê sau thế chiến II, trong đó có M4, M5, M6 và M7 cho đến khi được thay thế bởi chiếc bao M10. Loại bao M10 khác M8A1 ở chỗ nó có màu đen, không có móc mà chỉ có một vòng đai và những sợi dây dài ra để buộc.
Lính Mỹ sử dụng lưỡi lê M7 trong chiến tranh Việt Nam
Mặc dù sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã khiến phương thức tác chiến thay đổi, đánh giáp lá cà ít được sử dụng hơn nhưng ngày nay, loại lưỡi lê M7 vẫn được sử dụng rộng rãi tại Mỹ, Canada, Tây Đức, Philippines, Singapore và Hàn Quốc. Mỹ đang chuyển sang sử dụng lưỡi lê M9 cho súng M4, thủy quân lục chiến Mỹ lại lựa chọn lưỡi lê OKC-3S thay thế M7.
Sự hèn nhát và tàn độc của lính Mỹ
Lưỡi lê mà Quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ là là loại gắn với AK-47. Ban đầu, loại súng AK-47 được chế tạo không có khả năng gắn lưỡi lê. Tuy nhiên người Nga đã sáng tạo nên một loại lưỡi lê để có thể gắn được vào súng mà không cần phải chế tạo lại súng.
Sau đó, khi nhu cầu sử dụng lưỡi lê ngày càng trở nên phổ biến, nhất là trong các cuộc chiến tranh du kích, các loại lê được chế tạo gắn liền với súng. Lưỡi lê dành cho AK-47 có hai dạng phổ biến là loại “lá lúa” và “ba cạnh”.
Lê “lá lúa” hình dạng như dao găm, có nhiều loại nhưng đáng chú ý nhất là lê 5 tác dụng do Nga sản xuất có thể dùng để đâm, cắt, cưa, dũa và một tính năng rất quan trọng với bộ đội ta đó là lưỡi ngắn kết hợp với vỏ lê để thành kìm cắt dây thép gai khi tấn công căn cứ địch.
Lê “ba cạnh” được trang bị cho súng trường tấn công Type 56 (phiên bản sao chép AK-47 của Trung Quốc) được gắn liền với súng. Khi không ở trạng thái chiến đấu, lưỡi lê được gấp gọn phía dưới ốp lót tay.
Trong hai loại này thì lưỡi lê ba cạnh được nhiều người biết đến hơn và loại lê này cũng gây ấn tượng mạnh hơn nhờ hình dạng bên ngoài. Lính Mỹ thường lo sợ khi liên tưởng đến lê ba cạnh nhưng trong thực tế, nó ít tác dụng hơn lê "lá lúa" khi chỉ có công dụng chủ yếu là đâm.
Lê "lá lúa" được gắn trên AK-47
Lưỡi lê "ba cạnh" được gắn trên súng AK-47
Thời chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã đưa khoảng 3 triệu lưỡi lê vào Việt Nam. Trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến tranh, trên phim ảnh hay trong các chiến dịch tuyên truyền, hình ảnh lính Mỹ thường rất dũng mãnh với những đòn thế trong cận chiến cùng các loại vũ khí hảo hạng như dao găm KA-BAR hay lưỡi lê M7.Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược với những hình ảnh đó.
Để hạn chế ưu thế về hỏa lực của Mỹ, trong một số trận đánh, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lựa chọn chiến thuật đánh gần, đánh đêm. Trong chiến thuật này thì đánh giáp lá cà bằng lưỡi lê thường khiến lính Mỹ khiếp sợ nhất. Mặc dù số lượng thương vong của lính Mỹ bởi lưỡi lê không thực sự nhiều nhưng những hình ảnh khi bị tấn công bằng lê thực sự khiến tâm lý lính Mỹ trở nên hoang mang.
Một trong những trận giáp lá cà nổi tiếng nhất đó là trận Ia-Drang vào tháng 11/1965. Sau khi dùng súng cối phá đội hình địch, bộ đội ta nhanh chóng xung phong chia cắt, áp sát và sử dụng AK bắn găm, dùng lưỡi lê đánh địch.
Đối diện với bộ đội ta thì lính Mỹ vô cùng hoảng sợ nhưng đối với nhân dân miền Nam thì chúng lại vô cùng tàn bạo. Rất nhiều đồng bào vô tội đã bị chết vì những lưỡi lê, lưỡi dao găm tàn ác của lính Mỹ.
Một trong những vụ thảm sát đẫm máu nhất đó là vụ thảm sát Mỹ Lai (thảm sát Sơn Mỹ). Lính Mỹ đã thảm sát hàng loạt 504 dân thường không có vũ khí, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Rất nhiều người trong số đó đã bị tước đoạt mạng sống bằng lưỡi lê của lính Mỹ.
Đài BBC mô tả lại tội ác này: “Phụ nữ bị cưỡng bức hàng loạt; những người quỳ lạy xin tha bị đánh đập và tra tấn bằng tay, bằng báng súng, bị đâm bằng lưỡi lê. Một số nạn nhân bị cắt xẻo với dấu "C Company" trên ngực.”
Sự kiện thảm khốc này đã gây sốc cho dư luận Mỹ, Việt Nam và thế giới bởi sự tàn ác không thể biện minh của lính Mỹ.