Cơ hội
Theo thông tin từ báo Economic Times (Ấn Độ), hiện nay tập đoàn Reliance Infrastructure (sở hữu cổ phần trong nhiều công ty quốc phòng Ấn Độ) đang tìm kiếm sự giúp đỡ của Nga cho các chương trình sản xuất tàu ngầm hạt nhân và tàu chiến tàng hình cho Hải quân Ấn Độ.
Nguồn tin trên cho biết, các nhà quản lý cao cấp của Reliance đã có mặt ở Moskva tuần trước để gặp các quan chức quốc phòng Nga nhằm tìm kiếm đối tác cho liên doanh giữa một công ty quốc phòng Nga và Pipavav Defence & Offshore Engineering, xưởng đóng tàu quân sự lớn nhất Ấn Độ mà Reliance sở hữu 18% cổ phần.
Cụ thể, Reliance đang tìm một đối tác Nga có “trình độ công nghệ cần thiết để sản xuất tàu chiến tại Ấn Độ”.
Hiện tại, các cuộc gặp được tỏ chức ngay trước khi Ủy ban An ninh Nội các Ấn Độ (CCS) phê chuẩn kế hoạch cho một công ty Ấn Độ đóng trong nước 6 tàu ngầm hạt nhân và 7 tàu chiến tàng hình. Khoản đầu tư ban đầu cho dự án là 1 ngàn tỷ rupi (15,67 tỷ USD).
Mặc dù chính phủ Nga từ chối xác nhận thông tin này, nhưng có vẻ đây là một khả năng thật sự.
“Phía Nga cởi mở để đàm pán với các đối tác Ấn Độ về các dự án khác nhau, kể cả hợp tác và các liên doanh nhằm sản xuất thiết bị quốc phòng hiện đại”, một quan chức tại đại sứ quán Nga ở Delhi cho biết.
Còn một quan chức của hãng Reliance cho biết: “Chúng tôi cam kết mạnh mẽ đầu tư cho khu vực quốc phòng và chương trình “Make In India program” của Thủ trướng Modi”.
Không chỉ có chương trình “Make in India program”, liên doanh Nga-Ấn tương lai cũng sẽ tận dụng được ưu thế của các điều chỉnh do ông Modi thông qua năm ngoái trong các luật đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vốn FDI nay được phép chiếm 49% các dự án khu vực quốc phòng so với 26% trước đây.
Nga bị phớt lờ
Trước khi Nga có cơ hội cùng Ấn Độ hợp tác phát triển tàu ngầm hạt nhân và chiến hạm tàng hình, Nga đã bị đối tác truyền thống Ấn Độ bỏ qua khi Bộ Quốc phòng nước này quyết định đóng tàu sân bay hạt nhân INS Vishal mới với sự hỗ trợ công nghệ từ Mỹ.
Theo đó, hàng không mẫu hạm INS Vishal thứ hai của Hải quân Ấn Độ sẽ có trọng lượng khoảng 65.000 tấn, nhiều hơn 25.000 tấn so với chiếc INS Vikrant thứ nhất.
Theo kế hoạch, dự kiến tàu sân bay INS Vishal sẽ được “trình làng” vào năm 2023. Sau khi nhận nhiệm vụ, Vishal sẽ là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử Hải quân Ấn Độ.
Việc Mỹ hỗ trợ Ấn Độ phát triển tàu sân bay sử dụng năng lượng nguyên tử được tiết lộ từ hồi đầu năm 2015. Khi đó, một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cho biết Chính phủ Mỹ sẽ ủng hộ việc bán các công nghệ tàu sân bay cho Ấn Độ, trong đó có hệ thống phóng điện từ trên tàu sân bay của Tập đoàn General Atomics.
Đây là tuyên bố công khai và trực tiếp nhất tới khả năng hợp tác được đánh giá là “bom tấn” giữa Mỹ và Ấn Độ.
Giám đốc Chương trình Mua sắm Vũ khí thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ Frank Kendall đã bày tỏ lạc quan trước viễn cảnh Washington và New Dehli hợp tác phát triển một tàu sân bay cho Ấn Độ.
Ông Frank Kendall cho biết giới chức Mỹ ủng hộ khả năng Ấn Độ có được Hệ thống phóng máy bay bằng điện từ (EMALS) do General Atomics nghiên cứu phát triển.
Theo ông, không có bất kỳ trở ngại nào nếu Ấn Độ muốn sở hữu những công nghệ tàu sân bay của Mỹ. Vấn đề này sẽ do một nhóm chuyên viên chung của hai nước phụ trách giải quyết.
Tuyên bố của phía Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đang muốn sử dụng các công nghệ tối tân của Mỹ để “nâng tầm” một tàu sân bay đang trong kế hoạch phát triển của nước này.
Giới chuyên gia đánh giá hệ thống EMALS là một trong những công nghệ tàu sân bay tân tiến nhất hiện nay vì nó thay đổi hoàn toàn phương thức phóng máy bay trên các tàu sân bay.
Trung Quốc từ lâu luôn muốn sử dụng loại công nghệ này cho tàu sân bay của mình, song yêu cầu công nghệ chưa cho phép.
Hệ thống EMALS sẽ giúp các máy bay cất cánh trên một đường băng bằng phẳng với tốc độ nhanh hơn và cải thiện hiệu quả hoạt động của máy bay.
Bước đi này của Ấn Độ được nhìn nhận là nhằm làm sâu sắc hợp tác quốc phòng với Mỹ và đối trọng với tầm ảnh hưởng về quân sự của Trung Quốc trong khu vực.