Chuyện về những phi công tiêm kích Việt Nam từ chối... nhảy dù

Để đào tạo được một phi công tiêm kích là cực kì tốn kém. Người ta đã hạch toán vui “Giá đào tạo được tính bằng số ki lô gam vàng ròng tương đương với trọng lượng cơ thể phi công”.

Tuy nhiên, sự so sánh này chỉ mang tính ước lệ, chứ sự thực kinh phí cho đào tạo một phi công tiêm kích phải lớn hơn thế nhiều. Tôi đã lẩn thẩn làm một phép tính: Một giờ bay, chỉ riêng tiền nhiên liệu đã hết khoảng 150 triệu đồng. 100 giờ bay là hết 15 tỉ đồng...

Đấy là chưa kể các khoản chi phí khổng lồ dành cho hao mòn máy bay, trang thiết bị, nhân lực phục vụ, cơ sở hạ tầng… gấp nhiều lần nhiên liệu. Vì thế phi công tiêm kích thực sự là tài sản quí của mỗi quốc gia, được ưu tiên bảo vệ, giữ gìn. Khi gặp bất trắc trên không, phi công luôn được yêu cầu thoát li khỏi máy bay...

Cú hạ cánh lịch sử

Trận không chiến đầu tiên giữa Không quân Nhân dân Việt Nam và Không lực Hoa Kỳ diễn ra vào ngày 3-4-1965. Các máy bay cường kích A-4 được các tiêm kích F-8E hộ tống cất cánh từ hàng không mẫu hạm ngoài biển Đông tiến vào đánh phá cầu Tào, cầu Đò Lèn và cầu Hàm Rồng.

Hai biên đội Mig-17A của Không quân Nhân dân Việt Nam được lệnh cất cánh. Biên đội 1 do Đại úy Trần Hanh chỉ huy, làm nhiệm vụ nghi binh kéo giãn đội hình máy bay Mỹ để biên đội hai do Trung úy Phạm Ngọc Lan dẫn đầu tấn công.

Phi công Phạm Ngọc Lan (Ảnh: T.L)

Sau 30 phút không chiến, 2 chiếc F8E đã bị bắn hạ. Và người bắn rơi máy bay Mỹ đầu tiên là phi công Phạm Ngọc Lan. Ông cũng là phi công đầu tiên của Việt Nam… từ chối nhảy dù.

Số là trên đường thoát li Phạm Ngọc Lan phát hiện một chiếc F-8E chạy lạc đội hình, đang ‘ngơ ngáo’ giữa trời. Tình thế ‘ngon ăn’, Phạm Ngọc Lan quyết định tăng tốc đuổi theo. Sau khi tiêu diệt đối thủ thì chiếc Mig không còn đủ nhiên liệu trở về sân bay. Sở chỉ huy đã yêu cầu nhảy dù, nhưng Phạm Ngọc Lan đã xin phép được tính toán giây lát và đã có một cú hạ cánh ngoạn mục: cho máy bay trượt bụng theo thảm ruộng ngô bên bờ sông Đuống.

Sau này trong các cuộc giao lưu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Lan thường kể lại rằng, lúc đó ông chỉ nghĩ giản dị “Chiếc máy bay này vừa cùng mình lập chiến công, không nỡ bỏ…”

Nhưng ý nghĩa của cú hạ cánh đó thì lớn hơn thế rất nhiều. Đây là cuộc không chiến đầu tiên giữa một lực lượng không quân non trẻ với một lực lượng không quân nhà nghề, nên sau một hồi nín thở theo dõi, các nhà quan sát phương Tây đã phải ngậm ngùi bình luận “Sau khi bắn hạ 3 chiến đấu cơ F-8E của Hoa Kỳ, các máy bay Mig-17A của Bắc Việt đã rút về hạ cánh an toàn”.

Đây là niềm cổ vũ rất lớn, tác động tích cực tới tinh thần của phi công Việt Nam, đồng thời gây một tâm lí hoang mang cho các phi công Mỹ. Nếu hôm đó Phạm Ngọc Lan nhảy dù, máy bay của ông sẽ lao xuống đất bốc cháy, tỉ số trận đấu sẽ không phải là 0-3, mà rất có thể nó sẽ trở thành một cái tít hot trên báo chí phương Tây: “Trận không chiến đầu tiên, một Mig-17A của Bắc Việt đã bị F-8E Hoa Kỳ bắn hạ”…

Cú bạt gió giữa trùng khơi

Để bảo vệ đất nước, Việt Nam đã mua dòng máy bay tiêm kích hiện đại nhất thế giới. Những phi công tiêm kích xuất sắc nhất được tuyển chọn để khai thác, sử dụng khối tài sản lớn này. Và những gì các phi công tiêm kích Việt Nam đang thể hiện đã không phụ lòng tin của nhân dân.

Phi công Nguyễn Xuân Tuyến

Ngày 9-4-2011, một biên đội Su-30MK2 của Trung đoàn 935 do Trung tá Phi đội trưởng Nguyễn Xuân Tuyến chỉ huy nhận nhiệm vụ bay tuần tiễu quần đảo Trường Sa. Khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, cách đất liền 600km, đèn báo nguy trên máy bay của Nguyễn Xuân Tuyến bật sáng.

Đồng hồ báo áp suất dầu của động cơ trái đã tụt về 0 cùng lúc người bay phía sau thông báo có khói đen phụt ra từ động cơ. Bằng một phản xạ tức thời, Nguyễn Xuân Tuyến tắt ngay động cơ trái. Giữa mùa gió chướng, lực gió cạnh rất mạnh xô chiếc tiêm kích chỉ còn một động cơ tròng trành nghiêng ngả. “Nhảy dù!”, lệnh gài sẵn ở bộ phận cảnh báo nguy hiểm trên máy bay phát ra. Khi gặp lệnh này, nếu phi công không có bản lĩnh rất dễ bị rối.

Nhưng với Nguyễn Xuân Tuyến, người đã lái qua 8 loại máy bay thì khác. Anh đã “chống lệnh nhảy dù” của máy báo tự động, vì tự tin rằng, tình huống vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Anh xin phép Sở chỉ huy được đổi hướng bay về sân bay dự bị cách 400km. Trong gió lớn, “chú thiên nga Su-30MK2” vẫn ngoan cường bạt gió hướng về đất liền.

Cách sân bay Phan Rang 139km, nó từ từ hạ độ cao. Hạ cánh bằng một động cơ cực kì nguy hiểm vì nguy cơ xóc nẩy, lệch đường băng, va chạm… Nhưng với kinh nghiệm của người có trên 1500 giờ bay, Nguyễn Xuân Tuyến đã bình tĩnh điều khiển chiếc tiêm kích có giá thành 60 triệu USD tiếp đất thành công.

Với thành tích này Trung tá Nguyễn Xuân Tuyến được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3, được bổ nhiệm chức Trung đoàn phó và hiện là Trung đoàn trưởng 935 với quân hàm Thượng tá.

Cú vọt mình trong lửa cháy

Từ đầu loạt phóng sự, bạn đọc đã biết phi công cấp 1 Đào Quốc Kháng với chức danh Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 935. Còn trong bài này bạn đọc sẽ được biết một Đào Quốc Kháng phi công cấp 3 từ ngày mới chỉ giữ chức Chính trị viên phi đội 1.

Phi công Đào Quốc Kháng

Đào Quốc Kháng quê ở Yên Định, Thanh Hoá, là con của liệt sĩ Đào Minh Khuê. Anh có dáng vẻ thư sinh, dễ mến nên anh em trong đơn vị đặt cho anh cái biệt danh Kháng “còi”.

9 giờ 50 phút ngày 2-10- 2007, Đào Quốc Kháng nhận lệnh bay chuyến thứ hai trong ngày. Nhưng vừa cất cánh khỏi đường băng 20m anh bỗng thấy máy bay rung bần bật và ngoắt lệch sang phải với một lực níu ghê gớm, suýt nữa thì va vào chiếc của người bạn bay cùng.

Trong tai nghe vang lên tiếng thông báo bằng tiếng Nga: “Cháy động cơ bên phải” và các loại đèn báo nguy đồng loạt bật sáng. Tức thì, Đào Quốc Kháng tắt động cơ bên phải, ngắt đường dầu và ấn nút dập lửa. Đèn báo cháy vẫn sáng cùng với lệnh “Nhảy dù!”. Nhưng thay vì ấn nút bung dù, Đào Quốc Kháng lại ấn nút… tăng lực động cơ, cho máy bay vót lên độ cao 1000m.

Theo các nhà thiết kế tính toán, sau 8-10 giây đèn báo cháy động cơ bật sáng, máy bay có thể bị nổ thùng chứa nhiên liệu. Điều này thì Đào Quốc Kháng đã thuộc lòng nên anh nhấn nút xả hết dầu cách sân bay 13km và dùng lực quán tính đưa máy bay quay lại. Chiếc SU – 27 mang theo một đuôi lửa lướt xẹt về sân bay trong nỗi lo lắng đứng tim của hàng trăm người.

Máy bay vừa tiếp đất, Đào Quốc Kháng bình tĩnh thả dù phanh, đưa máy bay cách xa khu vực đông người, đỗ lại, bật nắp buồng lái. Lúc này anh nghe rõ tiếng lửa cháy xèo xèo cùng tiếng còi hú rầm rĩ của xe cứu thương, xe chữa cháy. Anh tụt khỏi máy bay chạy ngay lại giằng chiếc vòi rồng trong tay chiến sĩ cứu hỏa để dập lửa.

Biên đội bay tuần tiễu (Ảnh: T.L)

Lửa tắt. Những cánh tay lực lưỡng công kênh Đào Quốc Kháng lên cùng những lời hò reo vang rội dành cho người đã cứu chiếc chiến đấu cơ trị giá 30 triệu USD khỏi tan tành trong chốc lát.

Với chiến công này, Đào Quốc Kháng được đề bạt thăng quân hàm trước niên hạn từ Trung tá lên Thượng tá, đồng thời được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3...

Sự việc đã xảy ra 5 năm nhưng mọi người ở Trung đoàn 935 vẫn luôn nhắc nhớ với sự thán phục. Hỏi, làm sao lúc ấy anh lại có thể xử lí tình huống một cách “đột sáng” như thế? Đào Quốc Kháng chân thành: “Tất cả phản xạ của tôi lúc đó gần như tự động. Sau này về xem lại phim và nghe lại băng ghi âm trên máy bay mới biết mình đã làm gì thôi.”

Có một chuyện ít người biết về Đào Quốc Kháng là thời gian đó vợ anh đang nằm điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh, nhưng anh vẫn cố gắng để có thể vừa chăm sóc vợ, vừa công tác bình thường. Sau buổi giải cứu máy bay, anh lại lặng lẽ đến bệnh viện và định bụng giấu chuyện. Nhưng bằng mẫn cảm đặc biệt, chị đã biết tin.

Khi vừa gặp lại, chị nhìn anh trách móc: “Chuyện tày trời như thế mà sao anh không điện cho em biết?”. Anh chỉ biết gãi đầu cười trừ: “Chuyện bình thường thôi mà!”. Chị nhìn anh ứa nước mắt kêu lên: “Trời ơi, chuyện thế mà anh cho là bình thường à?!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại