Chuyên gia Mỹ: S-400 không "bất khả chiến bại"

Hòa Trần - Vy Lam |

Theo Ian Easton, mặc dù mối đe dọa từ phía một hệ thống phòng không tiên tiến như S-400 là rất lớn nhưng Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ vẫn sẽ có những phương án để đánh bại nó.

Trang mạng Defense News (Mỹ) đăng tải bài viết bình luận về những mối đe dọa lớn mà Trung Quốc có thể mang lại nếu nước này mua được hệ thống phòng không tiên tiến S-400 của Nga.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Nếu Trung Quốc mua được S-400

Các máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan đang phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ kho tên lửa đất đối không của Trung Quốc.

Loại tên lửa mới nhất và đáng ngại nhất là tổ hợp phòng không di động S-400 mà Nga định bán cho Trung Quốc.

Cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự Liên bang Nga (FSVTS) gần đây đã bác bỏ thông tin mà truyền thông Nga đưa ra rằng Moscow đã ký kết hợp đồng trị giá 3 tỷ USD để cung cấp 6 tiểu đoàn tên lửa S-400 cho Bắc Kinh.

S-400 là phiên bản nâng cấp của tên lửa S-300. Hiện tại, các tên lửa S-300 đang được Trung Quốc triển khai trong các tiểu đoàn đóng quân gần các thành phố lớn và dọc bờ biển đối diện Đài Loan, Nhật Bản.

Kashin dự đoán Trung Quốc có thể triển khai S-400 tại Hoa Đông.

Theo Vasily Kashin, hệ thống S-400 là một nhân tố thay đổi cuộc chơi ở Hoa Đông

Theo Vasiliy Kashin, chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc tại Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ ở Moscow, với tầm bắn 400km và được triển khai tại tỉnh Phúc Kiến, hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) sẽ có thể bao phủ toàn bộ không phận Đài Loan.

Theo Kashin, như vậy, nó sẽ giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề "chiếm ưu thế trên không".

Cũng theo Kashin, nếu Trung Quốc triển khai S-400 tại tỉnh Sơn Đông, nó sẽ bao phủ không phận của quần đảo Senkaku.

"Đó sẽ là một năng lực phi đối xứng khác. Khi kết hợp cùng các tên lửa đạn đạo chống tàu, nó sẽ giúp Trung Quốc giải quyết các xung đột tiềm năng ở Hoa Đông" - Kashin nói.

Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền ở khu vực quần đảo Senkaku do Nhật Bản nắm quyền kiểm soát, Bắc Kinh gọi khu vực này là Điếu Ngư.

Kashin cho biết một số yếu tố khác cho phép dự đoán Trung Quốc sẽ triển khai S-400 ở Hoa Đông, bao gồm việc nước này tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông, bao trùm Senkaku, vào tháng 11/2013.

Paul Giarra, Chủ tịch viện nghiên cứu chiến lược và biến đổi toàn cầu nhận định:

"Với tầm bắn cực xa và khả năng tác chiến điện tử hiệu quả, S-400 là một nhân tố "thay đổi cuộc chơi", tạo ra thách thức lớn đối với các năng lực quân sự hiện tại trong trường hợp xảy ra chiến tranh".

Theo Giarra, S-400 có thể biến từ một hệ thống phòng thủ thành một hệ thống tấn công, mở rộng phạm vi “chiếc ô” chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc lên lãnh thổ các quốc gia đồng minh của Mỹ và trên biển.

Theo York Chen, một cựu cố vấn thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Đài Loan, S-400 sẽ giúp Trung Quốc tự tin hơn trong việc kiểm soát không phận Đài Loan và nó sẽ trở thành một nhân tố quan trọng để đánh bại năng lực phòng không của Đài Loan trong chiến tranh.

Sau khi các tên lửa đất đối đất của Trung Quốc phá hủy các căn cứ không quân và đường băng của Đài Loan trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, S-400 có thể phát hiện và tiêu diệt các máy bay chiến đấu còn lại của Đài Loan.

Đó là chưa kể đến các máy bay chiến đấu của Mỹ hoặc Nhật Bản tới hỗ trợ Đài Loan trong cuộc chiến.

Ông Chen ủng hộ Đài Loan mua các máy bay có khả năng cất cánh ngắn/hạ cánh thẳng đứng như F-35B và V-22 Osprey để vận chuyển hàng hóa/binh sĩ.

Theo ông Chen, Trung Quốc có 1.300 tên lửa tầm ngắn nhắm tới Đài Loan. Các căn cứ không quân của vùng lãnh thổ này sẽ nhanh chóng bị quét sạch không bao lâu sau khi chiến tranh với Trung Quốc nổ ra.

Vẫn có cách khắc chế

Tuy nhiên, theo Ian Easton, một nhà nghiên cứu tại Viện Project 2049 (Mỹ), mặc dù mối đe dọa từ phía một hệ thống phòng không tiên tiến như S-400 là rất lớn nhưng Đài Loan, Nhật Bản và Mỹ vẫn sẽ có những phương án để đánh bại nó.

Các phương án này bao gồm tác chiến điện tử, xác định vị trí radar của tên lửa và phá hủy nó bằng các tên lửa diệt radar.

Easton nói:

Ngay khi hệ thống radar tầm xa của S-400 được khởi động, nó sẽ trở thành mục tiêu đánh chặn ngay lập tức của các đơn vị tình báo tín hiệu (SIGINT) Đài Loan bố trí trên đảo Tung-yin và Matsu.

Nó cũng sẽ trở thành mục diêu dễ bị tấn công bởi các đơn vị SIGINT của Mỹ và Nhật Bản ở Okinawa và các đảo lân cận.

Đó là chưa kể đến các tàu ngầm thu thập thông tin tình báo của Mỹ và đồng minh triển khai ngoài khơi Trung Quốc, cả những máy bay do thám có người lái và không người lái đang tuần tra biển Hoa Đông.

Theo Ian Easton, Nhật Bản và Mỹ vẫn sẽ có những phương án để đánh bại S-400 nếu Trung Quốc mua được hệ thống này từ Nga.

Theo Ian Easton, Nhật Bản và Mỹ vẫn sẽ có những phương án để đánh bại S-400 nếu Trung Quốc mua được hệ thống này từ Nga.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Đài Loan cho rằng, mặc dù S-400 là hệ thống phòng không di động nhưng có khả năng Trung Quốc sẽ triển khai chúng tại các địa điểm cố định như đối với các hệ thống phòng không S-300PMU.

"Thói quen này sẽ khiến các tên lửa Trung Quốc dễ bị tấn công. Hơn nữa, không có hệ thống tên lửa đất đối không nào hoàn hảo cả, nhất là hệ thống của Nga" - vị này nói.

Cũng theo quan chức trên, Đài Loan đã phát triển các hệ thống tên lửa nội địa để đối phó Trung Quốc, như tên lửa đất đối không Tien Kung 2 và 3, tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hsiung Feng 2E.

Hiện tại, Đài Loan cũng đang phát triển tên lửa chống tàu Hsiung Feng 2 với tầm bắn mở rộng, lên tới 250km. Hiện tên lửa Hsiung Feng 2 đang ở giai đoạn phóng thử nghiệm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại