Nhằm tăng cường việc bảo tồn lực lượng cùng hiệu suất tác chiến, Cơ quan Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) đã bí mật tiến hành chương trình thí nghiệm tại một căn cứ ở thành phố Philadelphia (tiểu bang Pennsylvania), khi Thế chiến II đang diễn ra hết sức khốc liệt.
“Philadelphia Experiment” (Cuộc thử nghiệm ở Philadelphia), hay còn được phổ biến qua một tên gọi khác là “Rainbow Project” (Dự án Cầu vồng) có mục đích biến con tàu chiến bề thế thành một vật thể vô hình, khiến radar cũng như ngư lôi tấn công của đối phương không thể phát hiện ra dựa theo lý thuyết “triệt tiêu từ trường”.
Phương tiện được chọn là chiếc tàu USS Eldridge mới được hạ thủy, mang tên của cố thiếu tá hải quân John Eldridge (1903-1942), người đã hy sinh trước đấy không lâu trong cuộc chiến trên quần đảo Solomon, phía nam Thái Bình Dương.
Tàu chiến đời mới USS Eldridge mang phiên hiệu DE-173 thuộc biên chế thường trực của Hải quân Mỹ, có lượng giãn nước 1.620 tấn, với chiều dài là 93m và chiều rộng là 11,23m. Thủy thủ đoàn của tàu USS Eldridge gồm 15 sĩ quan và 201 lính thủy, cùng tầm hoạt động là 12.400 hải lý, có thể đạt vận tốc tối đa 39km/h trong những chuyến hải trình xuyên đại dương.
Tàu USS Eldridge được trang bị hỏa lực siêu mạnh với thế hệ ngư lôi săn tàu ngầm hiện đại, sẽ đảm nhận sứ mạng tối quan trọng là tuần tiễu và hộ tống các đoàn tàu vận tải trong vùng biển Địa Trung Hải, cũng như hỗ trợ các hoạt động tác chiến của quân Đồng minh ở Bắc Phi và dọc sườn phía nam châu Âu.
Vào ngày 28/10/1943, sau 2 tháng chính thức đưa vào hoạt động trong đội hình thường trực chiến đấu của hải quân, tàu USS Eldridge đang neo đậu tại Quân cảng Philadelphia ven bờ Đại Tây Dương, đợi tiếp nhận vũ khí và nhu yếu phẩm trước khi khởi hành sang chiến trường Địa Trung Hải. Đột nhiên có thông báo khẩn - hoãn khởi hành vô thời hạn từ Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Washington D.C. Kế đến người ta chất bổ sung lên con tàu hàng trăm tấn thiết bị điện tử, trong khuôn khổ chương trình thí nghiệm mang mật danh "Philadelphia Experiment" hay còn gọi là “Dự án Cầu vồng”.
Với mục đích biến con tàu thành một vật thể vô hình, khiến radar cũng như ngư lôi tấn công của đối phương không thể phát hiện ra dựa theo lý thuyết "triệt tiêu từ trường", hay gọi một cách thông dụng là "khử từ" do nhà bác học lỗi lạc người Đức Albert Einstein phát minh ra, theo đó, những cỗ nam châm điện khổng lồ bố trí đối xứng trên thân tàu sẽ được kích hoạt cùng lúc, tạo ra hiệu ứng cộng hưởng từ triệt tiêu bức xạ điện từ, cũng như lực hấp dẫn bao quanh con tàu, khiến tàu USS Eldridge trở thành "vô hình" làm kẻ thù "có mắt cũng như mù".
Nhà nghiên cứu lịch sử hải quân nổi tiếng Carlos Miguel Allende, người từng có mặt trên con tàu mang tên Andrew Forrest đậu ngoài khơi Quân cảng Philadelphia, đã mục kích cuộc thử nghiệm cho biết có một màn sương mù màu xanh lục bao phủ toàn bộ chiếc tàu, khiến "USS Eldridge như bị treo lơ lửng trên không", như nguyên văn lời mô tả của nhà sử học C. Allende.
Sau đó, theo kế hoạch tàu USS Eldridge đã di chuyển đến Quân cảng Norfolk thuộc tiểu bang Virginia, cách xa điểm khởi hành 200 hải lý (360km) trong trạng thái hoàn toàn vô hình. Vẫn theo sử gia C.
Allende thì chương trình "Philadelphia Experiment" đã mang tới hệ quả là phân nửa các sĩ quan và thủy thủ đoàn bị mất trí nhớ, số còn lại trở nên vô thức không làm chủ được hành vi của mình... "Điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần của binh sĩ, nên ONI đã cố tình bưng bít toàn bộ sự việc cho dù sau đó họ đã khắc phục được trở ngại nêu trên, qua một chương trình thử nghiệm tâm sinh lý bí mật khác", C. Allende nhấn mạnh.
Một bằng chứng khó phủ nhận nữa là sau thời gian bảo trì định kỳ, ngày 28/5/1945 tàu USS Eldridge rời Quân cảng New York sang Thái Bình Dương tham chiến chống lại quân đội Nhật Bản. Giữa tháng 7/1945, trên đường đến đảo Saipan, phía bắc quần đảo Mariana để nhận tiếp liệu, tàu USS Eldridge đã băng qua đội hình dày đặc của Hải quân Nhật đang bố trí tại đây mà không hề bị tấn công, chứng tỏ vũ khí "tàng hình" đã phát huy hiệu quả.
Việc chiếc tàu đồ sộ USS Eldridge xuất hiện bất ngờ tại vùng nước gần đảo Okinawa sau đó, khiến lực lượng tình báo của phát xít Nhật vô cùng bối rối bởi không phát hiện kịp thời để đối phó, đặt lực lượng hải quân vào thế bị động trong các trận đánh then chốt nhằm trấn giữ hòn đảo Okinawa trọng yếu.
Đồng thời C. Allende cũng đưa ra giả thuyết, liên quan đến sự mất tích của chuyến bay MH 370 của Hãng Hàng không dân dụng Malaysia, xảy ra đã hơn một tháng: "Có thể ai đó đã áp dụng phương pháp triệt tiêu từ để chiếc Boeing 777 tránh bị phát hiện, khi đột ngột đổi hướng bay qua các vùng đất vốn được bố trí hệ thống radar dày đặc bên dưới…".
Cùng với Dự án Manhattan chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, chương trình "Philadelphia Experiment" được liệt vào hàng siêu mật liên quan mật thiết đến lĩnh vực an ninh quốc gia của Mỹ, nên không bao giờ được Washington giải mật chiểu theo Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA) như các tài liệu thông thường khác