Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa. Hôm nay, khi xem lại những tư liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi bắt gặp mình-chú bé con trong bức ảnh Bác Hồ, Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng lãnh đạo Đảng và quân đội chụp chung với các chiến sĩ Điện Biên, tôi lại bồi hồi xúc động, không ngờ mình có vinh dự lớn đến vậy.
Bức ảnh được chụp tháng 5-1954. Đó là lần đầu tiên tôi được chụp ảnh. Năm ấy, tôi 8 tuổi, lên ở cùng cha là Hồ Viết Thắng trong cơ quan Trung ương Đảng trên Chiến khu Việt Bắc. Hồi đó, Đoàn làm phim Liên Xô do đạo diễn nổi tiếng Rô-man Các-men đang sang làm phim về Việt Nam kháng chiến. Sau này, ông có bộ phim nổi tiếng "Việt Nam trên đường thắng lợi".
Dịp sinh nhật Bác Hồ, Đoàn làm phim đến quay ở cơ quan Trung ương Đảng. Sáng 19-5, chúng tôi, những đứa con của các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng (khóa II) trong cơ quan được diện quần áo mới, quàng khăn đỏ lên chúc mừng Bác. Bác cho chúng tôi ăn kẹo, uống nước ngọt, rồi chúng tôi quây quần quanh Bác xem tranh ảnh và múa hát. Chia tay Bác, các bạn tản đi chơi, riêng tôi vẫn cứ quanh quẩn ở sân trước nhà Bác, vì tôi thấy một đoàn có 6 chú bộ đội trông rất oai đi cùng bác Võ Nguyên Giáp và một số bác cán bộ quân đội lên gặp Bác Hồ. Trong các chú, tôi chỉ nhớ tên chú Vinh, vì chú ấy trẻ lắm, tôi nghĩ chú ấy chỉ là bậc anh của mình. Các cô chú trong cơ quan nói, mấy chú bộ đội trẻ này đánh giặc giỏi lắm, được về báo công và chúc mừng sinh nhật Bác.
Khi bác Võ Nguyên Giáp đưa các chú bộ đội đến, Bác Hồ ra ôm hôn từng chú. Bác kê ghế ngồi giữa sân, mọi người đứng quây quanh. Còn tôi, chú bé con thì lấp ló ở một gốc cây gần đó nghe lỏm. Bác Hồ hỏi hoàn cảnh gia đình và chuyện chiến đấu của từng chú. Nghe các chú kể, tôi thích lắm. Chắc là chuyện chiến đấu nhiều lắm, nên khi Bác đứng dậy, mọi người vẫn nói chuyện rất sôi nổi.
Thấy tôi lấp ló gần đó, Bác vẫy tôi vào. Tôi được đứng nép trong vòng tay của Bác Hồ trong lúc Bác, bác Võ Nguyên Giáp và bác Trường Chinh nói chuyện với các chú bộ đội. Lát sau, các chú bộ đội xếp hàng để Bác trao Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên. Ngày nay, mỗi khi có lễ, cơ quan điều lệnh hướng dẫn rất tỉ mỉ từng động tác cho mỗi người. Nhưng hồi ấy, chắc các chú từ quê vào bộ đội, rồi ra trận luôn nên ngỡ ngàng về điều lệnh lắm. Tôi nhớ sau khi gắn huy hiệu cho chú thứ nhất, chú ấy cứ đứng im, Bác nhắc: "Bác gắn huy hiệu cho các cháu, các cháu phải chào nhé. Thế mới là quân sự".
Sau lễ trao huy hiệu, Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng và quân đội chụp ảnh chung với 6 chiến sĩ Điện Biên. Thấy tôi lui ra ngoài, Bác Hồ nói: "Cháu đứng vào chụp với các bác". Tôi ngại ngần nhìn bác Trường Chinh và bác Võ Nguyên Giáp. Thấy hai bác gật đầu, tôi mới dám đứng vào. Đạo diễn Vla-đi-mia I-su-rin, một thành viên trong Đoàn làm phim bấm máy.
Sau này, tìm hiểu, tôi được biết những người trong tấm ảnh (từ trái sang phải) gồm:
Hàng thứ nhất: Đồng chí Lê Liêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ, Tổng Bí thư Trường Chinh. Chú bé đứng cạnh Tổng Bí thư Trường Chinh là tôi-tác giả bài viết.
Hàng thứ hai: Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó tổng Tham mưu trưởng; đồng chí Nguyễn Quang Thuận, Pháo thủ số 2, Trung đoàn pháo cao xạ; đồng chí Hoàng Đăng Vinh (người trẻ nhất) là người cùng với đồng chí Tạ Quốc Luật bắt sống Đờ Cát cùng toàn bộ ban chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; đồng chí Lê Thế Nhận, Đại đội trưởng Đại đội 397, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308; đồng chí Bạch Ngọc Giáp, Trung đội trưởng của Đại đội 806, Đại đoàn Công pháo 351; đồng chí Sáng (người có tầm vóc cao nhất trong 6 chiến sĩ) thuộc đơn vị công binh. Người đứng cuối cùng chỉ có nửa khuôn hình là đồng chí Nguyễn Dũng, chiến sĩ Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Một số ảnh đăng sau này hầu như không có đồng chí Nguyễn Dũng nên có khi bị hiểu nhầm: Chỉ có 5 chiến sĩ Điện Biên.
Về tấm ảnh này, có bài viết nhầm chú bé đó là Đặng Việt Bắc, con trai bác Trường Chinh. Sự nhầm lẫn đó cũng dễ hiểu, vì không thể tự nhiên lại có một chú bé "lạ” đứng vào chụp trong một tấm ảnh trang trọng như thế này. Ngày nay, mỗi khi nhìn tấm ảnh, tôi nghĩ: Chỉ có trong điều kiện đặc biệt ở Chiến khu Việt Bắc, tôi mới được đứng chụp như vậy. Đó thực sự là một vinh dự lớn trong cuộc đời tôi.