Vào hôm 16-2, tờ Business Standard cho biết bộ quốc phòng Ấn Độ đã tuyên bố rằng gói thầu Rafale “về cơ bản đã kết thúc”, sau 3 năm đàm phán.
Việc thắng thầu vào năm 2012 cho thấy Rafale hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của không quân nước này, nhưng hợp đồng đã thất bại do nhiều nguyên nhân.
Ngoài vấn đề giá cả nằm ngoài dự tính của 2 bên và những bất đồng xung quanh trách nhiệm đối với những mẫu Rafale được công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL) sản xuất Ấn Độ, các nhà phân tích cho rằng chính trị có thể là một nguyên nhân dẫn đến hợp đồng mua sắm 126 chiếc máy bay chiến đấu Rafale bị huỷ bỏ.
Sau những căng thẳng gần đây giữa Moscow và Paris liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine, khiến Pháp quyết định đình chỉ vô thời hạn việc bàn giao 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral, danh tiếng của Pháp trên thị trường xuất khẩu vũ khí đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, ông Petr Topychkanov - chuyên gia phân tích quân sự ở Trung tâm Carnegie Moscow - cho rằng có lẽ Nga đã tác động đến chính phủ Ấn Độ nhằm làm thương vụ Rafale đổ bể.
Tuy sự cạnh tranh từ những đối thủ đến từ Mỹ và châu Âu là rất lớn nhưng rốt cuộc, có lẽ Moscow sẽ nhận được hợp đồng này.
Lợi thế của “hàng Nga”
Ấn Độ có tham vọng lớn trong lĩnh vực quân sự, tuy nhiên, phi đội chiến đấu cơ MiG-21 hàng trăm chiếc của không quân nước này đã quá lỗi thời và không thể đáp ứng được nhu cầu tác chiến.
Bởi vậy, Ấn Độ đã tuyên bố đấu thầu dự án chiến đấu cơ đa nhiệm (MMRCA) trị giá tới 10 tỉ USD.
Nga mang tới dự thầu tiêm kích thế hệ 4+ MiG-35, lúc đó vẫn đang trong quá trình phát triển, bởi vậy đã không nhận được sự quan tâm của lãnh đạo quân đội Ấn Độ, do yêu cầu của họ là một chiến đấu cơ phải từng thể hiện được khả năng của mình và đang trong quá trình sản xuất hàng loạt.
Chiến đấu cơ Rafale của Pháp đã chính thức thất bại ở Ấn Độ
Kể từ khi có dấu hiệu trục trặc của thương vụ Rafale, Ấn Độ đã có dấu hiệu quay trở lại với “hàng Nga”, tuy nhiên không phải là chiến đấu cơ MiG-35 của Mikoyan mà vẫn là chiếc Su-30 MKI của Sukhoi.
Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, các máy bay Su-30MKI của Nga đang được coi là sự thay thế thích hợp cho Rafale vì giá cả và sự ổn định nó mang lại.
Lợi thế đầu tiên của Su-30MKI có thể được kể đến là sự phổ biến trong Không quân Ấn Độ.
New Delhi chưa từng mua các loại máy bay phương Tây nên khó tránh khỏi việc gặp khó khăn trong hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng, hoặc có kinh nghiệm chế tạo linh kiện cho Rafale.
Tuy nhiên, đối với Su-30MKI của Nga thì lại khác khi Ấn Độ hiện hiện có một phi đội 200 chiếc chiến đấu cơ loại này, đang đóng vai trò xương sống của toàn bộ lực lượng không quân.
Việc mua Su-30MKI chắc chắn sẽ tiếp kiệm được các chi phí về huấn luyện phi công, mua sắm vũ khí và sửa chữa, bảo dưỡng.
Có thể ra đời trước và không thể sánh bằng Rafale về mặt công nghệ, nhưng giá của Su-30MKI lại rẻ gấp đôi (trên 60 triệu USD so với hơn gần 130 triệu USD).
Ngoài ra, Ấn Độ và Nga cũng đang tiến hành nâng cấp cho Su-30MKI nhằm mở rộng phạm vi tác chiến, tốc độ xuất kích, hỏa lực và khả năng cơ động linh hoạt.
Điểm đặc biệt đáng lưu ý là Su-30MKI sẽ được trang bị tên lửa hành trình chống hạm tốc độ siêu âm hàng đầu thế giới BrahMos, điều có thể khiến nó trở nên nguy hiểm ngang với các loại tiêm kích hiện đại của phương Tây, cũng chính là niềm tự hào của liên danh Nga-Ấn BrahMos Aerospace,
Tại lễ khai mạc triển lãm hàng không dân sự và quốc phòng Aero India 2015 sẽ diễn ra vào 18-2 tới đây, công ty Irkut của Nga - một trong hai đơn vị có khả năng sản xuất các loại chiến đấu cơ dòng Su-30, dự định sẽ công bố chương trình hiện đại hoá dòng chiến đấu cơ này lên một tầm cao mới.
Loại bỏ sự cạnh tranh từ phương Tây
Dự án phát triển chung chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 PAK FA giữa Nga và Ấn Độ có thể là nguyên nhân gây khó khăn cho hợp đồng mua mới Su-30MKI, do Ấn Độ chắc chắn không muốn đặt niềm tin vào một đối tác duy nhất trong cả 2 dự án quan trọng của không quân nước này.
Do đó, Ấn Độ có thể thay thế Rafale bằng chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon của châu Âu.
Loại máy bay được đánh giá là là có tiềm năng cho thế chỗ Rafale nhờ công nghệ hiện đại và khả năng tác chiến hiệu quả.
Thêm nữa, London cũng đã mời chào New Dehli với mức giá hấp dẫn, bằng 1 nửa của Rafale là chưa tới 10 tỷ USD.
Trong chuyến thăm Ấn Độ vào năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Michael Fallon đã tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Ấn Độ về chiến đấu cơ Typhoon nếu nước này không thể tìm được tiếng nói chung với Pháp trong thương vụ chiến đấu cơ Rafale.
Tuy nhiên, Eurofighter Typhoon vẫn còn đắt hơn Su-30MKI, ngang ngửa cới Su-35 của Nga.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar cũng cho biết, nguyên tắc đấu thầu mà nước này đưa ra từ đầu không cho phép loại máy bay về thứ 2 được chấp nhận làm sản phẩm thay thế.
Ngoài sản phẩm đến từ châu Âu, Ấn Độ cũng có thể cân nhắc các nhà thầu quân sự đến từ Mỹ như Boeing hay Lockheed Martin, với 2 loại máy bay chiến đấu được ưa chuộng nhất trên thế giới là F-18 Hornet và F-16 Fighting Falcon, vốn cũng là một sự lựa chọn không tồi.
Quan hệ với giữa Nga và Mỹ đang ngày càng khẳng khít hơn hơn khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Ấn Độ đã cùng nhau bàn bạc về các thoả thuận hợp tác giữa 2 quốc gia, bao gồm trong cả lĩnh vực quân sự trong chuyến thăm mới diễn ra gần đây.
Tuy chỉ xâm nhập vào thị trường Ấn Độ khoảng 10 năm trở lại đây nhưng Washington đã nhanh chóng vượt qua Moscow - đối tác truyền thống và thân thiện của New Dehli để trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất vào nước này trong năm 2014 vừa qua.
Tuy nhiên, F-18 Hornet và F-16 Fighting Falcon còn tệ hơn Typhoon khi bị loại ngay từ vòng 1 của đợt đấu thầu năm 2009, cùng với MiG-35 của Mikoyan.
Eurofighter Typhoon đứng thứ 2 đã bị loại thì không có lí gì 2 loại máy bay Mỹ sẽ được lựa chọn thay thế.
Hơn nữa, New Dehli có mẫu thuẫn lâu đời với Islamabat, một đồng minh của Washington.
Nếu nước này mua máy bay từ Mỹ và dùng nó để đối phó với Pakistan trong một cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai, nhiều khả năng Hoa Kỳ sẽ ngừng cung cấp các phụ kiện và hỗ trợ bảo dưỡng máy bay cho họ.
Điều này cũng là vấn đề Ấn Độ rất lo lắng nên tuy hai nước đang hợp tác quốc phòng trên nhiều lĩnh vực nhưng họ rất cẩn thận khi mua sắm các phương tiện tác chiến của Mỹ.
Hiện trong lực lượng không quân nước này không có loại máy bay chiến đấu nào có xuất xứ từ Hoa Kỳ.
Cụ thể là tuy không quân nước này đã ném hàng chục tỷ USD vào các hợp đồng mua sắm máy bay Mỹ, nhưng chỉ là các loại phương tiện phục vụ bảo đảm như máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8I Neptune (phiên bản xuất khẩu của P-8A Poseidon), máy bay vận tải C-130 Hercules, C-17 Globemaster.
Trong chuyến thăm New Dehli hồi cuối tháng 1 vừa qua của ông Obama, tại cuộc duyệt binh kỷ niệm “Ngày Cộng hòa”, Ấn Độ đã trình diễn cho Tổng thống Mỹ thấy rất nhiều loại vũ khí tác chiến Nga trong quân đội nước này như tên lửa hành trình BrahMos, xe tăng T-90, tiêm kích hạm MiG-29K…
Dường như người Ấn muốn nói với Tổng thống Hoa Kỳ rằng, vũ khí Nga mới chính là sự lựa chọn đáng tin cậy của nước này, còn kim ngạch thương mại song phương khổng lồ giữa họ và Mỹ chỉ đơn thuần phục vụ cho chiến lược ngoại giao quân sự và đa dạng hóa cung cấp quốc phòng.
Xuất phát từ những nguyên nhân trên, chuyện không quân Ấn Độ sẽ quay trở lại với đối tác đáng tin cậy là Nga không khó dự đoán.