Chiến tranh Lạnh và cuộc "cách mạng" quân phục ngụy trang

Nhật Huy |

Thời kỳ Chiến tranh Lạnh là khi quân phục ngụy trang thực sự tìm được chỗ đứng của mình.

P1: Ngụy trang thời Thế chiến I: Cách Anh "che mắt" tàu ngầm Đức

P2: Ngụy trang thời Thế chiến II: Cuộc "đọ" quân phục Đức - Liên Xô

Quân đội các nước thay thế những mẫu quân phục đơn sắc bằng quân phục ngụy trang như là trang bị tiêu chuẩn. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của rất nhiều mẫu thiết kế ngụy trang khác nhau.

Tuy vậy, hướng phát triển chủ đạo là kết hợp giữa việc đồng nhất màu sắc với môi trường bên ngoài và hiệu ứng gây rối thị giác.

Tương tự như đa số kiểu ngụy trang khác, gây rối thị giác dựa trên cách ngụy trang trong tự nhiên của các loại động vật.

Nguyên lý của cách ngụy trang này không chỉ dựa trên việc che giấu đối tượng mà còn khiến kẻ thù không thể nhận dạng được đối tượng.

Đặc điểm chung của các loại quân phục dã chiến dùng kiểu ngụy trang như vậy là những mảng màu với hình dạng ngẫu nhiên, kết hợp nhiều tông màu với độ tương phản cao, thường là từ 4 màu trở lên.

Vạch đen trên thân loài rắn này để che cặp mắt của nó. Kẻ thù khó có thể nhận dạng được con rắn nếu không thấy mắt của nó

Nòng pháo chiếc tăng Sherman được sơn để đối phương nghĩ rằng nòng ngắn hơn thực tế, và do đó không thể nhận dạng được chiếc xe tăng.

Mẫu ngụy trang DPM

Anh là quốc gia đầu tiên trang bị quân phục ngụy trang rộng rãi cho mọi đơn vị trong quân đội.

Mẫu ngụy trang với tên gọi DPM được sử dụng từ cuối những năm 1960 cho đến nay.

DPM đã trải qua một số lần cải tiến nhưng hiện nay, về cơ bản, không có nhiều thay đổi so với khi nó ra đời cách đây 40 năm, do thiết kế ban đầu đã rất hiệu quả.

Trước khi thiết kế ngụy trang kỹ thuật số ra đời, DPM được xem là một trong những mẫu ngụy trang tốt nhất.

Ngoài Anh, nhiều quốc gia khác thuộc khối Thịnh vượng chung và các thuộc địa cũ của Anh cũng sử dụng DPM.

Quân phục ngụy trang DPM

Mẫu ngụy trang Wooland

Mẫu quân phục ngụy trang được biết đến rộng rãi nhất cho thời kỳ này là mẫu Woodland của quân đội Mỹ.

Nó cũng sử dụng 4 tông màu tương tự như DPM của Anh và cũng dựa trên nguyên lý gây rối thị giác. Woodland được tối ưu cho tác chiến tại các vùng rừng ở Châu Âu.

Được đưa vào sử dụng trong thời gian từ 1981 đến 2006, đây là mẫu ngụy trang đầu tiên của quân đội Mỹ được trang bị đại trà cho mọi đơn vị thuộc mọi quân chủng.

Ngoài ra, những bộ quân phục dã chiến Wooland cũng được phủ lớp bảo vệ để phản xạ bước sóng hồng ngoại giống với môi trường xung quanh, nhằm giảm khả năng bị kính nhìn đêm phát hiện.

Quân phục dùng mẫu ngụy trang Woodland của quân đội Mỹ

Woodland khi nhìn qua kính nhìn đêm hồng ngoại

Mẫu ngụy trang 3-TsV/Flora

Liên Xô sau Thế chiến II và trong phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh vẫn chỉ trang bị quân phục ngụy trang cho một số đơn vị tinh nhuệ như lính dù, xạ thủ, lính biệt kích, đặc nhiệm của KGB…

Tiêu biểu nhất là KLMK, một thiết kế đơn giản chỉ với 2 tông màu xanh lục và vàng nhạt.

Đây là mẫu ngụy trang dùng cho mùa hè, mô phỏng theo hiệu ứng ánh sáng khi những tia nắng chiếu xuyên qua các tán lá xuống nền rừng màu xanh.

Vì vậy, nó còn được gọi là mẫu ngụy trang "ánh dương". Ra đời từ đầu những năm 1960, mẫu ngụy trang KLMK gần đây vẫn còn được quân đội Nga sử dụng.

Mẫu ngụy trang KLMK

Mẫu ngụy trang KLMK

Nó còn được gọi là mẫu ngụy trang ‘Con thỏ’ vì hình dạng những mảng màu giống đôi tai thỏ

KLMK vẫn còn được sử dụng gần đây, như trong cuộc chiến tại Gruzia

Phải đến cuối Chiến tranh Lạnh, Liên Xô mới bắt đầu thiết kế mẫu ngụy trang để trang bị đại trà cho mọi đơn vị quân đội.

Được gọi là 3-TsV, thiết kế này sau đó trải qua một số cải tiến trước khi xuất hiện rộng rãi trong biên chế quân đội Nga và những nước thuộc Liên Xô cũ với cái tên "Flora".

Flora được thiết kế đặc biệt để phù hợp với môi trường, địa hình đặc trưng trong nội địa nước Nga thay vì ở Châu Âu như Woodland.

Flora được đưa vào sử dụng từ 1998
Flora và KLMK

Mẫu ngụy trang "Cọp vằn"

Một kiểu thiết kế quân phục ngụy trang đáng chú ý khác trong thời kỳ này là kiểu cọp vằn. Hiện nay, kiểu ngụy trang đó vẫn còn được sử dụng trong nhiều đơn vị quân đội trên thế giới.

Đặc biệt là trong cuộc chiến Afghanistan vừa qua, một số đơn vị đặc nhiệm Mỹ và Afghanistan đã sử dụng lại quân phục ngụy trang kiểu cọp vằn vì sự hữu dụng tại chiến trường này.

Quân phục dã chiến cọp vằn của đặc nhiệm Afghanistan

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại