Chiến thuật chống tàu ngầm và thủy lôi bằng trực thăng

ĐTN |

Trong tác chiến hải quân hiện đại, kẻ thù đáng ngại nhất của tàu mặt nước chính là tàu ngầm - những sát thủ có thể “tiễn” chúng xuống thăm Long Vương.

Vai trò của trực thăng trong tác chiến chống ngầm

Trong tác chiến chống ngầm thì trực thăng giữ một vai trò rất quan trọng, chúng có thể dò tìm tàu ngầm ở các khu vực cách xa hạm đội, treo lơ lửng một chỗ và dùng sonar (hay phao âm) để tìm kiếm dưới mặt nước.

Thiết bị sonar - So(und) Na(vigation) R(anging) được dùng để đo khoảng cách và tìm kiếm các vật thể dưới mặt nước bằng cách phát ra tín hiệu âm thanh và đếm thời gian những sóng âm này dội lại sau khi va chạm vào vật thể dưới nước.

Một chiếc MH-60R đang thả sonar AN/AQS-22 ALFS (Airborne Low-Frequency Sonar)

Thông thường sẽ có 5 người hoạt động trong chiếc trực thăng chống ngầm gồm: phi công chính, phi công phụ, hoa tiêu, sĩ quan điều khiển tời kéo sonar/xạ thủ và người điều khiển sonar.

5 người này phải phối hợp, điều khiển máy bay treo lơ lửng một chỗ và ở độ cao nhất định để thả sonar xuống sâu dưới nước khoảng 100 m. Tín hiệu âm thanh do sonar phát ra và thu lại sẽ được hiển thị trên màn hình điều khiển trong ca bin.

Vị trí của sĩ quan điều khiển sonar trên SH-60B

Một số loại sonar có thể kéo đi khi còn ở dưới mặt nước, một số khác phải được kéo lên và thu lại, khi tới địa điểm tiếp theo mới tiếp tục được thả xuống. Ở những điểm tìm kiếm khác nhau sẽ có các độ sâu thả sonar khác nhau.

Lợi thế của sonar trên trực thăng chống ngầm so với sonar trên tàu là phạm vi tìm kiếm rộng hơn, xa hơn và không bị hạn chế góc (ở tàu chiến, sonar thường bị hạn chế góc tìm kiếm ở khu vực thân tàu).

Một số phao âm AN/SSQ-53 dùng trong Hải quân Mỹ

Ngoài sonar, trực thăng còn sử dụng phao âm để tìm kiếm tàu ngầm. Thiết bị này được thả từ trực thăng và nổi trên mặt biển với bộ phát tín hiệu radio tần số VHF/UHF nằm trên mặt nước, còn các cảm biến âm thanh thì nằm dưới mặt nước.

Có 2 kiểu phao âm đó là phao âm chủ động và thụ động. Phao âm chủ động hoạt động giống như sonar còn phao âm thụ động thì “lắng nghe” các tần số âm thanh phát ra dưới biển như tiếng chân vịt tàu ngầm, sau đó truyền tín hiệu qua radio để trực thăng thu thập và phân tích.

Nạp phao âm vào giàn phóng trên SH-60B

Khi tàu ngầm hạt nhân di chuyển, lò phản ứng thường được làm mát bằng cách bơm nước biển vào và xả nước đã làm mát lò phản ứng ra ngoài, điều này làm vùng nước xung quanh tàu ngầm hạt nhân ấm hơn hẳn.

Vì vậy các trực thăng săn ngầm cũng được trang bị hệ thống quang hồng ngoại (FLIR/ Forward-Looking Infra-Red) để tìm kiếm tia hồng ngoại phát ra từ những vùng nước ấm ấy.

Một thiết bị không thể thiếu trên các trực thăng săn ngầm chính là hệ thống dò biến dị từ trường (MAD/ Magnetic Anomaly Detector).

Thiết bị này dùng để đo rối loạn từ trường trong lòng biển do tàu ngầm gây nên, vì tàu ngầm được chế tạo từ các hợp kim và kim loại gây rối loạn từ trường. Đây là cách rất hữu hiệu để phát hiện tàu ngầm.

Thiết bị dò biến dị từ trường ASQ-81 trên SH-60B

Hiện nay đa số tàu ngầm đã sử dụng hợp kim titanium và các hợp kim chống nhiễm từ khác nhằm chống lại thiết bị này. Mặc dù vậy, lò phản ứng hạt nhân, chân vịt, động cơ của tàu ngầm... vẫn được làm từ thép, nikel nên vẫn có thể phát hiện được.

Việc sử dụng thiết bị đo biến dị từ trường hiệu quả hơn sonar nhờ khả năng phân biệt được nhiễu tạp âm giữa tàu ngầm và cá voi.

Radar quét mặt biển AN/APS-124 lắp trên trực thăng chống ngầm SH-60B cùng với hệ thống đối kháng điện tử AN/ESM-142 và hệ thống liên kết dữ liệu ARQ-44

Tàu ngầm hạt nhân có thể ở hàng tuần dưới nước mà không cần nổi lên. Tuy nhiên, để phát hiện tàu nổi và tiêu diệt thì nó phải dùng kính tiềm vọng để quan sát vì sóng radar không thể truyền trong nước.

Lúc này radar quét mặt biển hoặc radar khẩu độ tổng hợp trên trực thăng có thể phát hiện vệt nước kéo đằng sau kính tiềm vọng của tàu ngầm.

Sau khi phát hiện được tàu ngầm, kíp chiến đấu sẽ gửi thông tin tình báo về kích cỡ, tín hiệu, chủng loại… của tàu ngầm đối phương về sở chỉ huy hoặc tàu mẹ và đưa ra biện pháp đối phó.

Những vũ khí mà trực thăng săn ngầm thường mang theo là ngư lôi và bom chìm. Ngư lôi có nhiều loại, một số có đầu dò thụ động bơi theo hướng âm thanh phát ra (tức chân vịt của tàu ngầm), một số dùng đầu dò tự phát ra âm thanh để xác định mục tiêu.

Ngư lôi Mk 46 trên trực thăng SH-60B

Ngư lôi thường dùng đầu nổ lõm để xuyên qua lớp kim loại dày của tàu ngầm và phá hủy cấu trúc bên trong. Còn bom chìm thì dùng đầu nổ mạnh để phá hủy con tàu bằng xung chấn thủy lực.

Bom chìm được lắp ngòi nổ định tầm độ sâu so với mặt nước biển, đến đúng độ sâu nó sẽ kích hoạt ngòi nổ và cho nổ quả bom, tạo nên một xung chấn thủy lực đủ lớn để gây sức ép phá hủy thân tàu ngầm.

Một số vũ khí trên trực thăng Westland Lynx. Từ trái qua phải: Tên lửa chống hạm Sea Skua, ngư lôi Sting Ray và bom chìm Mk 11

Ưu điểm của phương pháp chống thủy lôi bằng trực thăng

Ngoài tàu ngầm thì thủy lôi chính là mối đe dọa lớn thứ hai ở dưới mặt biển đối với các hạm đội tàu mặt nước. Không những thế, nó còn rất nguy hiểm đối với tàu thuyền dân sự.

Thủy lôi có thể được rải từ thời chiến tranh nhằm phong tỏa vùng biển, tiêu diệt hạm đội đối phương. Chỉ cần một xung chấn nhỏ do chân vịt tạo ra cũng đủ để kích nổ thủy lôi.

Do đó, vô hiệu hóa thủy lôi là công việc rất nguy hiểm, kể cả đối với tàu quét thủy lôi chuyên dụng.

Trực thăng MH-53E Sea Dragon đang thực tập với thiết bị quét thủy lôi cánh ngầm Mk 105

Để khắc phục và vô hiệu hóa thủy lôi một cách tốt nhất và an toàn nhất, người ta đã chế ra thiết bị quét thủy lôi cánh ngầm Mk 105 được kéo bởi trực thăng.

Thiết bị này sẽ lướt trên mặt nước và kích nổ toàn bộ số thủy lôi ở dưới mặt biển. Nhờ hoạt động ở độ cao an toàn và bay nhanh nên trực thăng sẽ không bị ảnh hưởng do vụ nổ của thủy lôi gây ra.

Thiết bị quét thủy lôi cánh ngầm Mk 105

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại