Dưới đây là 5 loại tên lửa hành trình đối hạm trang bị trên tàu chiến có tầm bắn xa nhất khu vực:
1. P-800/3M55 Yakhont
Tên lửa P-800 Oniks
P-800 Oniks (Bạch ngọc) và phiên bản xuất khẩu Yakhont (Hồng ngọc) (mã NATO SS-N-26) là tên lửa hành trình chống hạm siêu âm do NPO Mashinostroyeniya phát triển.
Đây là phiên bản tên lửa sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng của P-80 Zubr, Cục Tên lửa và Pháo binh Bộ quốc phòng Liên bang Nga (GRAU) gọi nó là 3M55.
Việc thiết kế loại tên lửa này theo báo cáo đã bắt đầu từ năm 1983 và đến năm 2001 thì chính thức hoàn thành.
P-800 có thể phóng từ đất liền, tàu mặt nước, máy bay hay từ tàu ngầm. Theo dự kiến, nó sẽ đảm nhiệm vai trò của P-270 Moskit nhưng cũng có thể thay thế cho cả P-700 Granit.
P-800 Oniks/Yakhont đã được dùng làm nền tảng để phát triển tên lửa PJ-10 BrahMos do Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển.
Thông số kỹ thuật cơ bản của P-800 Yakhont: Chiều dài 8,9 m; đường kính 0,67 m; trọng lượng 3.000 kg; đầu đạn 250 kg; tầm bắn 120 - 300 km (tùy chế độ bay) và lên tới 500 km ở phiên bản nội địa Oniks; tốc độ Mach 2,5.
Tên lửa Yakhont đang được trang bị cho một khinh hạm lớp Ahmad Yani của Hải quân Indonesia.
2. P-900/3M54 Klub
Các thành viên của gia đình tên lửa Klub
P-900/3M54 Klub (SS-N-27 Sizzler) là một tổ hợp tên lửa đa năng do Phòng thiết kế Novator (OKB-8) của Nga phát triển. Hiện nay Klub đã có các phiên bản phóng từ tàu mặt nước, tàu ngầm và trên đất liền.
Tổ hợp trên được thiết kế với nhiều loại đầu đạn khác nhau, cho phép sử dụng rộng rãi để tiêu diệt tàu chiến mặt nước, tàu ngầm cũng như các mục tiêu cố định nằm sâu trong lãnh thổ đối phương.
Đối với biến thể “dài” 3M54E, tên lửa bay hành trình ở tốc độ Mach 0,8 và đột ngột tăng tốc lên tới Mach 2,9 ở pha cuối khiến cho các hệ thống phòng thủ của chiến hạm không có đủ thời gian phản ứng.
Biến thể này ưu việt hơn Yakhont ở chỗ tên lửa có thể bay bám biển ngay từ giai đoạn đầu để đảm bảo tính bí mật mà vẫn có tầm bắn lên tới 220 km
Phiên bản “ngắn” 3M54E1 bay cận âm toàn hành trình ở tốc độ Mach 0,8, có tính năng tương đương với tên lửa Tomahawk và ASROC của Mỹ, nhưng kích thước nhỏ hơn và tầm bắn ngắn hơn.
Các biến thể của tên lửa Klub có chiều dài 6,2 - 8,22 m; đường kính 0,533 m; trọng lượng 1.780 - 2.300 kg; đầu đạn 200 - 400 kg; tầm bắn 220 - 300 km; tốc độ Mach 0,8 - 2,9.
Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất trong khu vực có tên lửa Klub trong biên chế, đó là phiên bản Klub-S trang bị trên tàu ngầm Kilo 636.
3. Otomat Mk II
Tên lửa Otomat Mk II
Tên lửa hành trình đối hạm Otomat/Teseo ban đầu do hai công ty Oto Melara của Ý và Matra của Pháp sản xuất, còn hiện tại nó được chế tạo bởi liên doanh MBDA.
Chương trình nghiên cứu tên lửa Otomat được thực hiện từ năm 1967 và đến năm 1974 thì các cuộc thử nghiệm hoàn thành.
Tuy nhiên tại thời điểm đó Hải quân Pháp đã quyết định lựa chọn tên lửa Exocet nên Hải quân Ý trở thành khách hàng đầu tiên của Otomat vào tháng 1/1976.
Phiên bản mới nhất của Otomat là Mk II Block IV được nâng cấp với một đường truyền dữ liệu giúp cho tàu phóng kiểm soát quá trình bay của tên lửa thông qua hệ thống Teseo. Ngoài ra, chức năng tham chiếu GPS còn cho phép lập trình những quỹ đạo bay phức tạp hơn.
Tên lửa Otomat có chiều dài 4,46 m; đường kính 0,4 m; trọng lượng 770 kg với đầu đạn nặng 210 kg; tầm bắn >180 km; tốc độ 310 m/s. Phiên bản tên lửa chống ngầm của Otomat có tên gọi Milas với kích thước lớn hơn, mang theo đầu đạn là 1 ngư lôi MU90 Impact.
Tên lửa Otomat Mk II đang được Hải quân Malaysia lắp đặt trên các tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Laksamana với 6 tên lửa mỗi tàu.
4. Exocet MM40 Block III
Tên lửa Exocet MM40 Block III
MM40 Block III là biến thể mới nhất của dòng tên lửa chống tàu tiên tiến Exocet được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo nhà phát triển MBDA, cấu hình Block III đã mở rộng đáng kể tầm bắn từ 70 km của phiên bản Block II lên tới 180 km.
Tên lửa Exocet có thể tiếp cận mục tiêu theo quỹ đạo bay 3 chiều đã xác định trước, cơ động tấn công trong giai đoạn cuối ở độ cao cách mặt biển rất thấp.
MM40 có chiều dài 5,79 m; đường kính thân 0,35 m; sải cánh 1,13 m; trọng lượng 875 kg, mang theo đầu đạn bán xuyên giáp nặng 155 kg. Tên lửa được lắp một động cơ nhiên liệu rắn cho tốc độ hành trình cận âm (Mach 0,9).
Trong khu vực ASEAN, hiện mới có Hải quân Indonesia đang triển khai tên lửa Exocet MM40 Block III trên các khinh hạm Sigma 10514.
5. 3M24 Uran-E
Tên lửa Kh-35 Uran-E
Theo một quyết định được đưa ra vào tháng 4/1984, OKB Zvezda bắt đầu tiến hành nghiên cứu chế tạo một loại tên lửa diệt hạm đa năng thế hệ mới có thể phóng đi từ tàu mặt nước, máy bay hoặc từ trên đất liền.
Tên lửa này sau đó được định danh là Kh-35 (phiên bản phóng từ máy bay) hay 3M24 (phiên bản phóng từ tàu chiến). Nó gần như là bản copy tên lửa chống tàu AGM/RGM-84 Harpoon của Mỹ khi giống từ ý tưởng đến hình dạng và các đặc tính kỹ chiến thuật.
3M24/Kh-35 Uran được thiết kế để tấn công các tàu chiến nhỏ có tốc độ cao như tàu tên lửa, tàu phóng lôi và cũng có thể sử dụng để tấn công tàu vận tải có lượng giãn nước lên đến 5.000 tấn.
Thông số cơ bản của tên lửa Uran: chiều dài 3,85 m; đường kính 0,42 m; trọng lượng 610 kg; đầu đạn 145 kg; tầm bắn 130 km; tốc độ Mach 0,8.
Tên lửa 3M24 đang được Hải quân Việt Nam triển khai trên các tàu hộ vệ tên lửa Molniya 1241.8, BPS-500 và Gepard 3.9.