Chiến lược vũ khí Ấn Độ: Chọn Mỹ chẳng phụ Nga

Hòa Sơn |

Việc Ấn Độ quyết định đa dạng hóa nguồn gốc vũ khí cho thấy nghệ thuật của New Delhi. Chính sách này được đánh giá là quyết định đầy khôn ngoan.

Khuyến khích nội lực

Ngày 23/11, mạng Deccan Chronicle (Ấn Độ) đưa tin, tân Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã phê chuẩn một kế hoạch có kinh phí khổng lồ nhằm tiến hành nâng cấp hiện đại hóa đối với trang bị pháo binh của Lục quân Ấn Độ. Căn cứ vào kế hoạch này, Ấn Độ sẽ chi khoảng 158 tỷ rupee (2,5 tỷ USD) mua sắm 814 khẩu pháo (155 mm).

Trước khi công khai thông tin này, hồi cuối tháng 6/2014, tờ Defense-update cho biết, Ấn Độ vừa tiết lộ 2 mẫu pháo tự hành tương lai của nước này được phát triển cùng công ty của Pháp và Israel.

Theo Defense-update, Công ty quốc phòng Nexter Systems Pháp và Ấn Độ vừa công bố kế hoạch xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng tại Ấn Độ. Đây là một trong nhiều dự án thuộc chương trình phát triển lực lượng pháo binh của Lục quân Ấn Độ.

Nexter Systems sẽ tiến hành liên doanh với hai công ty của Ấn Độ là Larsen & Toubro Limited (L&T) và Ashok Leyland Defence Systems. Đặc biệt, công ty L&T đã tiến hành phát triển một thế hệ pháo tự hành mới cho Quân đội Ấn Độ dựa trên nền tảng pháo tự hành Caesar của Pháp.

Pháo M777
Pháo M777

Phiên bản nội địa hóa của Caeser ở Ấn Độ do L&T làm nhà thầu chính, nó được trang bị hệ thống pháo Trajan 155/52mm do Nexter phát triển và đặt trên khung gầm xe tải chuyên dụng 6x6 Ashok Leyland chế tạo. Sau lần ra mắt đầu tiên tại triễn lãm quốc phòng DEFEXPO tại New Delhi vào đầu năm 2014, phiên bản pháo tự hành trên lại một lần xuất hiện tại khu giới thiệu sản phẩm của Nexter tại Eurosatory 2014.

Không giống như các loại lựu pháo xe kéo khác sử dụng pháo lựu đạn đế lõm, Trajan sử dụng loại pháo lựu đạn đế bằng, tăng tầm bắn lên tới 42km. Trajan cũng có khả năng phóng loại Rocket cỡ 155mm, tầm bắng tăng cường 55km.

Loại pháo này có sử dụng thiết bị điều tốc với 2 nấc bắn là 3 phát/30 giây hoặc 12 phát/3 phút, thiết bị tiếp đạn kiểu dây chuyền không những nâng cao tốc độ bắn và còn giảm bớt cường độ làm việc cho pháo thủ. Trajan sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực bằng máy tính và hệ thống dẫn đường đạn quán tính nên có khả năng tác chiến độc lập rất cao, thời gian chuyển đổi từ vận động sang trạng thái tác chiến là 90 giây.

Thiết bị đo đạc vận tốc bắn ở đầu nòng pháo có thể đo đạc sơ tốc và phản hồi thông tin về hệ thống điều khiển hỏa lực. Ngoài Nexter Systems, Ấn Độ còn hợp tác với nhiều công ty khác trong chương trình phát triển lực lượng pháo binh của mình. Như dự án phát triển pháo tự hành Atmos 155mm giữa công ty Elbit Systems của Israel và Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Kalyani.

Ngoài ra dự án trên còn có sự tham gia của nhiều công ty khác của Ấn Độ như tập đoàn Tata và hệ thống pháo tự hành G5 155mm của Nam Phi.

Tài dùng vũ khí Mỹ

Hồi tháng 8/2013, Cơ quan Hợp tác quốc phòng và an ninh Mỹ (DSCA) đã đệ trình lên Quốc hội nước này kế hoạch bán lựu pháo trọng lượng nhẹ 155mm M777 cho Ấn Độ. Nếu không bị bác bỏ, hợp đồng trị giá 885 triệu USD trên với phía Ấn Độ sẽ được thực hiện theo khuôn khổ chương trình Bán vũ khí cho nước ngoài (FMS).

Tuy nhiên kế hoạch trang bị pháo M777 trên tuyến kiểm soát thực tế với Trung Quốc của Ấn Độ có nguy cơ đổ vỡ do mức giá Mỹ đưa ra là quá đắt. Thông tin được tờ Times of India dẫn nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, theo đó quyết định cuối cùng chưa được đưa ra, nhưng Ấn Độ không định mua M777 với giá chào 300 triệu rupi (khoảng 6 triệu USD)/khẩu.

Tuy nhiên, nếu kế hoạch này được thực hiện thì Lựu pháo - M777 sẽ bổ sung thêm kho vũ khí khổng lồ do Mỹ sản xuất hiện có trong quân đội Ấn Độ. Hợp đồng quân sự hạng nặng gần đây nhất được thực hiện giữa Mỹ và Ấn Độ khi nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ bàn giao chiếc máy bay vận tải quân sự C-17 cho Không quân Ấn Độ (IAF).

Ấn Độ tiếp nhận máy bay vận tải C-17

Ấn Độ tiếp nhận máy bay vận tải C-17

Đây là bản hợp đồng Ấn Độ đã ký kết với hãng Boeing từ năm 2010 (đơn giá mỗi chiếc khoảng 218 triệu USD). Ông Browne, Tổng Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ cho biết: “Việc chiếc C-17 đầu tiên phục vụ trong Không quân Ấn Độ không chỉ tăng cường khả năng vận chuyển chiến lược mà sẽ còn là phần quan trọng trong quá trình hiện đại hóa quân đội”.

C-17 sẽ bổ sung cho lực lượng vận tải cơ hạng nặng gồm 6 chiếc C-130J mà IAF đã mua từ Washington trước đó. Ngoài ra, New Delhi đang thương lượng để mua thêm 6 chiếc C-130J và triển khai loại máy bay này tại bang Tây Bengal thuộc miền đông Ấn Độ để phục vụ các đơn vị đóng gần khu vực giáp với Trung Quốc.

Nhằm tăng cường năng lực giám sát trên biển cho Hải quân, New Delhi ký hợp đồng đặt mua 8 máy bay do thám Boeing P-8I Poseidon có khả năng săn tàu ngầm từ năm 2009, với tổng trị giá 2,1 tỉ USD. Theo tin từ Bộ quốc phòng Ấn Độ, nước này cũng quyết định mua 15 trực thăng vận tải Chinook CH-47F và 22 trực thăng tấn công AH-64D Block-III Apache.

Vũ khí Nga chiếm số lượng danh dự

Ngoài việc tăng cường trang bị vũ khí do Mỹ sản xuất trong những năm gần đây, thì Nga được coi là bạn hàng vũ khí truyền thống của quân đội Ấn Độ. Hiện trong tất cả các lực lượng của Quân đội Ấn Độ đều có mặt của vũ khí có nguồn gốc từ Nga.

Hiện lực lượng Không quân của Ấn Độ chủ yếu dựa vào chiến đấu cơ MiG do Nga sản xuất. Hồi tháng 5/2013, New Delhi quyết định thành lập Phi đội "Black Panthers" trang bị trên tàu sân bay gồm 12 chiếc MiG-29K một chỗ ngồi và chiếc MiG-29KUB hai chỗ ngồi, được Nga cung cấp cho Bộ Quốc phòng Ấn Độ theo bản hợp đồng ký kết năm 2004.

Tiêm kích Su-30MKI diễn tập

Tiêm kích Su-30MKI diễn tập

Chiến đấu cơ mạnh nhất của Ấn Độ hiện nay có nguồn gốc từ Nga là loại chiến đấu cơ đa năng Sukhoi Su-30MKI thuộc lực lượng United Aircraft Corp. Hiện có khoảng 150 chiếc hiện đang hoạt động và con số này sẽ được nâng lên 272 chiếc tính đến năm 2019.

Hiện Ấn Độ và Nga đang cùng nghiên cứu phát triển loại chiến đấu cơ tàng hình thế hệ mới. Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ nhận bàn giao khoảng 140 chiếc loại này sau năm 2020. Trong quân đội Ấn Độ hiện nay cũng có sự phục vụ của các trực thăng đời mới Mil-17, có tên gọi Mil-17 V-5.

Chương trình vũ khí do New Delhi và Moscow hợp tác sản xuất được cho là thành công nhất là tên lửa BrahMos. Hiện tên lửa BrahMos được phát triển với nhiều biến thể khác nhau và đã được trang bị trên chiến đấu cơ Su-30MKI.

Trang bị có nguồn gốc Nga mang ý nghĩa chiến lược với Ấn Độ là tàu sân bay Vikramaditya. Theo kế hoạch, tàu sân bay Vikramaditya sẽ được bàn giao cho Hải quân Ấn Độ vào cuối năm 2013.

Về lược lượng tàu ngầm, trong biên chế Hải quân Ấn Độ hiện có khoảng 15 tàu ngầm đang hoạt động, trong đó 11 chiếc nguyên thủy của Liên Xô/Nga, chiếc tàu ngầm hiện đại nhất thuộc lớp Akula chạy bằng năng lượng hạt nhân được Hải quân nước này thuê từ Nga.

Để tăng cường hơn nữa vũ khí Nga, Ấn Độ đã ký hợp đồng với Nga trang bị một loạt các tàu khu trục tàng hình lớp Talwar.

Trong lực lượng của mình, quân đội Ấn Độ có khoảng 5.000 xe tăng và xe bọc thép chiến đấu là sản phẩm của Liên Xô/Nga, trong đó có số lượng lớn các tăng T-72 và T-55. Và một trong những sản phẩm của Nga được xuất khẩu nhiều nhất cho quân đội, cảnh sát và các lực lượng bán quân sự Ấn Độ là súng AK và các đời súng AK mới hơn.

Rõ ràng việc Ấn Độ sử dụng số lượng lớn trang bị, vũ khí có nguồn gốc từ 2 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới cho thấy nghệ thuật sử dụng vũ khí tài tình của New Delhi. Theo đánh giá của một số chuyên gia, đây là quyết định đầy khôn ngoan của Ấn Độ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại