Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu vũ khí - Giấc mơ xa vời!

Huỳnh Linh |

Trong suốt hơn một thập kỷ, Ấn Độ đã đi khắp thế giới để lựa chọn, tìm kiếm đối tác cho thương vụ mua trực thăng có giá hơn 1 tỷ USD nhằm thay thế khoảng 200 máy bay quân sự hạng nhẹ đã lỗi thời

Nhưng tháng 8, chính phủ mới theo chủ nghĩa dân tộc đã bất ngờ hủy bỏ đề nghị đấu thầu quốc tế để mua trực thăng. Thay vào đó, họ ủng hộ tiến hành sản xuất ngay trong nước.

Vài tháng gần đây, Ấn Độ đã hủy bỏ 2 đề nghị mua máy bay vận tải cùng tàu ngầm và quyết đinh sẽ tiến hành sản xuất nội địa. Đây là một phần trong nỗ lực mới đầy tham vọng của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi nhằm khuyến khích các hoạt động của ngành công nghiệp chế tạo vũ khí trong nước và hiện thực hóa sáng kiến “Sản xuất ở Ấn Độ” (“Make in India”).

Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới (chiếm 14% tổng vũ khí nhập khẩu của thế giới), gần gấp 3 lần so với Trung Quốc.

Chính quyền cho biết 7 năm tới, họ có thể sẽ chi hơn 130 triệu USD cho nhập khẩu vũ khí để nâng cấp hàng tồn kho, các xưởng sản xuất thời Xô Viết và cả hệ thống vũ khí hiện đại.

Kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Ấn Độ có thể đem lại cho các công ty của Mỹ những vụ mua bán trị giá hàng tỷ USD. Việc này cũng giúp củng cố vai trò chiến lược của đất nước trong khu vực tại thời điểm mà quân đội Mỹ và Ấn Độ đang triển khai ngày càng nhiều các cuộc tập trận chung.

Mỹ đã qua mặt Nga, trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ. Trong 3 năm qua, Ấn Độ đã chi gần 14 tỷ USD cho nhập khẩu vũ khí (hơn 5 tỷ USD là đơn hàng từ Mỹ, và Nga là 4 tỷ USD).

Các nhà phân tích nói rằng hợp tác quốc phòng ngày một chặt chẽ giữa Mỹ và Ấn Độ là một yếu tố rất quan trọng đối với hy vọng về một mối quan hệ phát triển toàn diện của đôi bên cũng như đối với chương trình được Tổng thống Obama gọi là “định hướng đối tác thế kỷ 21”.

Nhưng làm việc với Ấn Độ cũng cũng khiến các công ty của Mỹ khó chịu không kém. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), đất nước này có chỉ số “môi trường kinh doanh thuận lợi” khá thấp. Những nhược điểm làm các doanh nghiệp Mỹ không hài lòng có thể kể đến: tốc độ quyết định chậm, giới hạn 49% nguồn đầu tư nước ngoài vào các công ty quốc phòng trong nước và các nghĩa vụ bắt buộc với đầu tư sản xuất quốc phòng trong nước.

Thủ tướng Modi muốn đảo ngược tình thế, đưa Ấn Độ từ một nước nhập khẩu vũ khí thành một nước không chỉ sản xuất mà còn xuất khẩu vũ khí chủ đạo trên thế giới, tương tự Trung Quốc vài năm về trước.

“Chúng tôi hy vọng có thể làm cho đất nước đủ mạnh để xuất khẩu các trang thiết bị quốc phòng ra thế giới”, ông Modi phát biểu từ tháng 8, sau lễ đặt tên cho tàu chiến hải quân lớn nhất mà Ấn Độ sản xuất. “Thay vì nhập khẩu mọi vũ khí dù là nhỏ nhất, vài năm nữa, chúng tôi muốn đưa đất nước trở thành một nước xuất khẩu các trang thiết bị đó”.

Để đạt được mục tiêu này, chính quyền đã gỡ bỏ nhiều điều khoản nghiêm ngặt trong số gần 60% sản phẩm phục vụ quốc phòng cho các công ty sản xuất tư nhân. Đầu năm nay, chính quyền đã tăng mức hạn chế đầu tư nước ngoài vào công nghiệp quốc phòng từ 26% lên 49% để khuyến khích hợp tác giữa các nhà đầu tư thế giới.

“Chúng tôi muốn thu hút các công ty quốc phòng quốc tế không chỉ đơn thuần để mua hàng từ họ mà còn để đẩy mạnh sản xuất trong nước và xuất đi các nước khác”, ông Amitabh Kant - thư ký Cục Chính sách và Đẩy mạnh công nghiệp ở New Delhi cho biết.

Các công ty quốc phòng nước ngoài cũng nói rằng những chính sách khuyến khích đó vẫn chưa đủ để họ đem những công nghệ quốc phòng quan trọng đến Ấn Độ.

“Về số lượng, việc nâng mức trần từ 26% lên 49% là một bước đi đúng hướng”, theo ông Pratyush Kumar - chủ tịch của công ty Boeing ở Ấn Độ. “Còn chất lượng thì không có gì thay đổi vì họ không để các nhà đầu tư nước ngoài điều hành”.

Từ tháng 5, Mỹ và Ấn Độ đã đẩy mạnh đàm phán các dự án cụ thể về hợp tác sản xuất tên lửa điều khiển chống tăng, hệ thống phóng máy bay trên tàu sân bay và các phương tiện bay không người lái, theo lời ông Rahul S. Madhavan - giám đốc Chính sách Quốc phòng và Hàng không vũ trụ tại Hội đồng kinh doanh Mỹ-Ấn ở Washington.

Ông cho biết thêm: “Không phải lúc nào cũng nhận được những lời đề nghị như thế. Ấn Độ giờ đây gần như ngang tầm với các nước thành viên NATO nếu xét trên phương diện công nghệ quốc phòng mà Mỹ đề xuất”.

Nhưng nhiều chỉ trích cho rằng Ấn Độ sẽ bị chia rẽ bởi hai mục tiêu trái ngược nhau: khát vọng sản xuất vũ khí ngay trong nước và nhu cầu giải quyết thiếu hụt trầm trọng của quân đội ngay lập tức.

Lực lượng vũ trang cần có trực thăng, tàu ngầm, phi cơ chiến đấu và trục lôi hạm mới nhưng kể cả vậy thì họ cũng vẫn còn thiếu vỏ xe tăng. Binh lính cần được trang bị áo chống đạn loại nhẹ, súng trường, thiết bị quan sát ban đêm, giầy và mũ chiến đấu.

Thập kỷ trước đã trì hoãn nhiều quyết định quan trọng liên quan đến nâng cấp quân sự. Các nhà phân tích gọi hai nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Manmohan Singh là “thập kỷ mất mát” đối với quốc phòng Ấn Độ.

Theo cựu đô đốc hải quân Ấn Độ Arun Prakash: “Chúng ta đã lãng phí một thập kỷ mà chẳng thay đổi được điều gì. Chính quyền cũ đã đưa quá nhiều công ty quốc phòng vào sổ đen chỉ vì mắc một sai lầm nhỏ đến mức quân đội gần như không còn một nguồn cung cấp nào. Đơn hàng bị hoãn, điều tra chưa có hồi kết hoặc có thể đã bị lãng quên. Điều này thực sự gây thiệt hại cho lực lượng vũ trang”.

Các quan chức cho biết chính phủ có thể sẽ xem xét chính sách về các điều khoản bắt buộc khi đầu tư vào Ấn Độ và sẽ cố gắng để chúng không xa rời cuộc vận động sản xuất của Thủ tướng Modi.

Dù đã cho thấy nhiều nỗ lực, các chuyên gia quốc phòng vẫn nói rằng Ấn Độ chưa sẵn sàng cho một bước nhảy vọt như Trung Quốc - từ một nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất (năm 2006) thành nước xuất khẩu quốc phòng lớn thứ 6 trên thế giới (tính đến năm 2011).

Ông Prakash nói: “Mong muốn trở thành nước xuất khẩu quốc phòng là một điều đáng trân trọng, nhưng cũng sẽ tốn khá nhiều công sức. Với tình trạng cơ sở công nghiệp và nghiên cứu quốc phòng như hiện nay, đó không phải là điều có thể xảy ra một sớm một chiều”.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Washington Post, nhật báo lớn nhất và là lâu đời nhất tại Washington D.C, Mỹ. Bên cạnh những tờ báo lớn khác như The New York Times, The Wall Street Journal Los Angeles Times, The Washington Post thường đăng tải các phóng sự về Nhà Trắng, Quốc hội và những khía cạnh khác của chính phủ Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại