Chiến lược "chiến tranh mơ hồ" của Nga đang làm khó NATO

Một số tạp chí nghiên cứu quốc tế của Canada cho rằng trong bối cảnh gặp khó khăn nhiều mặt do bị bao vây và công kích từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lựa chọn một đối sách khá hợp lý, vừa cứng rắn lại vừa mềm dẻo, khôn ngoan nhằm tránh bị cuốn theo những khiêu khích từ các thế lực này.

Trong Thông điệp Liên bang năm 2014, Tổng thống Putin khẳng định Nga không muốn cắt đứt quan hệ với châu Âu và Mỹ, trong đó có NATO.

Tuy nhiên, Nga luôn có đối tác và bạn bè chiến lược trên khắp thế giới và sẽ luôn chống lại mọi ý đồ nhằm bóp méo hình ảnh nước Nga, kể cả trong bối cảnh hiện nay, khi các nước phương Tây đang cố gắng dựng lên một "bức màn sắt" bao quanh Nga.

Tổng thống Nga khẳng định không thế lực nào có thể dùng ngôn ngữ sức mạnh để nói chuyện với nước Nga.

Học thuyết quân sự mới của Nga cũng cho thấy Tổng thống Putin cố gắng tránh kích động đối đầu với NATO và Mỹ, mặc dù vẫn xác định sự củng cố tiềm lực quân sự của NATO và việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO đến gần biên giới Nga là mối đe dọa quân sự hàng đầu.

Có thể coi Học thuyết quân sự mới này là một phản ứng đối với những hành động thù địch gần đây của NATO và Mỹ.

Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Ukraine, những căng thẳng địa chính trị giữa Nga với NATO và Mỹ liên tục tăng.

Mới đây, khi Quốc hội Ukraine bỏ phiếu tiến hành bước đầu tiên hướng tới việc gia nhập NATO bằng việc bãi bỏ quy chế "không liên kết chính thức", Nga đã gọi đây là một sự khiêu khích công khai.

Lãnh đạo Nga cũng đe dọa nếu Ukraine gia nhập NATO, Nga sẽ cắt đứt toàn bộ quan hệ với liên minh quân sự này.

Để thoát khỏi vòng kìm tỏa của NATO và Mỹ, Nga tính toán thúc đẩy hình thành một mô hình an ninh mới tại khu vực Thái Bình Dương.

Đây là một tính toán đầy chủ ý khi khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang là trọng tâm của chiến lược xoay trục của Mỹ, và tại đây, Trung Quốc cũng đang bị Mỹ và đồng minh tìm mọi cách kìm tỏa.

Bên cạnh đó, Nga cũng tăng cường kho vũ khí, củng cố sức mạnh quân sự của mình.

Tổng thống Putin khẳng định việc phát triển các lực lượng hạt nhân chiến lược sẽ là ưu tiên của quân đội Nga trong năm 2015.

Nga đã đặt hàng mua thêm 50 tên lửa vượt đại châu chiến lược và bổ sung vào trực chiến thường xuyên 2 tàu chiến mang tên lửa lớp Borei được trang bị 20 tên lửa vượt đại châu Bulava.

Các đơn vị tên lửa đặc biệt sẽ được thành lập thêm 4 trung đoàn mới, mỗi trung đoàn được cấp 12 tên lửa loại Yars.

Nga cũng tính toán đẩy mạnh tăng cường hợp tác quân sự với nhiều nước và khu vực khác, bao gồm các nước BRICS, các nước Trung Á và Mỹ Latinh, Nam Ossetia và Abkhazia - hai khu vực ly khai tại Gruzia.

Nga cũng tăng cường bảo vệ các nước thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), cùng một số nước quan sát viên khác.

Đồng thời, nước này cũng mở rộng hợp tác với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Ngược lại, NATO và Mỹ thì đánh giá Nga đang áp dụng một chiến lược "chiến tranh không rõ ràng," hay là "chiến tranh mơ hồ" để đối phó với sức ép hiện nay.

Chiến lược này đang gây khó khăn cho NATO và Mỹ, khiến họ chưa tìm được đối sách phù hợp để đối phó với Nga ngoài việc chỉ áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính.

Nhiều chuyên gia nhận xét diễn biến gần đây trong quan hệ Nga-NATO cho thấy hai bên đang mất niềm tin vào nhau, mô hình đối tác chiến lược như trước đã bị phá vỡ.

Nếu NATO vẫn ráo riết mở rộng các hoạt động quân sự, tiếp tục theo đuổi một chính sách kiềm chế và ngăn chặn Nga, thì chắc chắn Nga sẽ phản ứng quyết liệt hơn.

Với những gì đang diễn ra, viễn cảnh bình thường hóa quan hệ Nga-NATO trong tương lai gần là điều không tưởng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại