Chiến lược cân bằng sức mạnh đối hải-đối không của Việt Nam

Đó là những nhận định được giới truyền thông quốc tế đưa ra xung quanh những thông tin liên quan tới việc Hà Nội liên tiếp ký những hợp đồng mua bán vũ khí “có hạng”…

Nâng tầm sức mạnh

Tờ CNJ của TQ đưa tin, Việt Nam vừa ký hợp đồng mua thêm 12 chiến đấu cơ hiện đại Su-30MK2 của Nga, tổng trị giá hơn 600 triệu đôla Mỹ. Tiếp sau đó là kế hoạch hiện đại hóa lực lượng tàu mặt nước với bản hợp đồng mua 2 tàu hộ tống Sigma 9814 từ Hà Lan.

Hãng thông tấn Interfax của Nga cũng cho biết, Moscow đang nỗ lực thực hiện bản hợp đồng được đánh giá là được tạo dựng từ mối quan hệ “hữu hảo” giữa Nga và Việt Nam.

Theo đó, Nga sẽ thực hiện hợp đồng mua Su-30MK2 của Việt Nam theo ba đợt, mỗi đợt 4 chiếc Sukhoi, giao hàng trong hai năm 2014 và 2015. Hãng này cũng dẫn nguồn ngoại giao quân sự giấu tên cho biết, Việt Nam còn mua thêm một số hạng mục kỹ thuật khác mà không cung cấp thêm chi tiết.

Chiến lược cân bằng sức mạnh đối hải-đối không của Việt Nam
Tàu hộ tống lớp Sigma sẽ sớm có mặt trong lực lượng Hải quân Việt Nam.

Trước đó, báo chí Nga cũng đã cung cấp những thông tin liên quan tới việc Hà Nội đang có kế hoạch từng bước hiện đại hóa lực lượng quân sự nhằm mục đích bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trong thời kỳ mới.

Tờ Defencetalk nhận định, mức tăng GDP hàng năm của Việt Nam trong giai đoạn 2013-2017 sẽ là 6,5% và sẽ cho phép bảo đảm chi phí quốc phòng ở mức cần thiết. Nếu như những năm gần đây, Hà Nội đã chi cho quốc phòng gần 3% GDP thì trong tương lai gần, mức chi sẽ tăng lên đến 5%.

Báo chí Nga cũng tin tưởng vào việc trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam dựa trên mối quan hệ hữu hảo đã được duy trì trong nhiều năm qua.

“Để thực hiện chiến lược tái trang bị vũ khí cho quân đội, ban lãnh đạo Việt Nam dự định tiếp tục đường lối củng cố hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga, nhờ đó, Việt Nam đang nằm trong số 5 nước nhập khẩu vũ khí Nga nhiều nhất”, tờ Ruvr.ru của Nga phân tích.

Truyền thông Trung Quốc e ngại

Việt Nam đã ký 2 hợp đồng mua Sukhoi trước đó với Nga thông qua tập đoàn xuất khẩu vũ khí của nhà nước Rosoboronexport. Hợp đồng thứ nhất gồm 8 chiếc, và thứ hai gồm 12 chiếc, đã được giao hàng xong năm ngoái.

Trung đoàn không quân 923 (Sư đoàn không quân 371, Quân chủng Phòng không-Không quân) là nơi quản lý, khai thác và sử dụng loại máy bay tiêm kích tối tân này. Đây thực sự là một bước đi tiếp tục khẳng định vị thế, sức mạnh của Hà Nội trong khu vực Đông Nam Á, tờ chinamil của Trung Quốc phân tích.

Báo chí Trung Quốc cũng đặc biệt đề cao Su-30MK2 được Hà Nội đặt mua. Su-30MK2 là máy bay tiêm kích tầm xa trên biển trong mọi điều kiện thời tiết và thường được so sánh với chiếc F15-E do Mỹ sản xuất. Máy bay này được dùng để chiếm ưu thế trên không cũng như tấn công mục tiêu trên đất liền và trên biển.

Tờ CNI của TQ còn nhận định thêm rằng, trong những năm gần đây, Hà Nội đang nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng. Cuối năm nay chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên trong loạt 6 chiếc Việt Nam mua từ Nga sẽ được giao cho Hà Nội. Đó còn chưa kể tới việc Hà Nội đang có quan hệ rất tốt với nhiều quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng phát triển khác trên thế giới.

Tăng cường khả năng đối hải và đối không là điều được báo chí Nhật nhắc tới khi phân tích sức mạnh nội tại của lực lượng quân sự Việt Nam.

Tờ japanmil viết, với lực lượng hải quân hiện có Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin bảo vệ vùng biển đảo chủ quyền rộng lớn của mình. Nước Nhật trước đây cũng đứng trước nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm của Chính phủ, đất nước Nhật đã đứng vững và một sự quyết tâm tương tự như vậy đã được Hà Nội thể hiện rõ.

Chiến lược cân bằng sức mạnh đối hải-đối không của Việt Nam
Nga vẫn luôn được xem là đối tác chiến lược của nền quốc phòng Việt Nam.

Báo chí Hà Lan cũng không mấy tỏ ra bất ngờ trước thông tin Việt Nam đặt mua thành công 2 tàu hộ tống Sigma 9814, có chiều dài 98m và chiều rộng 14m. Tờ Handelsblad của Hà Lan phân tích, ngành công nghiệp đóng tàu của Hà Lan vốn không xa lạ gì với Việt Nam. Bằng chứng là Tập đoàn Damen có lịch sử gần 20 năm hoạt động tại Việt Nam, nơi công ty có 5 xưởng đóng tàu.

Việc mua 2 tàu hộ tống lớp Sigma, nếu được xác nhận, sẽ phù hợp với chương trình hiện đại hóa hải quân của Việt Nam cũng như nghiên cứu chuyển giao công nghệ quốc phòng. Báo chí Hà Lan cũng để ngỏ khả năng một chiếc Sigma sẽ được đóng ở Hà Lan và một chiếc được đóng ở Việt Nam.

Trang VOA của Mỹ cũng có bài phân tích liên quan tới việc Hà Nội lần lượt thành công với những hợp đồng mua vũ khí hiện đại. Hà Nội đang có những bước đi quan trọng trong việc hiện đại hóa quân đội, nhằm từng bước thích ứng với sự phát triển ngày càng nhanh của khoa học công nghệ.

Một nền quốc phòng đủ mạnh là nền quốc phòng có thể khiến cho những lực lượng đối lập phải cảm thấy e ngại ngay sau khi “nghiên cứu” những thông số liên quan, và đó chính là sự răn đe hữu hiệu nhất. Hà Nội đang trên con đường nỗ lực tăng cường khả năng phòng vệ chính đáng của mình, tờ VOA nhận định thêm.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại