Hệ thống mô phỏng tàu hộ vệ Gepard 3.9 của Việt Nam

Trung tâm Huấn luyện mô phỏng của Học viện Hải quân được thành lập tháng 5/2012 nhằm tăng cường hiệu quả huấn luyện cho các thủy thủ. Hiện trung tâm được trang bị 4 hệ thống mô phỏng, gồm: Hệ thống mô phỏng tác chiến ASTT; hệ thống mô phỏng huấn luyện chiến thuật; hệ thống mô phỏng Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 và hệ thống mô phỏng Tàu tên lửa 1241.8.

Thông tin trên được Thượng tá Nguyễn Ngọc Liêm, Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện mô phỏng Học viện Hải quân, cho biết.

Khi chưa có các trang bị, học viên được huấn luyện tại các phòng thực hành thực nghiệm theo từng chuyên ngành và huấn luyện tổng hợp tại Trung tâm huấn luyện thực hành, một thời gian trước khi tốt nghiệp học viên đi tiếp cận thực tế ở các đơn vị... Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng, Giảng viên Trung tâm mô phỏng Tác chiến, chia sẻ:

Ưu điểm của phương pháp này đã giúp học viên hình dung và nắm được kiến thức và quy trình vận hành vũ khí và trang thiết bị kỹ thuật.

Tuy nhiên, phương pháp trên gặp rất nhiều khó khăn, bất cập bởi sau khi học xong lý thuyết, học viên mất một khoảng thời gian gián đoạn mới được tiếp cận trang thiết bị. Do đó, khả năng thực hành trên trang thiết bị, nhất là các trang thiết bị mới còn hạn chế, học viên khi ra trường thời gian đầu còn lúng túng”.

Học viên thực hành trên Hệ thống mô phỏng Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9.
Học viên thực hành trên Hệ thống mô phỏng Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9.

Sau khi Học viện Hải quân được trang bị các hệ thống mô phỏng, đặc biệt là Hệ thống mô phỏng Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 đã giúp học viên được thực hành nhiều hơn, phương pháp dạy và học của học viện cũng được đổi mới theo hướng tích cực. Hệ thống mô phỏng Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 gồm các trang thiết bị về hàng hải, vũ khí, radar, thông tin, hệ thống động lực... như trên tàu thật.

Đặc biệt là hệ thống tích hợp hàng hải trên phần mền máy tính gồm: La bàn con quay; máy tính cảm ứng; máy đo sâu; la bàn từ; thiết bị nhận dữ liệu thủy văn (vô tuyến thu NAVTEXNT 900); máy đo tốc độ gió; các tính năng chính của trạm radar hàng hải; ba bản đồ điện tử hàng hải - hệ thống thông tin thiết bị; hệ thống máy lái tự động và màn hình 3D.

Thiếu tá Ngô Ánh, Phó thuyền trưởng Kíp tàu huấn luyện mô phỏng, cho biết: “Mô đun điều khiển và hàng hải là thiết bị mô phỏng buồng chỉ huy hành trình (quy mô đầy đủ) tàu chiến Gepard 3.9 tương ứng với các cơ cấu điều khiển và hiển thị thật trên tàu, các chương trình mô phỏng các hệ thống trên tàu, kể cả các hệ thống điều khiển vũ khí và trang bị kỹ thuật”.

Theo đó, mô đun dựng nhằm huấn luyện cho học viên tạo kỹ năng thực hành điều khiển tàu với việc sử dụng hệ thống bánh lái-chân vịt dẫn động, sử dụng thiết bị hiển thị khả năng làm việc và kiểm soát các hệ thống chính trên tàu, sử dụng tín hiệu âm thanh, ánh sáng (đèn hiệu), cờ, dấu hiệu và các hệ thống, cơ cấu khác của tàu, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí và các phương tiện kỹ thuật.

Mô đun được trang bị hệ thống mô phỏng đa kênh các tình huống quan sát bằng mắt và maket buồng hành trình tàu phục vụ thục luyện các bài tập vận động, rời cập bến, làm dây và đo đạc quan sát bằng mắt trong các điều kiện khí tượng thủy văn khác nhau.

Người học vào thời điểm bất kỳ luôn có thông tin trực quan về tình trạng và vị trí tàu trong không gian tương đối so với các đối tượng khác thuộc khung cảnh luyện tập. Đơn cử như mô phỏng các hiện tượng khí quyển và sự thay đổi tầm nhìn quang học.

Rõ nét nhất là đặc điểm biển, bầu trời, đường chân trời, đặc điểm đường bờ được thực hiện phù hợp với điều kiện tầm nhìn và thời gian trong ngày. Đồng thời bảo đảm các hiệu ứng như: Thời gian trong ngày theo các mùa trong năm và vị trí, các tầng mây được điều khiển theo dạng mây và ranh giới độ cao mây (mây 3D);

Sương mù tại khu vực đã chọn và có thể thay đổi mật độ, ranh giới thấp và cao của các dải sương mù; tầm nhìn thay đổi (sự giảm ánh sáng do các hiệu ứng khí quyển) trong khu vực không có mây và sương mù được mô phỏng ở dạng khói.

Bên cạnh đó, hệ thống mô phỏng còn giúp học viên kiểm tra được kết quả sau mỗi lần điều khiển phóng tên lửa, bắn các loại pháo và kết quả các bài vận động tàu trên biển...

Với tính năng hiện đại, Hệ thống mô phỏng Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 không chỉ giúp người học nhanh tiếp thu kiến thức, cọ sát với thực tế mà còn rèn luyện cho học viên có bản lĩnh, phương pháp tác phong chỉ huy khoa học, đồng thời tiết kiệm thời gian, nhân lực, phương tiện, kinh phí...

Trung tâm huấn luyện tầu ngầm

Để tăng cường chất lượng huấn luyện cho các thủy thủ, đặc biệt là huấn luyện thủy thủ tàu ngầm, được coi là mới mẻ với Hải quân Việt Nam, Nga sẽ giúp Việt Nam xây dựng trung tâm huấn luyện tàu ngầm hiếm có trên thế giới tại Cam Ranh.

Đài tiếng nói nước Nga dẫn lời ông Vladimir Khoroshev, đại diện Hiệp hội khoa học-sản xuất Avrora cho biết, Trung tâm huấn luyện sẽ có mô hình giống như một chiếc tàu ngầm không có phần khung cứng và sẽ được lắp ráp trên bờ biển. Và “ruột” của con tàu này do Avrora chế tạo cùng với gần một trăm công ty Nga chuyên cung cấp thiết bị cho tàu ngầm.

Cũng theo ông Vladimir Khoroshev, tàu mô phỏng được lắp đặt khoảng 30 thiết bị đào tạo-tậpluyện, kết nối trong một hệ thống duy nhất. Trên những thiết bị này có thể nghiên cứu vận hành tàu ngầm trong điều kiện hoạt động thông thường cũng như huấn luyện phản ứng của thủy thủ đoàn trong những tình huống khẩn cấp, cho đến mức báo động cao nhất.

Trung tâm đào tạo có sàn chao đảo chuyển động trên ba mặt phẳng và cho phép tái hiện tình hình thực tế trên biển khi gặp bão, tàu rung lắc, nghiêng mạn lúc lặn sâu và nổi lên mặt nước.

Nếu thủy thủ thực hiện một động tác sai, ngay lập tức sẽ có cảm nhận thể chất – sàn sẽ nghiêng lệch hay nhô vọt lên trên, mô phỏng chính xác tình hình của một con tàu thật. Trong đó, mọi chuyển động đều sát với hiện thực đến mức tối đa.

Tại trung tâm có bể bơi đặc biệt, nơi thủy thủ tàu lặn sẽ học cách phản ứng trong môi trường giả định có khói ngạt, cần dập lửa bằng những phương tiện khác nhau, thực hiện công tác sửa chữa, và nhanh chóng rời khỏi tàu qua đường ống phóng ngư lôi.

Trong vòng hai năm, khi tiến hành lắp đặt hoàn chỉnh mọi chi tiết thành tố của trung tâm, nhóm huấn luyện viên tương lai của trung tâm này cũng trải qua khóa đào tạo đặc biệt tại Saint-Peterburg. Nhóm gồm 50 sĩ quan hải quân và giảng viên đại học Việt Nam. Có cả các chuyên viên quản lý hệ thống, những người đã được học thiết lập chương trình từng phần của trung tâm tập luyện.

“Nhóm huấn luyện viên tương lai đã qua khóa học tiếng Nga trong suốt một năm rưỡi, sau đó làm quen cụ thể với tất cả các chi tiết của hệ thống trong trung tâm đào tạo và trải qua đợt thực tế trên tàu thật ngoài khơi.

Tiếp đó, họ đã trả thi và đạt kết quả loại khá và giỏi với điểm số trung bình là 4,4. Đây là những bạn trẻ rất tuyệt và tôi tin chắc rằng họ sẽ vững vàng huấn luyện được những thủy thủ tàu ngầm chuyên nghiệp”, ông Vladimir Khoroshev cho hay.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại